Những mối nguy từ hàng Trung Quốc

30/05/2009 00:26 GMT+7

Thời báo Bắc Kinh đưa tin: Ngày 26.5, Cục Công thương Bắc Kinh (Trung Quốc) kiểm tra hàng loạt đồ dùng trẻ em và đã phát hiện 6 sản phẩm không đạt chất lượng, trong đó có 2 sản phẩm dễ gây bệnh truyền nhiễm. Những sản phẩm này đã bị buộc thu hồi. Trước đó, cơ quan chức năng nước này phát hiện một số lớn đồ dùng trẻ em sản xuất tại Quảng Đông chứa nhiều hóa chất độc hại...

Trung Quốc thu hồi hàng loạt sản phẩm

Theo trang web của Cục Giám chế chất lượng tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc (http://www.gdqts.gov.cn/), nhân ngày Quốc tế Thiếu nhi 1.6, cơ quan này quyết định kiểm tra chất lượng 3 loại sản phẩm dành cho thiếu nhi (đồ chơi, quần áo và đồ dùng gia đình) trên toàn tỉnh Quảng Đông. Sau khi kiểm tra 202 lô hàng bán buôn, chỉ có 138 lô đạt chất lượng, tỷ lệ lô hàng hợp lệ chỉ đạt 68,3%, tỷ lệ sản phẩm đạt chất lượng chỉ 74,3%. Đặc biệt, tỷ lệ quần áo thiếu nhi đạt tiêu chuẩn chỉ có 48,3%. Nguyên nhân là thành phần, hàm lượng nguyên liệu không đúng với tiêu chuẩn đã ghi trên bao bì. Chẳng hạn một chiếc váy trẻ em kiểu công chúa, ghi trên sản phẩm là 100% bông nhưng khi kiểm tra lại không có tí bông nào.

Các sản phẩm gia dụng cho thiếu nhi như giường, tủ, bàn... đạt tiêu chuẩn chỉ 67,7%. Trong đó nhiều sản phẩm sử dụng hóa chất rất độc hại tới sức khỏe của trẻ, nhất là trẻ sơ sinh. Ngoài ra, nhiều sản phẩm thuộc kim với hình dáng không đúng tiêu chuẩn, dễ gây tổn thương nghiêm trọng cho trẻ.

Cục Giám chế chất lượng Quảng Đông đã ra công văn đề nghị 53 đơn vị sản xuất đồ dùng trẻ em không đạt tiêu chuẩn ở tỉnh này lập tức khắc phục trong một khoảng thời gian quy định và báo cáo lại. Cục này cũng ra lệnh ngưng sản xuất hoặc thu hồi những sản phẩm có vấn đề nghiêm trọng về chất lượng. Tính tới ngày 26.5, số sản phẩm bị thu hồi do không đạt tiêu chuẩn đã lên tới 131 loại, gồm 17 loại đồ chơi, 55 quần áo, 59 đồ gia dụng. Cục này cũng phát hiện 11 đơn vị sản xuất có những sản phẩm kém chất lượng nghiêm trọng như chứa chất cực kỳ độc hại... Hàng hóa của những đơn vị này đã bị phong tỏa. Cục này cũng đã niêm phong 3.120 món đồ chơi (trị giá 39.000 tệ, xấp xỉ 1 tỉ VND), 518 món hàng hóa, chờ xử lý.

Theo website euobserver.com, Trung Quốc vẫn đứng đầu danh sách những nước sản xuất hàng tiêu dùng (không phải là thực phẩm) nguy hiểm được tìm thấy trên lãnh thổ EU trong năm 2008, và Brussels đã tỏ vẻ thất vọng với cách thức Bắc Kinh xử lý vấn đề này. Hệ thống cảnh báo nhanh của EU, với tên gọi RAPEX – được thiết kế nhằm chia sẻ thông tin giữa các nước thành viên và ủy ban chuyên trách các sản phẩm nguy hiểm, cho thấy 59% trường hợp thông báo trong năm 2008 là về những sản phẩm có nguồn gốc Trung Quốc, tăng từ mức 52% trong năm 2007.

Ủy viên phụ trách các vấn đề của người tiêu dùng EU Meglena Kuneva hôm 20.4 thừa nhận rằng nhà chức trách Trung Quốc đã có cách tiếp cận năng động hơn nhằm xoa dịu những lo ngại, và đã nỗ lực điều tra gần phân nửa sản phẩm (không phải là thực phẩm) được xác định là nguy hiểm, nhưng điều đó vẫn chưa đủ. “Tôi không hài lòng và tôi đang làm việc với chính quyền Trung Quốc”, bà Kuneva nói. Số sản phẩm được thông báo là nguy hiểm thông qua hệ thống RAPEX trong năm 2008 lên đến 1.866, tăng 16% so với năm 2007. Đồ chơi chiếm đến 32% trong số các sản phẩm nói trên, sau đó đến thiết bị điện 11%, ô tô 10% và quần áo, sản phẩm dệt và sản phẩm thời trang 9%. Nước đưa ra nhiều thông báo về sản phẩm nguy hiểm nhất là Đức, chiếm 13%, Tây Ban Nha 11% và Slovakia 9%. (T.Q)

Hàng Quảng Đông tràn ngập thị trường VN

Lấy hàng dễ hơn đi chợ

Anh Lê Thành Q., chủ một cửa hàng bán quần áo trẻ em khá đông khách trên đường Lê Văn Sỹ (TP.HCM), bất ngờ khi đọc thông tin trên Báo Thanh Niên về việc nhiều đồ dùng trẻ em Trung Quốc không an toàn cho sức khỏe. Cửa hàng anh Q. không chỉ bán quần áo đủ loại mà cả những phụ kiện dành cho trẻ em có xuất xứ từ Trung Quốc như cài tóc, dây buộc tóc, nịt, vòng tay, vòng cổ... Anh cho biết hàng chủ yếu lấy từ Quảng Đông, Trung Quốc. Nguồn hàng của anh do những đầu nậu nhập hàng ở chợ An Đông, Tân Bình cung cấp. “Khi có điều kiện tôi sẽ trực tiếp sang Quảng Đông lấy hàng. Mua từ gốc, bán từ ngọn như vậy mới có lời lớn, chứ buôn bán như bấy lâu nay chỉ đủ sống”, anh Q. chia sẻ.

“Đánh hàng từ Quảng Đông về TP.HCM dễ hơn đi chợ”, một người chuyên làm hàng Trung Quốc thốt lên. Theo anh này, hàng hóa sau khi được đặt hàng và đóng kiện ở Quảng Đông, sẽ được chuyển thẳng về tận nhà ở TP.HCM, nếu muốn. Từ đây, các đầu nậu sẽ phân phối hàng xuống các mối quen là cửa hàng, hoặc cho nhân viên chở bằng xe gắn máy đến các cửa hàng nhỏ lẻ bán lại, thu tiền trực tiếp. Nhiều người trực tiếp qua Quảng Đông lấy hàng về bán. Thậm chí, sang đặt hàng may sẵn theo thiết kế, xong dán nhãn mác của mình lên để bán ra thị trường.

Tại các chợ đầu mối ở TP.HCM như Kim Biên, Bình Tây, An Đông, 50-80% vải, quần áo, dép, túi xách... là hàng Trung Quốc. Một số tiểu thương bán quần áo may sẵn (người lớn lẫn trẻ em) ở chợ Bình Tây và An Đông như H.H, L.Ng... thì khẳng định lượng hàng Trung Quốc chiếm 70-80%, trong đó phần lớn là từ tỉnh Quảng Đông. Lý do là hàng Quảng Đông thấp cấp hơn hàng ở Quảng Châu hay Hồng Kông nên có giá rẻ hơn, dễ bỏ mối về các tỉnh hơn. Một tiểu thương tại chợ Bình Tây nói: “Chỉ cần rành tiếng Hoa, qua Quảng Đông hoặc Quảng Châu chọn hàng ưng ý rồi cho địa chỉ tại Việt Nam là được giao hàng tận nơi”.

Làm thế nào có thể quản lý được chất lượng hàng hóa khi nó được nhập về VN dễ dàng như vậy?

Đồ chơi Trung Quốc độc chiếm thị trường

Ngày 29.5, quan sát ở một số siêu thị, nhà sách tại TP.HCM, chúng tôi thấy gần như tất cả đồ chơi trẻ em đang được bày bán đều dán nhãn "Made in China". Tuy nhiên, hầu hết không ghi chi tiết là được sản xuất bởi công ty, ở tỉnh thành phố nào. Ông Võ Văn Đức Bảy - Phó giám đốc Công ty nhựa Chợ Lớn (một trong số ít công ty nhựa VN chuyên sản xuất đồ chơi trẻ em) - cho biết: "Đồ chơi Trung Quốc chiếm trên 70% thị phần các sản phẩm nhỏ, chỉ có những đồ chơi kích cỡ lớn như xe hơi 2, 3 và 4 bánh thì hàng VN cạnh tranh được. Đồ chơi Trung Quốc có ưu thế là đa dạng về kiểu dáng và nhất là giá rẻ nên vẫn được nhiều người tiêu dùng lựa chọn", ông Bảy nói. Trong khi đó, vấn đề quan trọng nhất là các loại đồ chơi Trung Quốc này có an toàn cho trẻ hay không thì không thể biết được.

 
Hàng quần áo Trung Quốc bày bán ở Q.5 - TP.HCM. Nhiều tiểu thương cho biết trong đó có rất nhiều sản phẩm được sản xuất ở Quảng Đông - Ảnh: Khả Hòa

Số vụ vi phạm bị xử lý liên quan đến hàng Trung Quốc nhập lậu ngày một tăng. Chỉ riêng trong tháng 5.2009, Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TP.HCM phát hiện nhiều vụ hàng lậu, hàng vi phạm có xuất xứ từ Trung Quốc. Trong đó rất nhiều vụ nhập lậu quần áo, hóa mỹ phẩm, đồ chơi trẻ em... Điển hình như ngày 19.5, Đội QLTT 5A kiểm tra chi nhánh Công ty TNHH Kiến Hoa (32 Kim Biên, P.13, Q.5) phát hiện ở đây buôn bán và chứa nhiều đồ chơi có hại tới nhân cách trẻ em, thuộc danh mục hàng cấm kinh doanh gồm: 343 bộ siêu nhân có súng, xe tăng, máy bay chiến đấu, tên lửa và 240 bộ đồ chơi xe cần cẩu do Trung Quốc sản xuất không có chứng từ.

Ngày 27.5, Đội QLTT 5A phối hợp với công an kiểm tra và phát hiện tại cửa hàng Đạt Thành, 577 Hòa Hảo, P.7, Q.11 bày bán nhiều hàng hóa nhập lậu từ Trung Quốc: nút bấm, vải, dây đai, đầu dây kéo... không hóa đơn chứng từ. Trọng lượng hàng lậu bị thu giữ lên đến 318 kg. Trước đó ngày 14.5, Đội QLTT 5B xử lý 3 vụ bày bán quần áo may sẵn do Trung Quốc sản xuất không hóa đơn chứng từ tại Trung tâm thương mại An Đông, P.9, Q.5 với số lượng 320 cái gồm quần jeans, áo thun, áo đầm. Ngày 26.5, Đội QLTT 5B tạm giữ tại quầy C4 (lầu 1), kho chứa 3/4 (lầu 3) và 4/23 (lầu 4) thuộc Trung tâm dịch vụ Satra – Đồng Khánh, P.14, Q.5, 3.178m vải thun, vải quần tây không hóa đơn chứng từ do Trung Quốc sản xuất. Ngày 21.5, Đội QLTT 10A phát hiện tại số 480D Cao Thắng nối dài, P.12, Q.10 45 kiện hàng với số lượng hàng nghìn tấm mền nhung do Trung Quốc sản xuất...

Hàng hóa Trung Quốc nhập lậu đang như một cơn lũ tràn về VN.

N.T.Tâm - Cẩm Nhi - Mai Phương - Đình Mười

* Chị Nguyễn Thanh Phương, nhà ở Q.8, TP.HCM: “Tôi rất lo lắng vì tôi thường mua quần áo Trung Quốc cho con gái đang học lớp 5. Tôi sẽ dẹp ngay những thứ này qua một bên. Nhưng làm thế nào để chọn mua quần áo an toàn khi nhiều cửa hàng, công ty của Việt Nam cũng nhập vải từ Trung Quốc về sản xuất, như vậy liệu có an toàn không?”.

* Bà Tạ Phan Huỳnh Huyên, Giám đốc Công ty TNHH thời trang Á Na, sở hữu thương hiệu thời trang dành cho trẻ em Anakids: “Sáng nay, các siêu thị, đại lý điện thoại hỏi tôi rằng, sản phẩm quần áo do công ty tôi sản xuất có sử dụng vải nhập Trung Quốc hay không. Nếu có, họ ngưng nhận hàng ngay. Tôi khẳng định, vải của Anakids được nhập từ Hàn Quốc và từ nguồn nội địa. Phụ huynh bây giờ rất nhạy cảm, cái gì ảnh hưởng đến sức khỏe của con cái thì họ sẽ ngưng sử dụng ngay. Trước đây, có sản phẩm dành cho trẻ em của nước ngoài được cho là tác hại đến sức khỏe của trẻ, sau đó xác định là không, nhưng vẫn không thể bán được như trước”.

H.Minh - T.Tâm

Nguyễn Lệ Chi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.