Vang danh với trâu vàng SEA Games 22
Năm 2003, vượt qua nhiều nghệ nhân chuyên về kiểng thú trong cả nước, ông Nguyễn Văn Công được chọn thực hiện 40 con trâu chào, còn gọi là "trâu vàng" - linh vật của SEA Games 22 (Đại hội thể thao Đông Nam Á, lần đầu tiên tổ chức tại VN).
"Tôi được chọn làm trâu chào cho SEA Games 22 khi còn cách sự kiện chưa tới 1 tháng. Tuy nhiên, thời điểm đó cũng như bây giờ, vườn nhà tôi luôn có đủ cây nguyên liệu để làm 40 con trâu đặt tại nhiều vị trí thi đấu SEA Games 22 diễn ra ở TP.HCM. Đó không phải là dấu mốc quan trọng của kỹ năng tạo hình kiểng thú của tôi, nhưng thành công tại sự kiện đó chính là thành công nhất, lớn nhất trong sự nghiệp của tôi vì đã phục vụ được nhiều người, cho quốc gia mình", nghệ nhân Năm Công chia sẻ.
Trong nghề tạo hình kiểng thú, nghệ nhân Năm Công được đồng nghiệp tôn là "cao thủ" với "nội lực rất thâm hậu". Năm 1976, ông Năm Công bắt đầu với niềm đam mê tạo hình kiểng thú bằng các cây nguyên liệu là mai vàng… nhưng liên tục thất bại do các cây này đều có biên độ sinh thái quá hẹp so với nhu cầu tạo hình kiểng thú rất khắc nghiệt. Năm 1978, ông Năm Công được một người bạn giới thiệu về cây si có nguồn gốc từ Nhật Bản. Tuy rất hài lòng, nhưng xung quanh ông chỉ có cây sanh là khá giống với cây si. Ông quyết định thay toàn bộ vườn cây ăn trái rộng 3 ha của gia đình bằng cây sanh (còn gọi là gừa) và cây si. Qua bao gian nan, năm 1988, ông Năm Công dùng cây sanh, si nguyên liệu tạo hình thành công cặp linh vật rồng dài 7 m, cao 2,5 m và bán cho Bảo tàng tỉnh Bến Tre. Đây là thu nhập lớn vào thời điểm đó. Từ đó, ông khẳng định gia đình mình sẽ sống được với niềm đam mê tạo hình kiểng thú.
Năm 1990, tên tuổi của nghệ nhân Năm Công vang khắp cả nước với thành công của bộ kiểng thú 12 con giáp. Tiếp theo là các tác phẩm kiểng tạo hình nhà lục giác, bát giác, ấm trà, hoa sen… Cũng từ đây, khách hàng chỉ cần nói nhu cầu về kiểng thú đặt tại công viên, sân nhà… thì nghệ nhân Năm Công sẽ hình dung ra và làm được tất cả.
"Rất may là hơn 40 năm "làm dâu trăm họ" trong nước và cả khách hàng ở Singapore, Trung Quốc, Campuchia, sản phẩm của tôi tạo ra đều chưa bị chê. Nhưng có thể người ta chê sau lưng mà tôi chưa biết", ông Công cười.
Theo nghệ nhân, sản phẩm kiểng thú ông làm ra có kích cỡ lớn nhất là cặp rồng dài 54 m, cao khoảng 2,5 m, cho một khách hàng ở Hà Nội. "Tất nhiên khách hàng muốn linh vật rồng dài thêm, cao hơn thì tôi vẫn dễ dàng làm được", ông Công nói chắc nịch.
Kiểng hình rồng dễ làm nhưng dễ bị bàn tán nhất
Nghệ nhân Năm Công thường xuất hiện trong bộ quần áo giản dị và có phần rặt kiểu ông già Nam bộ. Ông rất nhỏ nhẹ trong lời nói và khiêm nhường trong cư xử. Ông chia sẻ linh vật hình rồng chính là sản phẩm ông thích nhất, kỳ công nhất, làm được nhiều nhất, nhưng cũng khiến ông suy tư nhất.
Theo nghệ nhân Năm Công, linh vật rồng thì tạo hình ra sao cũng dễ bị sai mà cũng không sai vì đó là con vật trong trí tưởng tượng. Người ngắm rồng thường khen chê theo tâm trạng của họ hoặc so sánh với các sản phẩm trong điện ảnh, truyền hình, hội họa hay các sản phẩm tạo hình được đặt tại các không gian khác nhau với ý nghĩa, mục đích khác nhau. Rồng thường được đặt ở chỗ có không gian lớn, nhiều người… nên tất nhiên là có nhiều khen chê nhất.
"Trước khi giao hàng, tôi thường để tự do cho người dân, khách hàng chiêm nghiệm rồi sẽ âm thầm quan sát cảm nhận của họ. Tất nhiên, khi đó tôi đã hài lòng với sản phẩm của mình rồi, nhưng cũng sẵn sàng sửa theo các ý kiến phù hợp", nghệ nhân nói về kinh nghiệm làm linh vật đặt tại các khu vực công viên, quảng trường…
Khi PV Thanh Niên thắc mắc "hồn" kiểng thú bắt nguồn từ đâu và vì sao nhiều nghệ nhân làm linh vật rồng hoặc "cầm tinh" của năm thường bị bàn tán trong mỗi độ tết đến xuân về, nghệ nhân Năm Công chia sẻ: "Tôi không tiện nêu ý kiến về các sản phẩm của đồng nghiệp. Đơn giản vì các nghệ nhân đó cũng có những ý tưởng nghệ thuật riêng và thực hiện nó rất kỳ công với mong muốn nhận được sự hài lòng của khách hàng, của người dân. Với tôi, sản phẩm thành công chính là nghệ nhân phải hình dung, phác thảo hoàn chỉnh trong đầu ngay tại thời điểm nêu ý tưởng với khách hàng. Trong đó, bắt đầu bằng việc tạo dàn khung sườn (thường bằng sắt hoặc nhôm) có tỷ lệ phù hợp theo tỷ lệ thực tế của linh vật, tuân thủ nghiêm ngặt theo ý tưởng lúc đầu. Các tỷ lệ về chi, mắt, miệng, thân… của linh vật không thể cưỡng cầu theo giả tưởng riêng của nghệ nhân. Làm linh vật lớn hay nhỏ hơn con vật trong thực tế thì cũng phải cố gắng gia giảm đồng bộ các chi tiết. Tất nhiên, niềm đam mê của nghệ nhân với sản phẩm của mình phải gửi được vào trong linh vật đó".
Nói về nghệ nhân Năm Công, tiến sĩ Bùi Thanh Liêm, Trưởng phòng NN-PTNT H.Chợ Lách, khẳng định: "Nếu vùng đất Cái Mơn nổi tiếng cả nước với tên thường gọi vương quốc hoa kiểng, cây giống thì nghệ nhân Năm Công xứng đáng là bậc thầy trong lĩnh vực kiểng thú mà ông đã đam mê và sáng tạo bền bỉ xuyên suốt gần nửa thế kỷ qua. Danh tiếng hoa kiểng Chợ Lách có một phần đóng góp quan trọng của nghệ nhân Năm Công". (còn tiếp)
Bình luận (0)