Gối từ giường ra sân thi đấu
Nghe qua thì gối có lẽ chẳng liên quan gì đến thể thao. Ngoài chức năng sử dụng để ngủ và ôm, sôi động lắm cũng chỉ được dùng để “đấu võ” trên giường. Vậy mà cách đây khoảng 50 năm, gối được một bộ phận cư dân Sonoma County (nay là một quận trong tiểu bang California, Mỹ) mang từ giường ra ngoài trời tổ chức những cuộc tranh tài như một loại hình thể thao. Theo AFP, giải đấu luôn đem lại sự vui vẻ, phấn khích khi lông gối bay mù mịt khi bị rách. Những thí sinh nam hoặc nữ tay cầm gối, ngồi trên một cột thép tròn không gỉ dài hơn 8,5 m bắc qua một ao bùn có độ sâu gần 1 m. Sau tiếng còi của trọng tài, người nào dùng gối đập đối thủ rớt khỏi cột thép xuống bùn sẽ giành chiến thắng. Vì vậy, người tham gia ngoài sức mạnh còn phải có khả năng giữ thăng bằng tốt.
Sự vui vẻ đã giúp giải vô địch đập gối thế giới (World Pillow Fighting Championships) được hình thành sau đó và trở thành môn chơi thú vị của người đam mê loại hình thể thao khác thường và các gia đình muốn có khoảng thời gian vui vẻ cùng nhau. Vì vậy, có thời điểm giải này thu hút đến gần 5.000 khán giả và đông đảo thí sinh nam, nữ so tài.
Đến năm 2006, giải đấu truyền thống tại Sonoma County tạm ngưng khi ban tổ chức lên kế hoạch tìm địa điểm thi đấu lớn hơn để đáp ứng đủ nhu cầu khán giả. Phải 8 năm sau, giải vô địch đập gối thế giới mới trở lại và được hồi sinh ở Sonoma County. Thế là những “chiến binh” gối khắp nơi lại có dịp khoe hình xăm hình ảnh cuộc đấu đập gối và sau đó xung trận đánh hạ đối thủ văng khỏi cột thép.
tin liên quan
Lọ lem điền kinh Nguyễn Thị Huyền lên xe hoaCô lọ lem của bộ môn điền kinh Nguyễn Thị Huyền vừa lên xe hoa về nhà chồng. Đám cưới được tổ chức ấm áp tại cả Nam Định, nhà gái và Lạng Sơn, nhà trai với sự có mặt của các thầy cô, HLV, VĐV…
Trong số những người tham gia, nổi tiếng nhất là ông Jerry McEntire Sr. đến từ Santa Rosa, người từng tranh tài cuộc thi từ những năm 1970 đến thập niên 1990. Dù đã ngoài 60 tuổi với 34 năm ngồi trên cột đập gối nhưng ông McEntire tự tin tuyên bố sẽ chiến đấu cho đến khi trở thành huyền thoại “thi tài dai dẳng nhất” là đạt cột mốc 40 năm xung trận môn đập gối. Điều làm người dân Sonoma County hãnh diện hơn bởi cuộc thi có vẻ ngớ ngẩn mà họ sản sinh ra trong quá khứ đã được biến chế thành một số hình thức thi đấu bán chuyên nghiệp và đang hy vọng trở thành một môn thể thao chính thức có thể tranh tài ở Olympic.
Võ đài người đẹp đập gối
Sau năm 2000, cuộc thi đập gối ở Sonoma County bước ra khỏi đất Mỹ đến nhiều quốc gia và được “chế biến” thành nhiều thể thức thi đấu khác nhau. Trong số đó, giải vô địch đập gối độc quyền chỉ dành cho các cô gái (Pillow Fight League - PFL) ra đời ở Toronto (Canada) vào năm 2008 mở đầu cho hành trình giúp loại hình này dần thoát khỏi cái bóng của một môn thi đấu ngớ ngẩn và chỉ mang tính giải trí. PFL nhanh chóng tạo danh tiếng với sự tranh tài của nhiều người đẹp chân dài, võ sĩ, đô vật nữ chuyên nghiệp trước khi hình thành hệ thống các giải đấu bán chuyên nghiệp ở nhiều quốc gia.
Năm 2011, Pillow Fight World Cup được ra mắt tại New York (Mỹ) với sự tham gia của các “gối thủ” của nước chủ nhà, Áo, Nhật Bản và Thụy Điển. Luật và địa điểm thi đấu của môn đấu này cũng đầy thú vị và tương tự như các cuộc thượng đài võ thuật hay quyền anh. Theo đó, nữ “gối thủ” thông thường mang trang phục bikini, sử dụng những chiếc gối theo chuẩn an toàn (không có vật liệu cứng gây thương tích nặng) và có trọng lượng tối đa 750 gr.
tin liên quan
Kỳ thú đua chim đà điểuĐua đà điểu đang dần tạo được sức hút mãnh liệt như đua ngựa nhờ sự
độc đáo và luôn để lại nhiều kinh ngạc trước tài năng đặc biệt của nài
chim.
Cuộc đấu có 2 hiệp, mỗi hiệp kéo dài 2 phút. Giám khảo sẽ tính điểm cho những cú đập gối chính xác vào đầu và cơ thể đối phương và tuyệt đối cấm các hành vi cắn, gây trầy xước, kéo tóc, quay lưng với đối thủ hoặc thả gối... để tung đấm. Với thang điểm 10, nếu 2 “gối thủ” hòa nhau thì giám khảo sẽ đánh giá thắng - thua thông qua phong cách, sức chịu đựng và “con mắt của hổ” (hiểu nôm na là khả năng tránh đòn hoặc vẫn tinh mắt khi đối mặt với cảnh sợi vải hoặc lông ruột gối bay mù). Theo ESPN, các nữ “gối thủ” tranh tài đều trải qua một quá trình huấn luyện một cách chuyên nghiệp như quyền anh và võ thuật tại các trung tâm.
Sau khi phát triển thành hệ thống thi đấu và thu hút người hâm mộ nhờ sự kỳ lạ cũng như được thưởng thức các người đẹp, các nhà tổ chức đã thống nhất lấy ngày 4.4.2011 trở thành ngày quốc tế chiến đấu gối và mới đây đang hoàn tất các thủ tục phù hợp để chạy đua trở thành một môn thể thao chính thức ở Olympic.
Bình luận (0)