Những nghệ sĩ chọn sân khấu vỉa hè

04/10/2011 08:00 GMT+7

Một câu lạc bộ nghệ thuật của sinh viên, biểu diễn tại những nơi công cộng, đã tạo ra một sinh hoạt văn hóa mới ở thủ đô.

Chúng tôi gặp Sign In ở góc công viên Thống Nhất một buổi chiều thu khi các bạn trẻ trong nhóm đang chuẩn bị cho buổi biểu diễn của họ.

“Sân khấu” là một khoảng sân rộng sát bờ hồ Bảy Mẫu, đàn, trống, loa đài lần lượt được đem tới. Chả mấy chốc, ca khúc “Nồng nàn Hà Nội” của nhạc sĩ Nguyễn Đức Cường đã vút lên cùng tiếng đàn ghita phụ họa khá chuyên nghiệp. Rồi tiếng kèn, tiếng trống mỗi lúc một nhộn nhịp, dòng người bắt đầu đổ về đông hơn khiến các nghệ sĩ đường phố càng phấn khởi.

Họ gồm hai người hát chính, hai người chơi đàn ghita, một người chơi trống, một người chơi beat-box và trông như một ban nhạc thực thụ, trong một liveshow sống động, dù đồ nghề của họ chỉ là đàn ghita thùng, một bộ tăng âm, một bộ loa và ba cái micro… nhưng phối hợp với nhau khá ăn ý làm cho khán giả thi thoảng lại ồ lên thích thú và vỗ tay cổ vũ hoặc lắc lư theo những giai điệu khi nhịp nhàng, lúc sôi động.

Trong khi nhóm đàn hát đang diễn, thì nhóm biểu diễn cầu thủy tinh cũng đang chuẩn bị lên “sân khấu” trong phần tiếp theo.

Thật đáng khen khi quả cầu thủy tinh nặng cả ký lô nhưng người xem có cảm giác nó nhẹ tênh và lơ lửng, mềm mại và bồng bềnh như giọt nước trên tay người diễn.

Nhóm này mệt, nhóm khác thay, họ diễn suốt buổi chiều và làm khán giả ngây ngất.

Trong số các khán giả, ông Hùng, ở ngõ chợ Khâm Thiên chưa bỏ qua buổi diễn nào của nhóm tại đây, dù ông phải đến trên xe lăn. Cứ nghe tin nhóm biểu diễn là ông lại lăn xe ra xem, có khi cao hứng, ông còn chơi vài bài kèn góp vui.

Sign In được thành lập năm 2010 theo khởi xướng của Trần Xuân Tùng, một kiến trúc sư.

Câu chuyện khá ngộ: Tùng cùng một người bạn một hôm ngẫu hứng mang đàn đến hát ở sân chùa Láng, thấy hay, nhiều người đi chùa quây lại xem và… cho tiền.

Ý tưởng thành lập một nhóm nghệ thuật đường phố ra đời. Ban đầu, nhóm có 12 người, nay là hơn 100 người gồm 16 nhóm nhỏ cùng hoạt động.

Mọi người tham gia vào Sign In đều tự nguyện, họ biểu diễn trong các sinh hoạt cộng đồng, đôi khi là trong các quán cà phê.

Hằng tháng, nhóm tổ chức một buổi biểu diễn tại một địa điểm cố định, thường là công viên hay những nơi có đông người qua lại, các hoạt động trong buổi diễn, ngoài đàn hát còn có ký họa chân dung, tham gia nhóm hầu hết là các sinh viên của Đại học Kiến trúc…

Bên cạnh đó còn có nhiều môn nghệ thuật độc đáo như beat-box (dùng miệng để tạo ra nhiều loại âm thanh), nhảy hip - hop, ảo thuật, diễn cầu thủy tinh…

Sau mỗi buổi diễn, nhóm sẽ dùng toàn bộ số tiền thu được và mang đến trao tặng tận nơi cho những số phận có hoàn cảnh khó khăn.

Được biết từ khi thành lập đến nay, nhóm đã biểu diễn 17 chương trình, và giúp đỡ được 17 hoàn cảnh khó khăn.

Số tiền sau mỗi buổi diễn có khi chỉ từ 700.000 - 2.000.000 đồng, nhưng đó là tấm lòng, là tình cảm của các bạn trẻ trong nhóm, muốn chung vai, góp sức vì cộng đồng.

Chia sẻ chúng tôi, trưởng nhóm Xuân Tùng cho biết: “Khó khăn lớn nhất là quy định về biểu diễn đường phố ở nước ta chưa có, nên những hoạt động của Sign In như thế này cũng chỉ được coi là tự phát chứ chưa có tổ chức chặt chẽ, vì vậy mà nhóm cũng bị giới hạn nhiều về các địa điểm biểu diễn cũng như lịch hoạt động”.

Có thể ghi nhận nỗ lực đưa nghệ thuật đường phố đến với công chúng của Sign In, bằng các buổi biểu diễn đầy “lửa” và những hoạt động từ thiện hữu ích.

Hy vọng rằng họ sẽ nhận được nhiều sự giúp đỡ để hoạt động mạnh mẽ và hiệu quả hơn, góp phần hình thành một sinh hoạt văn hóa mới mẻ ở Việt Nam.

Hoài Thu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.