|
Mỗi lần trở lại Zcafe trên phố Tông Đản, cô luôn tìm được cảm giác ấm áp, thân quen vốn có.
Lần trở về Hà Nội này không như nhiều lần trước, bởi Thu thấm thía được cảm giác đứa trẻ thật sự mồ côi. Lúc bố mất, Thu mới mười một tuổi, thấy người ta khóc thì mình khóc theo, chứ chưa cảm nhận được nỗi đớn đau xé cào tim óc. Thằng Vũ còn chạy nhảy, mừng rỡ la to vì thấy người ta tới nhà mình đông quá. Hai mươi mấy năm nay, Thu sống với bố bằng vài kỷ niệm lờ nhờ, xưa cũ, qua những hồi ức lãng mạn mẹ hay kể, để cô mãi tự hào, mình là đứa con gái giống bố và được ông thương nhất nhà. Tới ngày đưa mẹ vào đài hóa thân, cả gia đình khóc ngất, riêng Thu không rơi giọt nước mắt nào, bởi cô sợ sự yếu đuối, thương tâm sẽ làm mẹ luyến lưu với cuộc sống này, mà không chịu thảnh thơi về với bố. Những năm cuối đời, mọi thứ quanh mẹ là một màn sương mờ ảo, không quá khứ, chẳng hiện tại, mờ mịt tương lai. Căn bệnh Alzheimer đã lấy đi bao ký ức thân quen và những cảm nhận đơn giản nhất của mẹ với chuyển động của đời sống này. Đôi khi ngồi trước mặt Thu, cầm tay, sờ má, mẹ cũng chẳng nhớ nổi có lần nào đó trong đời, mình đã rứt ruột đẻ ra đứa con gái xinh xắn này đây.
Khi ôm hũ tro trên tay, Thu cắn môi để nước mắt chảy sâu vào tận đáy lòng và nghĩ mình sẽ vượt qua tất cả. Nhưng cô đã lầm. Nỗi đớn đau như dòng a xít đậm đặc, theo mạch máu, len lỏi khắp người, tàn phá hàng triệu tế bào mỏng manh, đốt cháy những cơ tim yếu đuối, và để lại hàng ngàn vết sẹo không hình thù rõ rệt nhưng rát buốt kinh niên. Chẳng có nỗi đau nào to lớn và xót xa hơn nỗi đau mất người thân, nhất là người đã chín tháng cưu mang và dưỡng nuôi mình cả đời khôn lớn. Và có lẽ đến cuối đời, chẳng có nỗi buồn hay sự mất mát nào có thể làm Thu gục xuống thêm lần nữa.
Hà Nội, những ngày này, đi đâu cũng toàn ký ức. Mảnh sân đó, ngày xưa là cái chợ chồm hổm, Thu vẫn tò tò theo mẹ ra gian hàng thịt nhỏ như lỗ mũi, nhưng là nơi mẹ quần quật ngày đêm, một nách ba đứa con, lo cho chúng ăn học nên người. Cái giường kia, Thu hay ngồi nũng nịu trong lòng, để mẹ lấy lược chải tóc suôn dài và bảo Thu có mái tóc đẹp nhất thế giới. Ngôi chùa này, mỗi mùng một tết, cả nhà xúng xính đi lễ Phật, rồi ngồi xe về quê thắp hương viếng bố với bà nội. Góc phố ấy, con đường kia, hàng quán cũ, đâu đâu cũng vương bóng hình mẹ thân yêu. Bố mẹ mất cả rồi, không để tiền để bạc, nhà cao cửa rộng, hay ruộng nương thẳng cánh cò bay, chỉ có ký ức là món quà quý giá, cho chị em Thu đi đến cuối đời.
Thu nhấp tí rượu, để môi cay cay, bớt đi cảm giác xót xa đang vây lấy mình. Cô giở sách, cố đọc cho xong một truyện ngắn, nhưng chẳng thẩm thấu được gì, câu chữ cứ trôi tuồn tuột. Thu định kêu phục vụ tính tiền rồi đứng dậy đi về, bỗng có tiếng động khe khẽ bên mình, chưa kịp ngước nhìn, đã nghe một âm thanh ấm áp, vô cùng quen thuộc.
- Em khỏe không?
Làm sao quên được giọng nói này cơ chứ, bởi có lần Thu bảo, nó ấm hơn dòng hải lưu từ miền xích đạo, len lỏi giữa biển nước mênh mông của Thái Bình Dương rộng lớn, chảy ngược về miền Bắc Cực xa xôi, làm mềm đi những tảng băng lạnh giá.
Cô đặt sách xuống bàn, nhoẻn miệng cười chào Phong. Anh có thể ngồi đây với em không? Vâng, anh ngồi đi. Không sao mà.
- Vẫn như mọi khi hả anh? - Phong gật đầu trước câu hỏi của cô bé phục vụ.
Chưa tới một phút, cô cầm chai gin ra, rót một ít, kèm nửa ly tonic, hai viên đá, thêm miếng chanh, và chút muối trên miệng ly rồi đẩy nhẹ về phía anh. Không phải chai rượu ngày cũ, vì nó còn mới và khá đầy, nhưng tại sao vẫn lủng lẳng miếng giấy “Phong - Thu” ngay cổ chai cơ chứ?
Hồi còn yêu nhau, cả hai hay đến đây, mỗi người một ly gin tonic, không nói, không rằng, nhìn ra phố, đọc sách, nhấp môi, cười, rồi lặng im đọc tiếp. Phong thường mua nguyên chai, gửi lại quầy, hết lại thay bằng chai mới. Hai chữ “Phong - Thu” do chính tay cô viết bằng mực đỏ trên nền giấy xanh dương. Bao năm qua, Thu vẫn đến đây mỗi lần về Hà Nội, nhưng chưa bao giờ Thu hỏi về chai rượu ấy, bởi không phải mình mua, cũng chẳng nghĩ nó sẽ còn trên kệ.
Thu nhìn anh, bất chợt gặp ánh mắt của Phong cũng nhìn mình, cả hai quay mặt đi chỗ khác. Thu thề, trong đôi mắt buồn hiu ấy, cô đã tìm lại nét đa tình của anh ngày cũ. Ánh mắt ngọt như giọng nói, ấm hơn ngọn lửa giữa đêm gió mùa đông bắc tràn về, êm hơn vòng tay anh ôm chặt cô, những ngày Hà Nội vào đông buốt giá.
Tám năm, ký ức như cuốn phim đen trắng ùa về. Ba ngàn ngày dài như cơn lốc xoáy, vẫn chưa vơi hết một niềm đau. Bữa chiều hôm ấy, cô và Phong đang đứng trước nhà, cười đùa với mẹ, bàn về ngày cưới hai đứa trong ba tuần tới. Cô sẽ mặc áo dài trắng, sau đó thay váy soire, anh thì comple đen hai bộ. Và Thanh đến, chìa giấy chứng nhận trước mặt Thu, khóc như một đứa trẻ bị bỏ rơi ngoài đê vắng, đám cưới này không thể diễn ra, tôi đã có thai, hai tháng, chủ nhân của nó chính là anh ấy. Thu quay sang nhìn thẳng vào mặt Phong. Đôi mắt thất thần, vẻ mặt kinh hãi tột độ của anh không giấu được sự thật sờ sờ ra đó. Thu không nói không rằng, tát Phong một cái cực mạnh. Cô dắt mẹ chạy vào nhà, đóng sầm cửa lại. Và mọi việc chấm dứt kể từ thời khắc đó.
Không có đám cưới nào diễn ra hết. Mặc Phong van xin hết lời, mẹ Phong khóc hết nước mắt, mong cô hãy tha thứ cho anh, hãy vì bà và vì người đáng lẽ Thu sẽ gọi bằng bố chồng, đang hấp hối trên giường bệnh, muốn thấy thằng con trai duy nhất của mình làm đám cưới với đứa con dâu ông quý, cô vẫn lắc đầu từ chối. Thu có thể nói thứ tha và mọi chuyện sẽ trở về với nhịp sống bình thường trước đó. Cả hai sẽ kết hôn và Thu sẽ bảo vệ chồng mình, coi Thanh như một cô gái qua đường và Phong chỉ là một gã đàn ông lỡ dại. Cái hoang thai kia ra sao thì mặc, cô chẳng phải quan tâm. Nhưng Thu biết, với bản tính cứng đầu và đầy kiêu hãnh của mình, cô sẽ không bao giờ bỏ qua cho Phong hết, sẽ nhớ trọn đời, và nếu cần, cô sẽ khơi lên để dằn vặt Phong mãi mãi. Vả lại đứa bé mới tượng hình kia đâu có tội tình gì mà sinh ra không cha. Nếu Thanh lỡ dại, đem phá bỏ nó hay hủy hoại cuộc đời mình, Thu càng mang tội. Mãi đến tận bây giờ, cô chưa một lần thù hận hay ghét bỏ gì Thanh hết. Tất cả đều do Phong gây ra khi anh không cưỡng lại cơn dục vọng điên cuồng của mình, dẫu ngày cưới đã cận kề trước ngõ. Chẳng cô gái nào có thể quay bước trước thân hình vạm vỡ và khuôn mặt điển trai như tài tử xi nê của Phong.
Thu đi từng nhà một báo tin hủy tiệc cưới. Áo cưới bị cô xé nát, album hình không nỡ đốt, Thu mang ra cầu Long Biên, quăng xuống sông Hồng, sau khi khóc hết một buổi chiều ở đó. Dẫu tỏ ra cứng cỏi, nhưng Thu chỉ là một cô gái ngoài hai mươi, không thể chống chọi với cú sốc quá lớn này, hay ngày một ngày hai quên đi tất cả để làm một người vô tư như trước. Làm sao Thu có thể sống ở đây giữa bao lời đàm tiếu của xóm giềng. Cô đâu thể mãi bào chữa cho chính mình và lên án Phong như một kẻ đê hèn, khốn nạn. Thu cũng không thể đối diện với việc vài ba bữa, Phong lại tới nhà, đứng ngay cầu thang, nhìn chằm chằm vào cửa. Mẹ thì ra vô thở dài chua xót. Cách tốt nhất là trốn chạy, tới một nơi nào đó thật xa, không ai biết tới mình để bắt đầu một cuộc đời mới. Sau một đêm suy nghĩ, Thu nhờ chị và em trai chăm sóc mẹ, xếp lại tất cả ký ức về một Hà Nội nhớ thương, một mình, vào Sài Gòn, với hai bàn tay trắng, làm lại từ đầu, vào một ngày chớm hạ.
Và Sài Gòn nhân từ dang rộng vòng tay, cưu mang cô gái đẹp xinh ấy. Thu làm rất nhiều việc để kiếm tiền, trang trải cho cuộc sống lạ xa, một phần, để không còn thời gian rảnh rỗi nhớ về cuộc hôn nhân dang dở. Cô chắt chiu từng đồng một, để mỗi lần nhớ mẹ, lại quay về, rồi tất tả ra đi. Cái tết đầu tiên về lại Hà Nội, Thu đứng trên ban công nhà, chiều ba mươi, khóc như một đứa trẻ thiếu quà, khi thấy dáng cao to của Phong từ nhà chị anh bước ra, mà không thèm quay lại nhìn nơi đã rất nhiều lần Phong đến chuyện trò, thăm hỏi. Cái tết thứ hai, cô ghé quán cà phê này, cứ nhắm mắt, lại thấy bóng Phong lẩn khuất đâu đây. Cô bé phục vụ mang lại cho cô một ly gin tonic, mà không cần hỏi cô muốn uống gì. Với họ, Phong và cô, là một đôi rất đẹp. Hình ảnh Phong nhạt nhòa ở những lần sau đó. Thời gian luôn là phương thuốc nhiệm màu, phai dấu bao nỗi đớn đau. Hơn thế nữa, Richard đã thế chỗ Phong trong trái tim cô. Sáu năm, giữa cô và Richard vẫn coi là tình nhân, yêu như ngày đầu hò hẹn. Đôi khi nhắc đến hai chữ đám cưới, người nào cũng giật mình thảng thốt. Hôn nhân với cô trở thành một phạm trù lờ nhờ, vô định, một thứ ám ảnh không dạng hình, nhưng chạm vào, có thể xé nát cả tim.
Ba mươi hai tuổi, Thu vẫn mênh mang những chuyến đi - về giữa Sài Gòn - Hà Nội. Hôm đám tang mẹ, cô nghĩ, Hà Nội có còn là nhà để cô quay lại? Mình có còn đủ sức để đối diện với bao ký ức thân thương nhưng chất chứa quá nhiều nỗi đớn đau ấy? Nhưng giờ Thu biết, Hà Nội vẫn còn những mối ân tình không bao giờ trả nổi, gia đình, bè bạn, ngày giỗ của đấng song thân, bầu trời thu mùa bảng lảng, những chiếc xe đạp chở đầy cúc họa mi, loa kèn thơm ngát, góc phố rợp bằng lăng, hoa sữa và hàng trăm món ngon đất Bắc, tưởng bình thường nhưng không thể tìm thấy ở nơi nào xa lạ. Tất cả sẽ hàn gắn lại những mảnh vỡ tưởng chừng vụn nát trong tim cô.
- Anh có hạnh phúc không?
- Liệu anh nói không thì em có tin chăng? - Phong chua chát.
Thu nhún vai, thấy mình hơi vô duyên khi hỏi câu hỏi ấy. Ít ra Phong còn chút bản lĩnh đàn ông, dẫu không có đám cưới nào giữa anh và Thanh vì ba anh mất sau đó ít tuần, nhưng cả hai đã chung sống tới giờ, cái bào thai năm xưa đã là đứa bé trai gần tám tuổi. Họ cũng kịp có thêm đứa nữa, mới chập chững biết đi.
Phong nốc cạn ly rượu, lơ đãng nhìn ra phố. Anh muốn nói vài câu dẫu ngắn, nhưng sao khó khăn đến thế này. Mấy năm rồi, anh muốn vào Sài Gòn, quỳ dưới chân Thu, nói một lời tạ lỗi vì hành động đốn mạt của thời trai trẻ. Anh cứ nghĩ đó là một cuộc chơi qua đường, xong, ai về nhà nấy, đâu ngờ hậu quả lại lớn đến thế. Nó không những phá nát hạnh phúc đời anh, mà còn cuốn phăng tuổi hai mươi tư nhiều hoài bão của Thu nữa. Thu à, tám năm bên Thanh, anh chưa bao giờ hạnh phúc, khi nỗi ân hận, dằn vặt vẫn vây lấy mỗi ngày. Gia đình, với anh như một bổn phận. Đi làm về, chở vợ con đi chơi, ăn uống, chuyện trò, lên giường ngủ. Mai lại bắt đầu một ngày y chang như thế. Mọi thứ cứ đều đều ngày này qua ngày khác, dần rồi thành một thói quen. Mà mỗi khi đã là thói quen thì người ta không dễ gì từ bỏ. Mỗi lần nhớ em, anh lại đến đây, uống một ly rượu quen, để vị đắng gắt của gin lại khơi trong anh bao kỷ niệm chưa bao giờ biến mất, rồi lặng lẽ về như một cái bóng. Anh đã gặp mảnh vỡ của anh và em đâu đó trong từng góc quán, từng giọt gin, nhưng chẳng có loại keo nào gắn hai mảnh vỡ ấy lại vào nhau như ngày xưa cũ.
- Cảm ơn anh đã tới viếng mẹ em.
- Anh xin lỗi vì đã không làm được nhiều hơn ngoài im lặng.
- Em biết. Cũng lâu quá rồi mình mới gặp lại nhau anh nhỉ?
- Ừ, tám năm rồi còn gì…
Phong bỏ lửng câu nói. Đưa mắt nhìn ra con phố vắng. Thu cắn nhẹ môi, mân mê ly rượu. “Nhật nguyệt (í a) trên cao, ta ngồi (ôi à) dưới thấp. Một dòng (í a) trong veo, sao lòng (ôi à) còn đục…”(1). Giữa tiếng hát Khánh Ly, Phong quay lại nhìn Thu, tim đập thật mạnh. Anh muốn kéo ghế lại gần thêm chút nữa, giơ tay run run chạm vào mái tóc, bờ vai, đôi mắt, hay bàn tay gầy guộc nhỏ. Mà không cần chạm nhiều đến thế, chỉ chạm một chút xíu da thịt trên người Thu thôi cũng mãn nguyện lắm rồi. Không! Không! Thu bây giờ đâu còn là của anh nữa, cô ấy đã thuộc về người khác mất rồi, cũng như anh, cũng phải bằng lòng với cuộc sống gia đình hiện tại. Mà có lẽ trong Thu, mình chỉ là một thằng đàn ông đốn mạt, khi đang tâm đạp đổ hạnh phúc lớn lao, tưởng chừng đang cầm chắc trong tay.
Có lẽ mình nên về thì hơn, Thu nhủ thầm khi thấy vẻ khổ sở hiện trên khuôn mặt rất đẹp của Phong.
- Em về anh nhé. Coi như hôm nay anh mời em một ly.
- Có gì đâu em. Anh còn nợ…
Thu liếc anh, để những từ tiếp theo không bật ra nữa. Đào bới làm gì những kỷ niệm vốn đã nhạt nhòa, khi mỗi người ai cũng có con đường riêng của họ.
Cô bỏ sách vào giỏ, gật đầu chào anh và rảo chân ra phố.
Hà Nội, cuối tháng tư, mưa về làm không khí dịu hẳn, khác với một Sài Gòn thiêu đốt nắng. Chớm hè, những gốc bằng lăng trên phố thẹn thùng bung hoa tim tím. Loa kèn bắt đầu e ấp nụ trên từng góc phố cổ xưa. Thu đến bên gánh hàng hoa, mua một bó về đặt lên bàn thờ mẹ.
Phong bước vội ra ngoài, muốn chạy tới cầm tay Thu ân cần bảo, em ngồi lên đi, anh chở em về cho đỡ mệt. Và cũng như thuở yêu nhau, hai đứa nhong nhong, tươi cười trên chiếc Wave cà tàng khắp phố rồi ghé vào con ngõ quen, anh bún ốc, cô bún ngan, thêm hai ly sấu dầm, đủ cho một chiều thương nhớ.
Phong thẫn thờ tựa vào cửa quán, đốt điếu ba số năm, dõi mắt nhìn Thu lẩn khuất vào dòng người ngược xuôi trên phố vắng.
Bên trong quầy, mảnh giấy xanh có hai chữ “Phong - Thu” vẫn nằm im trên cổ chai gin sóng sánh.
Truyện ngắn của Nguyễn Hữu Tài
(Tặng V.T.N)
(1) Ca khúc Cũng sẽ chìm trôi của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn
Bình luận (0)