Những mối tình của Franz Liszt

15/10/2011 08:56 GMT+7

(TNTS) Franz Liszt là nghệ sĩ bậc thầy về biểu diễn dương cầm và là nhà soạn nhạc lừng danh của mọi thời đại. Trong tháng 10 này, người yêu nhạc thế giới sẽ tưởng nhớ đến dấu mốc 200 năm ngày sinh của ông (22.10.1811 - 22.10.2011).

Với tài năng của mình, bằng những ngón tay “ma quỷ” nhảy nhót trên phím dương cầm, Liszt từng chinh phục hàng triệu con tim của các thiếu nữ, nhưng cho đến cuối đời, Liszt vẫn chưa một lần kết hôn.

Tình đầu ngắn ngủi

Franz Liszt sinh ra ở Doborjan, Hungary. Liszt được học những bài học piano đầu tiên từ cha mình, ông Adam Liszt - một người chơi đàn piano nghiệp dư và lúc bấy giờ đang giúp việc cho hoàng tử Esterhazy ở Doborjan. Mới 9 tuổi, tài năng của Liszt đã sớm bộc lộ, đặc biệt là sau những buổi biểu diễn ở Cung điện hoàng tử Esterhazy. Năm 1822, nhờ sự hỗ trợ tài chính của một gia đình quý tộc Hungary, Liszt sang Vienna (Áo) học piano với Karl Czerny và học sáng tác với Antonio Salieri. Phát hiện năng khiếu của cậu học trò mới, Czerny và Salieri đã dạy mà không lấy thù lao. Sau những buổi biểu diễn được báo giới đánh giá khá cao, Liszt lại cùng cha rời Vienna sang Paris với hy vọng phát triển tài năng. Năm 14 tuổi, Liszt được nhà hát Paris Opera mời biểu diễn trong vở Don Sanche. Chẳng bao lâu sau đó, phiên bản đầu tiên Etudes cho piano của ông ra đời vào năm 1826. Trong những năm từ 1824 đến 1827, Liszt liên tục lưu diễn khắp nước Pháp và nhiều lần là khách mời danh dự của vua nước Anh George IV, trở thành một nhạc sĩ có tiếng tăm.

 

Năm 1827, sau khi người cha qua đời vì bệnh thương hàn, Liszt phải trở về quê hương dạy piano, kiếm tiền trả những khoản nợ đã vay trong quá trình đi học. Trong những buổi dạy học này, tiếng đàn lãng mạn của chàng trai trẻ đã mê hoặc một cô học trò nhỏ tuổi. Họ yêu nhau say đắm. Tuy nhiên, mối tình đầu thơ mộng của Liszt và cô học trò sớm chấm dứt khi bị cha cô gái ngăn cấm. Vẫn chưa lấy lại tinh thần sau khi cha qua đời, nay lại bị hụt hẫng trong tình duyên, Liszt gần như suy sụp hẳn.

Mối tình đẹp... vụng trộm

Ngoài việc được xem là một nghệ sĩ piano lớn nhất trong lịch sử, Franz Liszt còn là một trong những nhà soạn nhạc đầu tiên viết giao hưởng thơ với những tác phẩm nổi tiếng như Tasso, Ce qu'on entend sur la montagne, Les préludes, Hamlet, Prometheus...

Sống ẩn dật, Liszt lao đầu vào đọc sách để tìm hiểu về mối quan hệ giữa âm nhạc và những nghệ thuật khác, cũng như lý thuyết tôn giáo của Saint-Simon và Abbe de Lamennais. Sau khi có được vốn tiếng Pháp, Liszt tiếp tục tôi luyện những tác phẩm văn học và gặp nữ nhà văn Pháp Marie DAgoult, người viết nhiều tiểu thuyết dưới cái tên Daniel Stern. Marie DAgoult đã có chồng, nhưng trái tim cô vẫn rung động trước tài năng, sự lãng mạn của Liszt. Thế là họ bắt đầu một cuộc tình bí mật. Sau 2 năm hẹn hò, thư đi tin lại, Marie DAgoult bất ngờ mang thai với Liszt và cô con gái Blandine ra đời vào tháng 12.1835 buộc nữ nhà văn phải từ bỏ gia đình để theo người tình đến Geneva (Thụy Sĩ), rồi Ý. Sau này họ còn có thêm 2 người con (một gái, một trai) là Cosima và Daniel. Không thể giữ bí mật mãi, Liszt đứng ra công khai mối quan hệ và thừa nhận con của mình. Chuyện này khiến nhiều người sững sờ và gây xôn xao dư luận một thời gian. Marie DAgoult chính là nguồn cảm hứng trong sự nghiệp sáng tác của Liszt, đặc biệt là sự ra đời của những bản giao hưởng thơ.

Tưởng như cuộc sống giữa chàng giáo viên piano và nữ nhà văn sẽ mãi mãi êm đẹp, nhưng đến một ngày, niềm đam mê chơi piano và sáng tác lại trỗi dậy trong chàng trai trẻ khi Liszt nhận lời tỉ thí với một nghệ sĩ piano bậc thầy khác là Sigismund Thalberg. Không có thước đo để biết người thắng kẻ thua, nhưng kể từ cuộc tỉ thí đó, Liszt quyết định trở lại Paris vào mùa thu năm 1837 để khẳng định “quyền tối cao” của mình như là một nghệ sĩ dương cầm bậc thầy.

Tiếng đàn của Liszt trở thành một cơn sốt đối với người yêu nhạc, đặc biệt là các cô gái trẻ khi ông luôn đem đến những sự sáng tạo ở kỹ thuật chơi piano trong các tác phẩm “lạ đời” của mình. Nhà soạn nhạc Robert Schumann từng ví những Grandes études de Paganini và Etudes dexécution transcendante của Liszt khó đến mức nhiều nghệ sĩ dương cầm phải... “giả vờ” mới thực hiện được. Những tác phẩm của Liszt luôn có tốc độ nhanh chóng mặt, liên tục xuất hiện những bước nhảy vọt các quãng âm rất rộng và đặc biệt ông là người đầu tiên sử dụng hết những phím đàn trên cây đàn piano thời điểm ấy bằng kỹ thuật glissandi - dùng ngón tay lướt trên các phím trắng của đàn piano. Có lẽ vì vậy mà sau này, nhiều người nói rằng, dù chỉ chơi đàn piano, nhưng Franz Liszt là ngôi sao nhạc rock đầu tiên trên thế giới.

Trong khoảng thời gian ở Pháp, với tài năng xuất chúng, những chuyến lưu diễn của Liszt đã trở thành những giai thoại của lịch sử biểu diễn sân khấu. Đó là mỗi khi những ngón tay của Liszt vuốt ve bàn phím, làm ảo thuật với cây đàn piano, và thường tạo ra những âm thanh trầm nặng như sấm, thì ở phía dưới sân khấu, cánh phụ nữ cuồng loạn đến ngất xỉu. Họ rít thuốc lá liên hồi đến cháy xém cả tay, và xé khăn tay của mình thành từng mảnh...

Tuy nhiên, khi Liszt dần khẳng định được vị thế trong giới nhạc thì cũng là lúc mối quan hệ giữa ông và Marie DAgoult xấu đi. Marie DAgoult cho rằng Liszt đã không trung thực vì ông từng tuyên bố sẽ không bao giờ trở lại sân khấu. Một đôi lần hành xử thiếu thận trọng của ông đã khiến danh tiếng của nữ nhà văn bị ảnh hưởng. Năm 1839, Marie DAgoult từ Ý trở lại Paris để xin gia đình tha thứ và chấm dứt mối tình với Liszt. Trong lá thư cuối cùng gửi người tình, Marie DAgoult đau khổ viết: “Em sẵn sàng trở thành tình nhân của anh, nhưng không bao giờ là tình nhân của anh”. 

Nàng công chúa và mối tình ngang trái

Khoảng thời gian từ năm 1837 - 1847, Liszt đã khẳng định tài năng như một bậc thầy chơi đàn piano và được ngưỡng mộ khắp mọi nơi, trong số những khán giả của ông có cả nhiều vị vua, hoàng hậu ở châu u. Trong thời gian lưu diễn ở Ukraine, Liszt có 3 tháng biểu diễn ở tòa lâu đài của công chúa Carolyn Sayn-Wittgenstein. Tiếng đàn du dương đôi khi xốc nổi của Liszt đã làm mê hoặc trái tim của nàng công chúa 28 tuổi, nên dù đã kết hôn nhưng Carolyn Sayn-Wittgenstein sau đó vẫn “khăn gói” theo Liszt sang Weimar (Đức) chung sống. Sau năm 1842, cả hai dần ổn định cuộc sống với một dàn nhạc của mình trong thành phố và Liszt bắt đầu dành nhiều thời gian để cho ra đời những công trình lớn trong âm nhạc nổi tiếng sau này. Ở Weimar, ông đã viết 12 bản giao hưởng thơ (symphonie poem), giao hưởng Faust và Dante cùng nhiều tác phẩm cho đàn piano như concerto, sonata và những phiên bản cuối của Etudes và Hungarian Rhapsodies... Tuy nhiên, những rắc rối xung quanh thân phận của công chúa Carolyn và công việc đã khiến đôi tình nhân phải rời bỏ Weimar để tìm đến Roma nhờ cậy Đức Giáo hoàng.

Đến năm 1861, Carolyn cuối cùng cũng thành công trong việc hủy bỏ cuộc hôn nhân với người chồng cũ. Một đám cưới giữa công chúa và “hoàng tử” âm nhạc dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 10 năm đó. Thế nhưng, cuối cùng, hôn lễ không thể tiến hành do sự ngăn cản từ phía gia đình Carolyn vì lo ngại công chúa sẽ mất quyền hưởng tài sản nếu tái hôn. Chuyện tình đẹp chấm dứt trong lặng lẽ.

Những năm cuối đời, khi những nỗi sầu muộn dần vơi đi, Liszt liên tục đi đây đi đó. Trong năm 1886, khi đã 75 tuổi và gần như bị mù, ông được mời tham dự nhiều lễ hội tôn vinh tài năng của mình ở một số quốc gia, trong đó có quê hương Hungary.

Frank Liszt bị viêm phổi và qua đời vào ngày 31.7.1886 trong sự tiếc thương của những người yêu nhạc trên thế giới.

 Tây Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.