Những ngành bị cho là 'vô dụng' chiếm tỷ lệ tuyển dụng cao nhất

Mỹ Quyên
Mỹ Quyên
16/03/2023 06:06 GMT+7

Những ngành như quản trị kinh doanh, marketing, bất động sản, ngôn ngữ Anh… mà gần đây một số TikToker gây sốc gọi là "những ngành vô dụng và dễ thất nghiệp nhất VN", lại được thống kê là có số lượng tuyển dụng luôn ở vị trí đầu tiên.

NHÓM NGÀNH QUAN TRỌNG VÀ CẦN THIẾT

Theo ông Đỗ Thanh Vân, Phó giám đốc Trung tâm dự báo nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, dự kiến nhu cầu nhân lực năm 2023 cần khoảng 300.000 - 320.000 chỗ làm việc, trong đó nhân lực liên quan đến các ngành thuộc nhóm kinh tế như quản trị kinh doanh, marketing, bất động sản… chiếm tỷ lệ cao nhất.

"Cụ thể ở khu vực thương mại - dịch vụ chiếm 70,61% tổng nhu cầu nhân lực năm 2023. Trong số 9 ngành dịch vụ chủ yếu (chiếm 57,69%) thì ngành thương mại chiếm 15,22%; du lịch chiếm 5,66%; tài chính - tín dụng - ngân hàng - bảo hiểm chiếm 5,93%; kinh doanh tài sản - bất động sản chiếm 5,91%... Như vậy, doanh nghiệp cần tuyển dụng nhân lực khối ngành kinh tế, trong đó có các ngành quản trị kinh doanh, bất động sản, marketing, thương mại, tài chính… rất nhiều", ông Vân chia sẻ.

Bà Đặng Trịnh Nhã Hương, Giám đốc Navigos Search miền Nam, cũng cho hay thông qua trang tìm kiếm việc làm VietnamWorks và dịch vụ tuyển dụng Navigos Search của Navigos Group, doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng liên quan các ngành quản trị kinh doanh, marketing, bất động sản là thường xuyên, với các vị trí như chuyên viên quan hệ khách hàng, quản lý kinh doanh và phát triển sản phẩm, chuyên viên chiến lược doanh nghiệp, trưởng bộ phận tiếp thị thương mại, chuyên viên phân tích nghiệp vụ, nhân viên kinh doanh, hành chính nhân sự, hỗ trợ kinh doanh dự án, quản lý dự án, bán hàng…

Những ngành bị cho là 'vô dụng' chiếm tỷ lệ tuyển dụng cao nhất - Ảnh 1.

Sinh viên ngành quản trị kinh doanh Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM đi thực tế tại doanh nghiệp

VĂN VŨ

Trong khi đó, ông Đồng Quin, Giám đốc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực Tập đoàn Bin, chia sẻ: "Nhu cầu lao động của nhóm ngành kinh tế, đặc biệt là quản trị kinh doanh, marketing, quản trị nguồn nhân lực, ngôn ngữ Anh lúc nào cũng rất cần thiết trong hoạt động của doanh nghiệp. Ở doanh nghiệp chúng tôi, những ngành này chiếm tới 80 - 85% số lượng nhân viên. Điều thú vị là những bạn tốt nghiệp những ngành này có thể làm được rất nhiều công việc liên quan lĩnh vực đào tạo chuyên môn. Chẳng hạn học quản trị kinh doanh thì có thể làm sales, marketing, tài chính, nhân sự...".

Ông Quin cho rằng nhóm ngành này rất quan trọng và cần thiết, cũng như nhu cầu tuyển dụng người tốt nghiệp nhóm ngành này rất cao, đặc biệt với những tập đoàn, công ty hoạt động trong mảng kinh tế, tài chính, bất động sản…

ĐỨNG ĐẦU TRONG CÁC KHỐI NGÀNH DOANH NGHIỆP CẦN

Thạc sĩ Hoàng Thị Thoa, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, cho biết hằng năm, tại các ngày hội việc làm do trường tổ chức, số vị trí công việc dành cho sinh viên các ngành thuộc khối kinh tế như quản trị kinh doanh, tài chính, marketing, bất động sản… luôn chiếm số lượng nhiều nhất.

"Theo thống kê vị trí việc làm mà doanh nghiệp đang cần tuyển dụng trong ngày hội việc làm mà trường sắp tổ chức, thì những công việc liên quan đến quản trị kinh doanh, marketing, ngôn ngữ Anh, bất động sản… chiếm tới 62% tổng nhu cầu nhân lực, đứng đầu trong các nhóm ngành. Số lượng này ổn định hằng năm", thạc sĩ Thoa thông tin.

PGS-TS Huỳnh Thị Thu Sương, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh Trường ĐH Tài chính - Marketing, thông tin: "Các em tốt nghiệp quản trị kinh doanh đều có việc làm với nhiều bộ phận khác nhau như kinh doanh, marketing, vận hành, nhân sự, hoạch định, kế hoạch đầu tư hoặc nghiên cứu viên, giảng viên…".

Những ngành bị cho là 'vô dụng' chiếm tỷ lệ tuyển dụng cao nhất - Ảnh 2.

Nhà tuyển dụng đến trường phỏng vấn sinh viên

HOÀNG THANH

Tại Trường ĐH Kinh tế luật - ĐH Quốc gia TP.HCM, thạc sĩ Cù Xuân Tiến, Trưởng phòng Công tác sinh viên, cũng cho hay tỷ lệ có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp của sinh viên khối ngành kinh tế tại trường hằng năm là trên 90%. "Thị trường đang rất khát nhân lực tốt nghiệp những ngành quản trị kinh doanh, tài chính, marketing, đặc biệt là digital marketing. Đối với ngành quản trị kinh doanh, các em có thể làm rất nhiều công việc khác nhau như chuyên viên phân tích dự báo, tư vấn chính sách, lập kế hoạch, thẩm định dự án, quản trị sự kiện, trợ lý tổng giám đốc…", thạc sĩ Tiến nhận định.

Thay đổi chương trình đào tạo sát với thực tế

Được cho là có cái tên quá "chung chung", ngành quản trị kinh doanh hay marketing khiến nhiều thí sinh thắc mắc không biết mình được học gì và có thể làm gì, liệu có định hướng cụ thể nào hay không? Đây cũng chính là vấn đề mà các trường ĐH đang nhắm tới sự thay đổi để giúp sinh viên dễ dàng hình dung và tiếp cận với vị trí việc làm hơn.

PGS-TS Huỳnh Thị Thu Sương, Trường ĐH Tài chính - Marketing, cho biết hiện ngành quản trị kinh doanh của trường được chia làm 3 chuyên ngành gồm quản trị kinh doanh tổng hợp, quản trị bán hàng và quản trị dự án. "Chương trình đào tạo cũng được chuyển đổi sang tính ứng dụng, trong đó mỗi mô đun lại có ít nhất một tín chỉ thực hành", PGS-TS Sương thông tin.

Trong khi đó, tiến sĩ Nguyễn Anh Vũ, Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh và phát triển thương hiệu Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, cho hay ngành quản trị kinh doanh của trường được xây dựng theo định hướng kinh doanh số. "Chương trình đào tạo không chỉ giúp các em am hiểu các mô hình, phương thức vận hành kinh doanh truyền thống mà còn am hiểu một cách sâu sắc về hoạt động quản trị điều hành, sản xuất, logistics, nhân sự, tài chính, marketing, bán hàng, dịch vụ khách hàng… được vận hành, triển khai trong môi trường số hóa", tiến sĩ Vũ chia sẻ.

Theo thạc sĩ Hoàng Thị Thoa, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, bên cạnh việc thiết kế một học kỳ doanh nghiệp vào học kỳ cuối, trường còn lồng ghép các hoạt động trải nghiệm thực tế như giao lưu, tham quan doanh nghiệp kiến tập, các hội thảo, chuyên đề, kiến thức đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp cho sinh viên.

Cách chọn ngành phù hợp

Để chọn được ngành nghề phù hợp với bản thân, thạc sĩ Dư Tiểu Dương, Chủ nhiệm bộ môn quản trị kinh doanh Trường ĐH FPT TP.HCM, gợi ý học sinh tham gia các bài kiểm tra trắc nghiệm tính cách như MBTI. Ngoài ra, không ít trường ĐH cho học sinh đăng ký tham quan cũng như tham gia vào lớp học trải nghiệm của từng chuyên ngành. "Không chỉ vậy, với lợi thế vốn có của mạng xã hội, học sinh có thể tìm đến những tài khoản uy tín, sẵn sàng chia sẻ để các bạn có những nhận thức đúng đắn, định hướng phù hợp trước khi nộp hồ sơ", thầy Dương nói.

Ông Dương lưu ý thêm việc học ĐH ở bất kỳ ngành nghề nào cũng cung cấp khả năng tư duy, tìm ra giải pháp cho các vấn đề mới chứ không chỉ học nghề, "vì nghề dễ bị thay thế và những bí kíp sẽ không còn hữu hiệu khi có sự thay đổi".

Trong khi đó, thạc sĩ Nguyễn Nhật Quang, Trưởng khoa Ngoại ngữ - Hợp tác quốc tế Trường CĐ Nova, đề xuất việc chọn ngành cần dựa trên 3 trụ cột chính. Thứ nhất là năng lực bản thân, trong đó gồm nhiều nguồn phối hợp như năng lực học thuật, năng lực tài chính, năng lực gia đình... Thứ hai là sở thích và đam mê, những yếu tố "giữ lửa" giúp sống lâu dài với nghề. Cuối cùng là thị trường lao động và nhu cầu việc làm.

Ngọc Long

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.