Những nghề độc lạ: Kinh ngạc với thế giới tre Taboo

Hoàng Sơn
Hoàng Sơn
18/10/2024 06:00 GMT+7

Qua bàn tay tài hoa của anh Võ Tấn Tân (46 tuổi, trú tại thôn Thanh Tam, xã Cẩm Thanh, TP.Hội An, Quảng Nam), những khúc tre tưởng chừng vô tri đã biến thành những con tôm, cua, cá, côn trùng… khổng lồ, sống động như thật.

BẬC THẦY TẠO HÌNH TỪ THÂN TRE

10 năm trước, tôi gặp anh Võ Tấn Tân khi anh bắt đầu nổi tiếng với những sáng tạo khá "ngông": dùng thân tre già để chế tác thành khung xe đạp. Lần này, tôi trở lại để nghe anh kể câu chuyện về cuộc đời mới của tre khi vật liệu này được anh "phù phép" trở thành những sản phẩm thủ công gây kinh ngạc cho người xem về độ tinh xảo, độc đáo… "Năm 2018, từ chỗ chỉ chuyên làm khung xe đạp tre, tôi quyết định theo hướng đa dạng hóa sản phẩm với quyết tâm thứ gì cũng làm được và tận dụng tất cả những gì của cây tre", anh Tân nói.

Những nghề độc lạ: Kinh ngạc với thế giới tre Taboo- Ảnh 1.

Đom đóm bằng tre được anh Võ Tấn Tân và nhóm thợ thực hiện trong nhiều tháng trời

ẢNH: HOÀNG SƠN

Dẫn tôi tham quan không gian mang tên Taboo Bamboo với cơ man đồ lưu niệm, anh Tân kể đồ thủ công mỹ nghệ từ tre với hàng loạt mẫu mã do anh thiết kế đã đạt rất nhiều giải cao tại các cuộc thi. Nhưng đỉnh cao nghệ thuật chế tác tre thì phải kể đến những mô hình động vật được anh và nhóm thợ thực hiện trong vài năm trở lại đây. Quả thật, khi đứng trước con đom đóm được làm từ tre với tỷ lệ phóng đại khoảng 1.000 lần, tôi đã hết sức ngạc nhiên về độ chân thật của nó. Từng chiếc chân, đôi mắt, đôi cánh… được anh Tân lột tả tỉ mỉ trong từng chi tiết. "Gợi được cảm xúc cho người xem thì tỷ lệ phải chính xác. Điều quan trọng nhất là phải giữ được sắc tre, để khi nhìn vào người ta nhận biết đó là tre…", anh chia sẻ.

Đặt cạnh con đom đóm là những con vật khổng lồ khác cũng được làm từ tre, như ong, cá heo, cá chuồn bay… Tất cả những mô hình này được anh Tân mô phỏng từ con vật thật với từng bộ phận được gia công cẩn thận. Chẳng hạn, mắt ong được anh đan từ những nan tre uốn thành vòm, bên trong đặt thêm đèn để tạo hiệu ứng ánh sáng. Phần thân ong, bề mặt tre được đốt cháy để tạo sắc đen, vàng ngà... trông giống như con ong thật.

Hồi mới bắt tay vào làm, mô hình được anh Tân chọn là cá koi. Sau khi hoàn thành, nhiều người đến xem đã không khỏi trầm trồ vì quá giống với nguyên mẫu. Như được tiếp thêm động lực, anh tiếp tục chinh phục những mẫu động vật khó hơn, nhiều chi tiết hơn. Dù biết rằng sẽ đối mặt với rất nhiều khó khăn nhưng với bản tính thích vượt qua những giới hạn, anh Tân đã cho ra đời nhiều mô hình "khủng", như con cua cao 2,25 m, con tôm dài 4 m, con bọ ngựa cao 2,5 m...

VƯƠN TẦM NGHỆ THUẬT

"Ở đời sống hiện đại, cây tre càng trở nên hữu dụng với nhiều công nghệ hỗ trợ. Chẳng hạn, keo dán cho phép tạo thành những khối tre lớn để làm nên những mô hình là các loài vật như đã nói...", anh Tân nói và đúc kết: "Nếu thủ công mỹ nghệ từ cây tre đòi hỏi người thợ phải kiên nhẫn thì việc làm ra những mô hình lớn, độ kiên nhẫn càng phải cao hơn nữa, kể từ lúc lên ý tưởng cho đến lúc xẻ tre...". Bởi vậy, mỗi lần được đặt hàng các mô hình, anh phải bỏ nhiều ngày để tìm tài liệu, hình ảnh, clip... về loài vật muốn làm. Anh kỳ công nghiên cứu để cho ra kích thước chuẩn từng phần, sao cho khi khớp nối, mô hình cân đối. "Khách muốn làm con cua thì loài cua nào đẹp, răng cua bố trí ra sao, càng cua bên phải khác bên trái thế nào... Tất cả đều phải được tìm hiểu kỹ càng", anh nói.

Những nghề độc lạ: Kinh ngạc với thế giới tre Taboo- Ảnh 2.

Mô hình con ong được làm từ những bộ phận của cây tre hết sức độc đáo

ẢNH: HOÀNG SƠN

Tùy vào yêu cầu của khách và độ khó mà mỗi mô hình có thời gian hoàn thành khác nhau, trung bình từ 2 - 3 tháng. Thị trường của những mô hình này khá kén, vì giá thành cao, dao động trên dưới 100 triệu đồng/sản phẩm. Dù vậy, khi tận mắt chứng kiến những mô hình, nhiều chủ nhà hàng, khách sạn, resort... trên cả nước không ngần ngại đặt hàng nhằm tạo điểm nhấn cho cơ sở của mình. Thậm chí, biết được tay nghề điêu luyện trong chế tác các động vật từ tre, một bảo tàng tại Pháp về mỹ nghệ, mỹ thuật đã đặt anh Tân chế tác một con vật cỡ lớn để mang về trưng bày.

Như hiểu được thắc mắc của tôi, anh Tân lý giải: "Để mô hình "khủng" dễ dàng vận chuyển, kể cả ra nước ngoài, tôi áp dụng nguyên tắc thiết kế module. Các phần nhỏ độc lập sẽ được đóng gói để chuyển đến cho khách hàng. Họ chỉ cần xem qua hướng dẫn và lắp ráp dễ dàng... Tôi đang làm một con phượng hoàng lửa tung cánh bay dài 4 m, cao 2 m cũng theo kiểu thức này". Đã có người cho rằng, tre có giá thành rẻ nên mỗi mô hình có mức giá trên dưới trăm triệu đồng là khá "chát". Tuy nhiên, theo anh Tân, với đội ngũ 6 thợ cộng thời gian hàng tháng trời gia công để đạt độ thẩm mỹ cao, thì mức giá cho mỗi mô hình cũng là mức giá mang đậm giá trị nghệ thuật.

"Mỗi sản phẩm được làm ra là công sức của nhiều người, nhiều ngày... Vì không thể sản xuất hàng loạt và do làm thủ công nên mỗi sản phẩm đều mang giá trị độc bản. Có những mẫu dù khách yêu cầu cũng chưa chắc làm lại được. Khi tiềm lực đủ mạnh, tôi sẽ phát triển sản phẩm theo hướng mỹ thuật thủ công mỹ nghệ. Với độ bền bỉ của tre sau xử lý, đó sẽ không còn là sản phẩm mà là tác phẩm nghệ thuật tồn tại theo năm tháng... Tầm vóc cây tre Việt phải được tôn vinh", anh Tân trải lòng. (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.