Những ngành nghề nào giảm mạnh tuyển dụng trong những tháng đầu năm?

Thu Hằng
Thu Hằng
03/06/2023 12:02 GMT+7

Nhu cầu tuyển dụng của các ngành trong 4 tháng đầu năm giảm 18% so với thời điểm trước dịch Covid-19 và giảm 16% so với thời điểm phục hồi sau dịch (năm 2022), thậm chí có ngành sụt giảm tới 43%.

Đây là số liệu vừa được Tập đoàn nhân sự Navigos Group công bố trong báo cáo nhu cầu tuyển dụng tại Việt Nam trong 4 tháng đầu năm.

 Những ngành nghề nào giảm mạnh tuyển dụng trong nửa đầu năm 2023? - Ảnh 1.

Dệt may là một trong những ngành có nhu cầu tuyển dụng sụt giảm trong những tháng đầu năm

THU HẰNG

10 ngành nghề giảm sút tuyển dụng

Theo ghi nhận của Navigos Group, đại dịch Covid-19, theo sau đó là những biến động về kinh tế, chính trị đã tác động đáng kể đến nền kinh tế và thị trường việc làm toàn cầu. Việt Nam cũng không đứng ngoài xu hướng này.

Nhu cầu tuyển dụng của các ngành trong 4 tháng đầu năm giảm trung bình 18% so với thời điểm trước dịch; giảm trung bình 16% so với thời điểm phục hồi sau dịch (năm 2022), thậm chí có ngành sụt giảm tới 43%.

Đáng chú ý, 10 lĩnh vực và ngành nghề trước đây có nhu cầu tuyển dụng cao nay giảm sụt đáng kể, gồm: du lịch, nhà hàng, khách sạn; dệt may, da giày; xây dựng, bất động sản; thu mua, vật tư, cung vận; vận tải, logistics; xuất, nhập khẩu; marketing; pháp lý, hành chính; bán hàng, chăm sóc khách hàng và ngành công nghệ thông tin.

Trong đó, du lịch, nhà hàng, khách sạn được xem là lĩnh vực chịu ảnh hưởng sâu từ đại dịch Covid-19. Năm 2023, dưới tác động tiếp tục của suy thoái kinh tế, nhu cầu tuyển dụng ngành này vẫn giảm nhưng đã được cải thiện, cụ thể là đang giảm từ 55% ở năm 2022 thì năm 2023 giảm còn 43%.

Tiếp đó là dệt may, da giày, do đối mặt với những biến động trên thị trường thế giới, 2 ngành này chịu tác động trực tiếp khi là những ngành xuất khẩu lớn của Việt Nam. Nhu cầu về lao động của lĩnh vực tiếp tục sụt giảm đến 39%.

Nhu cầu tuyển dụng của nhóm ngành xây dựng, bất động sản đối mặt với tình trạng sụt giảm đáng kể, lên đến 34% vào đầu năm 2023, đến từ tác động của các chính sách mà Nhà nước ban hành khoảng giữa cuối quý 2/2022, thắt chặt về tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp.

Công nghệ thông tin vốn được xem là xu hướng của toàn thế giới, luôn trong tình trạng cung không đủ cầu. Tuy nhiên, khi thị trường Việt Nam trải qua ảnh hưởng của suy thoái từ biến động kinh tế thế giới vào năm 2022 đến nay, ghi nhận của Navigos, lĩnh vực này có sự sụt giảm 20% về nhu cầu tuyển dụng so với thời điểm cùng kỳ đang bình ổn trước dịch Covid-19.

Lĩnh vực thu mua, vật tư, cung vận lại ghi nhận giảm sút 25% về nhu cầu so với thời điểm được xem là bình ổn của thị trường vào năm 2019. Lĩnh vực xuất khẩu ghi nhận sự giảm sút lên đến 18% theo tình hình suy thoái chung của kinh tế thị trường. Lĩnh vực vận tải, logistics cũng đã sụt giảm lên tới 22% về nhu cầu tuyển dụng.

Nhóm ngành pháp lý, hành chính cũng trải qua sự giảm sút đáng kể về nhu cầu tuyển dụng, lên đến 31%. Ngành nghề marketing có nhu cầu tuyển dụng sụt giảm 28% so với thời điểm cùng kỳ đang bình ổn trước dịch Covid-19.

Ngành bán hàng, chăm sóc khách hàng ghi nhận sự giảm sút 23%. Sự giảm sút liên tục này đầu tiên đến từ ảnh hưởng của dịch, sau đó là tác động bởi sự suy thoái kinh tế nói chung của toàn thị trường, dẫn đến các doanh nghiệp phải cắt giảm, thu nhỏ quy mô bộ máy công ty.

Doanh nghiệp vẫn "án binh bất động"

Không đứng ngoài xu hướng biến động thị trường và suy giảm kinh tế, nhu cầu tuyển dụng lao động các vị trí dành cho người nước ngoài, Việt kiều, thời vụ, hợp đồng ngắn hạn, sinh viên mới tốt nghiệp, nhân sự cấp trung và cấp cao cũng chứng kiến sự giảm sút đáng chú ý.

Tuy nhiên, trong "bức tranh" thị trường lao động vẫn có điểm sáng với 2 lĩnh vực và ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng tăng trưởng so với thời điểm bình ổn trước dịch Covid-19 là ngân hàng, dịch vụ tài chính và hàng tiêu dùng.

Nhu cầu tuyển dụng ngân hàng, dịch vụ tài chính tăng trưởng 25% so với thời điểm cùng kỳ đang bình ổn trước dịch Covid-19 và hàng tiêu dùng tăng 17%.

Các chuyên gia của Navigos Group nhận định, sau 4 tháng đầu của năm chưa có tín hiệu tích cực nào về tình hình kinh tế thị trường quốc tế và trong nước được ghi nhận. Năm tài chính mới đã bắt đầu nhưng các doanh nghiệp vẫn "án binh bất động" trong trạng thái chờ và nghe ngóng thị trường khi lo ngại về kinh tế thế giới kém khả quan trong năm nay.

Navigos Group dự báo, cho đến khi nền kinh thế giới chạm đáy và phục hồi trở lại, các doanh nghiệp sẽ cố gắng thực hiện các biện pháp cắt giảm chi phí để bảo toàn nhân sự hoặc có thể thắt chặt thêm nếu tình hình trở nên tệ hơn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.