Những 'nghệ nhân vá may' ở Hà Nội

Thu Nguyệt
Thu Nguyệt
11/10/2024 07:27 GMT+7

Nghề sửa quần áo, một nghề thủ công truyền thống không mai một theo thời gian, giữa lòng thủ đô Hà Nội ngàn năm tuổi đã tạo nên một vòng quay thời trang chậm đầy hoài niệm.

Nhịp sống đô thị hối hả, giữa những cửa hàng thời trang sang trọng là những góc phố nhỏ bình yên với những tiệm sửa quần áo cũ, nơi những người phụ nữ Hà Nội với đôi bàn tay khéo léo "kể" câu chuyện thời trang tuần hoàn thú vị, mang đậm đặc trưng đất kinh kỳ xứ Bắc.

Những 'nghệ nhân vá may' ở Hà Nội- Ảnh 1.

Phố Thanh Miến (Q.Đống Đa) là địa chỉ quen mà người Hà Nội tìm đến khi có món đồ cần sửa

Ảnh: Thu Nguyệt

Những nữ nội trợ khéo tay

Chị Thủy (44 tuổi) làm nghề sửa quần áo cũ ở phố Đội Cấn (Q.Ba Đình, Hà Nội) đến nay cũng ngót 20 năm. "Cửa hàng" của chị rất giản đơn, chỉ một chiếc máy khâu cũ đặt trên hè phố. Móc quanh chiếc máy là mấy túi vải thừa, phụ kiện (khóa, khuy, cúc, kéo bấm chỉ…) và một chiếc ô che nắng cùng vài chiếc ghế nhựa cho khách ngồi chờ...

Nhà chị ngay bên kia, mỗi sáng chị "qua đường", mở "cửa hàng" và đóng "cửa hàng" vào lúc chiều tối. Khách của chị chủ yếu là khách quen, sống ở các con phố xung quanh. Họ ghé chị khi cần sửa khóa áo, cắt gấu quần hay can, đắp trang trí lên một món đồ đã cũ để làm nó mới lại. Mỗi món chị sửa có công từ 10.000 - 20.000 đồng đến hơn 100.000 đồng. Vừa làm nội trợ vừa nhận sửa quần áo, chị Thủy cũng duy trì được một nguồn thu nhập nhất định.

Chị Huyền (40 tuổi, Q.Cầu Giấy, Hà Nội) mở tiệm sửa quần áo cũ ngay tại nhà. Nhờ lợi thế mặt ngõ, nhà chị chỉ trưng cái biển sửa quần áo là hàng xóm và khách qua đường khi cần sẽ tìm đến. Khu chị ở có đông người thuê nhà, sinh viên ở trọ nên nhu cầu sửa đồ khá nhiều. Quần áo mua đại hạ giá cần cắt gấu, trang trí thêm cho độc đáo theo yêu cầu của các bạn trẻ; đồ mua second hand cần nới eo, bóp bụng của những người trung niên hay các món cần khâu, vá của người già, trẻ nhỏ chị đều nhận sửa, cả ngày không hết việc. Thu nhập tháng của chị cũng cả chục triệu đồng lại không bó buộc thời gian, có thể vừa trông con nhỏ vừa nấu ăn, chăm sóc gia đình...

Những 'nghệ nhân vá may' ở Hà Nội- Ảnh 2.

Tiệm sửa quần áo của chị Thủy ở phố Đội Cấn, Q.Ba Đình

Ảnh: Thu Nguyệt

Có rất nhiều tiệm sửa quần áo như thế giữa các ngõ ngách trong lòng Hà Nội, mỗi nơi là một góc nhỏ giữ gìn nét tinh tế trong văn hóa mặc của người dân. Người Hà Nội cầu kỳ trong ăn, mặc, ưa tỉ mỉ, thích những điều nhỏ nhặt có màu sắc của thời gian và gần gũi, gắn bó, họ tìm đến các tiệm này để sửa chữa quần áo và cũng để tinh chỉnh từng chi tiết, đảm bảo trang phục luôn chỉnh chu.

… Và dòng chảy thời trang chậm

Chia sẻ với phóng viên, chị Nhung (40 tuổi, Hà Nội) cho biết, quần áo đi làm đã cũ chị thường đem sửa thành đồ ở nhà mặc. "Những chiếc sơ mi, áo thun trắng mặc một thời gian, chán tôi đem ra cửa hàng thêu lại hoặc can vài miếng vải màu lên thành áo mới, mặc vừa đẹp lại vừa tiết kiệm. Nói chung là tôi yêu các xu hướng thời trang bền vững. Mỗi món đồ trong nhà tôi "tái chế" vài lần mới bỏ đi", chị Nhung chia sẻ.

Theo chị Nhung, "thời trang chậm" là một xu hướng và là một phong cách sống. Việc sửa chữa, tái chế quần áo và sử dụng chúng một cách bền vững là có trách nhiệm với cộng đồng, môi trường. "Là người làm trong ngành y, tôi rất hưởng ứng điều này...", chị Nhung nói tiếp.

Những 'nghệ nhân vá may' ở Hà Nội- Ảnh 3.

Từ chiếc áo sơ mi nam, chị Thủy sửa thành chiếc váy cho con gái, tiết kiệm mà vẫn đẹp

Ảnh: Thu Nguyệt

Sửa quần áo cũ là một thú vui của chị Lê Thanh Thủy (38 tuổi, Hà Nội). Từ những chiếc sơ mi không còn dùng đến của chồng, chị đem sửa thành chiếc váy cho con gái nhỏ. Con gái lớn quá nhanh khiến chiếc váy Versace kid rất đắt tiền bị ngắn đi, chị mang đáp thêm đoạn ren màu cho thêm dài để con mặc cho thoải mái. Gia đình có điều kiện nhưng với chị Thủy, "tái chế" quần áo để cả nhà cùng mặc không chỉ là tiết kiệm mà còn là cách lưu giữ những món đồ yêu thích, gắn bó, khiến gia đình có thêm nhiều kỷ niệm với nhau hơn.

Trong khi đó, chị Ánh Nhật (45 tuổi, Hà Nội) lại thường "chơi đồ hàng" với kim chỉ bằng cách tự sửa một số thứ đơn giản với quần áo. Còn những kỹ thuật phức tạp hơn chị mang ra tiệm. Chị nói, tiệm sửa quần áo tuy nhỏ nhưng chuyên nghiệp, họ có những mối chạy lại đường chỉ chần (áo bông), làm lại khoá, có máy vắt sổ hoặc những phụ kiện (khuy, cúc…) độc lạ, dễ dàng tương thích với món đồ cũ của mình hơn, sửa sẽ nhanh, đẹp hơn mình…

Những tiệm sửa quần áo nhỏ bé của Hà Nội như những ốc đảo bình yên. Chúng nằm khuất trong các ngõ, ngách nhỏ, là nơi làm việc của những nữ nội trợ khéo léo, đảm đang vừa tranh thủ thời gian chăm sóc gia đình vừa kiếm thêm thu nhập. Với chiếc bàn là, chiếc máy may và những hộp chỉ đủ màu sắc, những cửa tiệm nhỏ xinh này không chỉ là nơi sửa chữa, tái chế áo quần mà còn là nơi trò chuyện của những tín đồ thời trang "tiết kiệm", là không gian để láng giềng tụ họp. Mùi vải cũ, tiếng đạp máy may lách tách hòa quyện tạo nên một không gian hoài niệm và thân thuộc có trong ký ức của bao người miền Bắc…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.