Những lớp học hạnh phúc ở Ấn Độ

29/07/2018 13:45 GMT+7

Trong 3 tuần qua, không khí lớp học tại New Delhi, thủ đô Ấn Độ, đã thay đổi theo hướng chú trọng cảm xúc học tập của các học sinh, thay vì đuổi theo thành tích như lâu nay.

Theo đài NPR hôm 29.7, chính quyền New Delhi đang triển khai “các lớp học hạnh phúc” trong nỗ lực chuyển trọng tâm từ thành tích trong học tập sang mục tiêu vì nụ cười khi đến lớp của các học sinh.
Cũng giống như nhiều quốc gia châu Á khác, trước nay Ấn Độ luôn áp dụng tiêu chí học tập là trên hết, học cực, thi khó, tỷ lệ đầu vào giới hạn tại các trường đại học có tiếng tăm, khiến môi trường trên lớp học luôn căng thẳng.
Hậu quả cuối cùng là tỷ lệ tự sát ở giới học sinh trung học tăng cao. Số liệu thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới hồi năm ngoái tiết lộ sự thật đáng báo động, cứ mỗi 4 học sinh từ 14-15 tuổi lại có một em phải đánh vật với tình trạng trầm cảm.
Ông Manish Sisodia, người đứng đầu Sở giáo dục New Delhi, được giao trọng trách đưa vào chương trình học tập những giờ học hoàn toàn khác trước.
“Trong 40 -50 năm qua, hệ thống giáo dục của Ấn Độ được diễn dịch thành hệ thống sản xuất nguồn nhân lực ở mức độ công nghiệp” ở tất cả các cấp, ông Sisodia chỉ ra, nhưng năng lực sáng tạo và các kỹ năng xã hội lại bị xem nhẹ.
Theo phương pháp mới, những giờ học hạnh phúc được thiết kế mà không cần giáo trình hoặc các bài kiểm tra. Mỗi ngày, trong tiết học kéo dài 35 phút, các học sinh tham gia các bài tập giúp rèn luyện kỹ năng sáng tạo, và cuối cùng là phần thiền định.
Ban đầu, chương trình này được áp dụng từ độ tuổi mẫu giáo (3-4 tuổi) và kéo dài đến lớp.
Ông Sisodia hy vọng thông qua các lớp này, học sinh sẽ được trang bị công cụ để cảm thấy được hạnh phúc trong và ngoài lớp học.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.