Chỉ tuyển 10%
|
Thạc sĩ Võ Xuân Phú, Trưởng ban Quản lý đào tạo đại học Trường ĐH Trần Đại Nghĩa, cho biết hệ quân sự tất cả các ngành của trường này không tuyển thí sinh nữ. Cũng theo thạc sĩ Phú, các trường thuộc khối quân đội khu vực phía nam không có trường nào tuyển sinh nữ cho hệ quân sự. Khu vực phía bắc cũng chỉ có 3 trường tuyển nữ gồm: Học viện Quân y, Học viện Khoa học quân sự (các ngành ngoại ngữ) và Học viện Kỹ thuật quân sự (ngành công nghệ thông tin và điện tử viễn thông). Tuy nhiên, cả 3 trường này đều chỉ dành tối đa 10% tuyển thí sinh nữ trong tổng chỉ tiêu của trường.
Cũng theo thạc sĩ Phú, thí sinh nữ vẫn có lựa chọn học các trường công an, quân đội khi dự thi vào hệ dân sự. Riêng tại Trường ĐH Trần Đại Nghĩa, trường tuyển sinh nữ cho 2 ngành gồm: công nghệ thông tin và công nghệ kỹ thuật ô tô. Ngoài ra, Trường sĩ quan công binh (Bình Dương) có tuyển nữ vào ngành kỹ thuật xây dựng công trình giao thông, kỹ thuật xây dựng và kỹ thuật cơ khí. Trường sĩ quan không quân (Nha Trang) có tuyển ngành kỹ thuật hàng không, Trường sĩ quan thông tin (Nha Trang) cũng tuyển ngành công nghệ thông tin và công nghệ kỹ thuật truyền thông… Với hệ dân sự, thí sinh không cần qua sơ tuyển và cũng không bị giới hạn chỉ tiêu với nữ. Các trường tổ chức thi và xét tuyển theo kỳ thi “3 chung” của Bộ như với các trường khác.
Có được ưu tiên hơn nam giới ?
Nhiều năm trước đây, các lớp học ngành hàng hải (điều khiển tàu biển và khai thác máy tàu thủy) của Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM hoàn toàn không có sinh viên nữ. Nhưng bắt đầu từ năm 2013, trường này thay đổi chính sách tuyển sinh khi cho phép nữ đăng ký dự thi vào các ngành này. Thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ, Trưởng phòng Đào tạo nhà trường, phân tích: “Thực tế sinh viên học các ngành này có thể làm được nhiều việc khác nhau tại đất liền liên quan đến lĩnh vực hàng hải. Do vậy, thí sinh nữ vẫn có thể theo học các ngành này nếu muốn”. Tuy nhiên, thạc sĩ Vũ nói thêm: “Thực tế nhiều sinh viên khi tốt nghiệp các ngành này làm các công việc trên biển. Nên nếu là nữ giới sẽ bị hạn chế bởi sức khỏe và thời gian đi biển dài ngày với môi trường làm việc chủ yếu là nam giới. Đó là chưa kể, để dự thi thí sinh còn phải đủ điều kiện về thể lực và sức khỏe theo quy định. Thí sinh nữ vì vậy cần tìm hiểu rõ đặc thù của ngành để có lựa chọn đúng đắn nhất”.
Cũng liên quan đến khối ngành kỹ thuật, thạc sĩ Võ Xuân Lý, Phó giám đốc Trường ĐH Giao thông vận tải cơ sở 2, cho hay trường này có những ngành rất hiếm sinh viên nữ, chẳng hạn như ngành cơ khí và xây dựng cầu đường. Bởi lẽ, đó là những ngành kỹ thuật việc học tập nặng và một phần do tâm lý người học sợ môi trường làm việc vất vả.
Đề án tuyển sinh riêng của Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM ưu tiên thí sinh nữ dự thi vào khối ngành kỹ thuật. Cụ thể, thí sinh nữ sẽ được ưu tiên trúng tuyển nếu có điểm thi bằng thí sinh nam. Chia sẻ về điểm đặc biệt này, tiến sĩ Nguyễn Phương, Trưởng phòng Đào tạo nhà trường, nói: “Nhà trường mong muốn có thể đa dạng hóa giới tính lao động trong lĩnh vực này. Thực tế số lượng nữ giới học tập và làm việc trong lĩnh vực này ngày càng hạn chế”.
Hà Ánh
>> Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM công bố đề án tuyển sinh
>> ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM tuyển 4.300 chỉ tiêu dự kiến
>> Thành lập Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long
>> ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM công bố điểm nguyện vọng bổ sung
Bình luận (0)