Ngày nhập học hay ngày đăng ký nhập học?
Nhiều phụ huynh bức xúc trước sự tùy tiện của nhiều trường trong việc giải quyết vấn đề xin thôi học và rút HP.
Một phụ huynh tên T. cho biết: “Con tôi đã trúng tuyển vào trường ĐH Việt - Đức. Cứ nghĩ trường vẫn đặt cơ sở tại Thủ Đức nên gia đình đã đóng toàn bộ HP và các khoản khác tổng cộng gần 18 triệu đồng để làm thủ tục nhập học. Đến khi biết trường chuyển tới Bình Dương xa nhà nên mới làm đơn xin thôi học và rút lại HP. Tuy nhiên, chúng tôi chỉ nhận lại được 25% số tiền đã đóng, theo đúng quy định phải là 50%”. Phụ huynh này cho biết: “Quy định cũ về việc bảo lưu kết quả tuyển sinh, xin thôi học và rút HP mà trường phát khi lên trường làm thủ tục nhập học, có ghi rõ: sau ngày nhập học từ 8 - 14 ngày, nhà trường giải quyết cho rút lại 50% HP.
Theo thông báo của trường, ngày nhập học được ghi rõ là 19.9, chúng tôi đã làm đơn xin rút lại HP vào ngày 12.9, vậy tính ra còn 7 ngày nữa mới đến ngày nhập học. Như vậy, theo quy định trên chúng tôi mặc nhiên được nhận lại 50% số tiền đã đóng”. Vấn đề đáng nói ở đây là trường đã tự sửa đổi lại quy định, và giải quyết sự việc theo quy định mới. Qua tìm hiều, được biết, quy định mới cũng được lập vào ngày 5.5.2011 với nội dung tương tự do Phó hiệu trưởng Võ Viết Cường ký. Điểm khác biệt chỉ ở chỗ “ngày nhập học” được đổi lại “ngày đăng ký nhập học”. Trao đổi với Thanh Niên, bà Lê Thị Hằng - Phụ trách quản lý sinh viên trường ĐH Việt - Đức, nói: “Theo cách hiểu của người Đức thì ngày nhập học và ngày đăng ký nhập học là một, tức ngày thí sinh đến làm thủ tục nhập học. Do phụ huynh không hiểu điều này, nên trường phải sửa lại văn bản để tránh cách hiểu không đúng của phụ huynh. Thực chất, nội dung của hai văn bản trên là một”!
Tương tự, thí sinh L.N dự thi vào trường ĐH Y Dược TP.HCM đạt 22 điểm. Do có sự trục trặc trong việc xác định điểm chuẩn nguyện vọng 1 của trường ĐH Y Dược TP.HCM, thí sinh này đã nộp hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 2 vào trường ĐH Võ Trường Toản. Ngày 15.9, thí sinh đến trường để nộp HP và các khoản khác hết gần 18 triệu đồng. Tuy nhiên, đến ngày 26.9, thí sinh lại nhận được giấy báo trúng tuyển diện đào tạo theo địa chỉ sử dụng từ trường ĐH Y Dược TP.HCM.
Ngay sau đó, ngày 27.9 thí sinh này đã làm đơn xin thôi học và xin rút lại HP tại trường ĐH Võ Trường Toản. Đến ngày 6.10 trường đã có văn bản trả lời không hoàn lại HP và hồ sơ nhập học vì “Thí sinh này đã trúng tuyển nguyện vọng 2 và trở thành sinh viên chính thức của trường ĐH Võ Trường Toản trước khi trúng tuyển vào trường ĐH Y Dược TP.HCM. Theo quy chế tuyển sinh, thí sinh đã trúng tuyển vào một trường (hoặc một ngành, nếu trường xét tuyển theo ngành) không được xét tuyển vào trường khác (hoặc ngành khác)”. Tuy nhiên, việc áp dụng điều khoản trên cho thí sinh N. không hợp lý, vì thực tế thí sinh dự thi vào trường ĐH Y Dược TP.HCM và xét tuyển nguyện vọng 2 vào trường ĐH Võ Trường Toản.
Đóng đúng hạn
Trong khi đó, năm nào cũng có hàng ngàn sinh viên bị cấm thi, trừ điểm rèn luyện, treo bằng… chỉ vì đóng HP không đúng thời gian quy định.
Đầu tháng 10, hơn 100 học sinh ngành dược trường Trung cấp Điều dưỡng và kỹ thuật y tế Hồng Đức thi môn hóa phân tích đã buộc phải ra khỏi phòng thi vì quá thời hạn mà vẫn chưa đóng HP học kỳ 3. Trường ĐH Hùng Vương cũng phải ra biện pháp cấm thi lần 1 đối với những sinh viên chậm đóng HP không có lý do, thời điểm kỷ lục lên tới cả ngàn người. Với trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, sinh viên nào không đóng HP thì coi như tín chỉ đó bị hủy. Còn tại trường ĐH Bách khoa TP.HCM, mặc dù thời gian đóng HP kéo dài đến đầu học kỳ sau, nhưng vẫn có nhiều trường hợp sinh viên bị dừng học một học kỳ do đóng trễ mà không có lý do.
Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng - Phó hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cho biết: “Mỗi năm có hàng ngàn sinh viên chậm đóng HP. Tuy trường không cấm thi nhưng sẽ kỷ luật bằng cách cảnh cáo, trừ điểm rèn luyện. Với những sinh viên có học lực khá giỏi thì điều này có nghĩa cơ hội nhận học bổng sẽ không còn và cuối năm học không được xét sinh viên tiên tiến. Mỗi đợt tốt nghiệp, có khoảng 20 sinh viên bị treo bằng và không được cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời vì còn nợ tiền HP”.
Quy chế học sinh - sinh viên các trường ĐH-CĐ-TCCN hệ chính quy do Bộ GD-ĐT ban hành đã nêu rõ nghĩa vụ của sinh viên là “đóng HP đúng thời hạn quy định” và phụ lục kèm theo có xác định “không đóng HP đúng quy định và quá thời hạn được trường cho phép hoãn sẽ tùy theo mức độ xử lý, từ khiển trách đến buộc thôi học”.
Hà Ánh - Mỹ Quyên
Bình luận (0)