Những mùa màng âm nhạc

12/05/2011 00:11 GMT+7

Người đứng hát trên sân khấu, ngoài giọng hát hay còn cần có lửa, để có thể thể hiện bài hát tới nơi tới chốn. Tình yêu thực sự dành cho âm nhạc sẽ khiến những tiếng hát bao giờ cũng có đủ lửa và vì thế, dễ tìm ra con đường đến với trái tim người nghe.

>> Xem video clip: Phần 1, phần 2, phần 3

Người ta thường hát lên khi vui, khi buồn, và cả khi không vui không buồn. Người ta thường nghe nhạc khi buồn, khi vui, và cả khi không buồn không vui. m nhạc không phải là cơm ăn, nước uống, nhưng hãy thử tưởng tượng, nếu thiếu vắng âm nhạc, cuộc sống của chúng ta sẽ vô vị đến ngần nào, có lẽ còn kém hơn so với vài loài động vật: lũ chim làm chủ những tiếng hót du dương, phong phú những âm điệu tuyệt vời.

Và vì thế, cuộc sống con người cần đến những ca sĩ. “Ca sĩ” phải là người hát hay trong những người biết hát, nhưng không phải ai hát hay cũng làm ca sĩ. Người ta có nhiều lý do để không làm ca sĩ: hoặc họ không chọn nghiệp ca hát, hoặc nghiệp ca hát không chọn họ. Nhưng không vì thế mà người ta lìa bỏ âm nhạc. m nhạc vẫn ở đấy, trung thành ẩn mình sau những công việc, lo toan hằng ngày, những công việc có khi chẳng hề lãng mạn, những lo toan có khi nhỏ bé, tầm thường, bởi đó là cuộc đời, là cuộc sống thực.

 
Hai thí sinh đoạt giải nhất Trần Thị Kim Loan và Nguyễn Thanh Vân - Ảnh: Khả Hòa

Nhưng, chỉ cần giây phút lãng quên, vượt thoát khỏi những ràng buộc cơm áo gạo tiền, chỉ cần cất lên tiếng hát, là tâm hồn người ta lại lập tức trẻ trung, bay bổng, lại có thể cười hạnh phúc, cho dù có khi cười mà rơi nước mắt.

Cuộc thi Tiếng hát mãi xanh không nhằm tuyển lựa ca sĩ: không ai đi tìm ca sĩ trong những người đã quá tuổi ba lăm. Tuổi xuân, sắc diện, sức khỏe… đều đã rẽ sang chiều đi xuống của con dốc đời người. Ai cũng từng trải qua những khoảng lặng cuộc đời và đã có đủ chiêm nghiệm để thấm thía từng ca từ, từng nốt nhạc trong từng bài hát, từng gửi gắm của người viết nhạc. Người ta sẽ không hát để “biểu diễn”, mà hát để được là mình, trở lại là mình.

Tôi không nghĩ rằng ngôi thứ quá quan trọng trong cuộc thi này. Có lẽ tất cả 10 thí sinh đêm gala đều xứng đáng giải nhất, với ngọn lửa đã bừng lên trong họ khi họ cất tiếng hát.

>> Chung kết xếp hạng "Tiếng hát mãi xanh"
>> Hát và sẻ chia trong đêm Gala “Tiếng hát mãi xanh” 2011
>> “Hát cho thỏa đam mê”
>> Đêm gala "Tiếng hát mãi xanh 2011"
>> "Tiếng hát mãi xanh" 2011: 6 thí sinh vào Đêm chung kết xếp hạng
>> Từ tiếng hát của "ngoại"

Những giọt nước mắt của thí sinh trẻ nhất Trương Thị Quang Sang, người đã không thành công trong những cuộc thi tuyển ca sĩ chuyên nghiệp, đã phải mang tiếng hát đến với sân khấu tiệc cưới, nơi chẳng mấy người có ý định thưởng thức âm nhạc, như một nỗi chạnh lòng lúc gợi nhắc, đã được vượt qua mau chóng khi cô lại cười rất tươi ngay sau đó và cháy bùng lên trong ca khúc Hãy đàn lên cùng hai thí sinh Nguyễn Thanh Vân và Phạm Anh Trường. Thí sinh 74 tuổi Lê Thị Nhung sau khi song ca Nhạc rừng với thí sinh Triệu Văn Hân (người đã hát rất mượt mà ca khúc Về quê) đã không ở trong nhóm 6 người cuối cùng vào vòng xếp hạng. Nhưng, với bà, có lẽ đã quá đủ, quá vui rồi. Còn với khán giả, nếu không có mái tóc bạc, phong cách “tiền chiến” cùng giọng hát đầy cảm xúc của bà, có lẽ sự thích thú theo dõi cuộc thi đã giảm đi đáng kể.

Mục tiêu của cuộc thi không phải để tìm ca sĩ, thế nhưng nó đã tìm ra bao nhiêu giọng hát.

Nguyễn Thục Duyên và Hoàng Ngọc Ánh ngọt ngào đằm thắm trong Còn thương rau đắng mọc sau hè đã làm mới cảm xúc của khán giả sau khi quen nghe các cô hát các “bài ruột” của mình. Trần Thị Kim Loan, Trần Thanh Quang và Hà Vũ Huy Hoàng lại đầy thủ thỉ, tha thiết qua Tình ca cho em, khiến ca sĩ Hồng Hạnh (vẫn rất hay hát ca khúc nổi tiếng này) phải lắng nghe hết mức. Thích thú lớn nhất là khi bài hát Đoàn lữ nhạc sôi nổi, hào sảng và trầm lắng được vang lên bởi 5 giọng nam, sự hòa quyện, điều tiết, phối hợp tuyệt vời giữa các chất giọng, như có cả một khu rừng âm thanh chuyển động, ai dám bảo họ không phải là những ca sĩ thứ thiệt.

Những người không phải là ca sĩ đã hát rất hay, hát hết mình đến mức ca sĩ Cẩm Vân phải bộc bạch “Hát hay và có lửa hơn cả ca sĩ”, khiến cô phải xem lại bản thân mình. Có lẽ bởi ca sĩ Cẩm Vân vẫn có thừa nghiêm túc với nghề và thừa nghiêm khắc với bản thân nên cô đã nói đúng những suy nghĩ của mình, một ca sĩ không hề xem ca hát là phương tiện.

Người đứng hát trên sân khấu, ngoài giọng hát hay còn cần có lửa, để có thể thể hiện bài hát tới nơi tới chốn. Tình yêu thực sự dành cho âm nhạc sẽ khiến những tiếng hát bao giờ cũng có đủ lửa và vì thế, dễ tìm ra con đường đến với trái tim người nghe.

Bởi vì, khi ta gieo tiếng hát, ta sẽ gặt được niềm vui, hạnh phúc.

Nguyễn Thanh Vân và Trần Thị Kim Loan về nhất Tiếng hát mãi xanh

Ngoài giải nhất với giải thưởng trị giá 20 triệu đồng/giải, Nguyễn Thanh Vân còn đoạt giải Thí sinh hát ca khúc truyền thống cách mạng và dân ca hay nhất; Kim Loan nhận thêm giải Phong cách trình diễn hay nhất và giải do khán giả bình chọn. 2 giải nhì (15 triệu đồng/giải) thuộc về Nguyễn Thục Duyên (và 2 giải phụ Thí sinh hát trữ tình, lãng mạn hay nhất cùng giải do khán giả bình chọn). 2 giải ba (10 triệu đồng/giải) gồm: Hoàng Ngọc Ánh và Hà Vũ Huy Hoàng. 4 giải khuyến khích (5 triệu đồng/giải) có: Lê Thị Nhung, Triệu Văn Hân, Quang Sang và Anh Trường. Các giải phụ (5 triệu đồng/giải) còn có giải Thí sinh cao tuổi nhất tại vòng bán kết và giải do Ban giám khảo báo chí bình chọn thuộc về bà Lê Thị Nhung. Ngoài ra BTC còn trao giải cho ủng hộ viên và giải cho khán giả bình chọn. Đêm chung kết xếp hạng Tiếng hát mãi xanh 2011 (do Đài truyền hình TP.HCM và Công ty MayQ tổ chức) vừa diễn ra đầy kịch tính, thú vị vào đêm qua (11.5) tại Nhà hát truyền hình HTV, TP.HCM.

Dạ Ly

Ngô Thị Kim Cúc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.