Những ngộ nhận về Tả quân Lê Văn Duyệt: Có giết chết cha vợ vua Minh Mạng?

15/10/2022 06:28 GMT+7

Cần nhắc lại là sau khi Tả quân Lê Văn Duyệt được gọi về triều vào tháng 6 âm lịch năm 1815, quyền cai trị Gia Định thành được tạm thời giao lại cho Phó tổng trấn Trương Tấn Bửu. Tháng 8 âm lịch 1818, vua Gia Long cử Tả Thống chế Thị trung Huỳnh Công Lý làm Phó tổng trấn Gia Định thành.

Câu chuyện “xử tử Phó tổng trấn Huỳnh Công Lý” từng được nhiều cây bút mô tả như một sự kiện chấn động để thu hút người đọc: “Lê Văn Duyệt giết chết cha vợ vua Minh Mạng!”.

Người ta kể rằng khi quay về Gia Định thành, nghe bẩm báo lại về nhiều hành vi trái pháp luật của Huỳnh Công Lý, như nhũng lạm công quỹ, nhũng nhiễu dân lành, với thanh thượng phương bảo kiếm trong tay và quyền tiền trảm hậu tấu được vua Minh Mạng ban cho, ông Duyệt ra lệnh chém đầu Lý tức khắc, khi triều đình gửi lệnh vào kêu giải Lý về kinh thì chuyện đã rồi.

Song những gì chính sử ghi chép đã phản bác lại hầu hết những chi tiết thiếu chính xác kể trên.

Cần nhắc lại là sau khi Tả quân Lê Văn Duyệt được gọi về triều vào tháng 6 âm lịch (AL) năm 1815, quyền cai trị Gia Định thành được tạm thời giao lại cho Phó tổng trấn Trương Tấn Bửu. Tháng 8 AL 1818, vua Gia Long cử Tả Thống chế Thị trung Huỳnh Công Lý làm Phó tổng trấn Gia Định thành.

Vua Gia Long thăng hà vào ngày 19 tháng 12 AL năm Kỷ Mão, nhằm ngày 3.2.1820 thì chỉ khoảng 4 tháng sau, vua Minh Mạng đã cử Lê Văn Duyệt trở lại Gia Định thành, tiếp tục cương vị tổng trấn. Hai tháng sau, Tả quân cử Phó tổng trấn Huỳnh Công Lý mang quân qua Chân Lạp (Campuchia) đánh dẹp cuộc nổi loạn của một nhà sư tên Kế. Song đến tháng 9 AL cùng năm, một sự kiện quan trọng xảy ra: Quan binh và dân chúng Gia Định tố cáo Huỳnh Công Lý 10 điều vi phạm trong thời gian làm việc ở Gia Định thành, chủ yếu là việc tham nhũng và nhũng nhiễu dân chúng.

Cuộc khai quật ngôi mộ cổ của Huỳnh Công Lý tại Sài Gòn - TP.HCM

Tư liệu Đỗ Đình Truật

Ngay sau khi tiếp nhận sự tố giác của nhiều người, Tả quân Lê Văn Duyệt tâu mọi việc về triều. Nhận được bản tấu, vua Minh Mạng đã nói với Nguyễn Văn Nhơn và Nguyễn Đức Xuyên rằng: “Không ngờ Công Lý quá đến thế, công trạng nó có gì bằng các khanh, duy nhờ Tiên đế (tức vua Gia Long - NV) cất, ngôi đến Phó tổng trấn, lộc nước ơn vua, thực không phải bạc, thế mà lại bóc lột tiểu dân, làm con mọt nước. Nay tuy dùng phép buộc tội, nhưng dân đã khốn khổ rồi” (Đại Nam thực lục, tập 2, NXB Giáo dục, 2004, trang 93).

Sau đó, nhà vua hội bàn với đình thần, xét thấy nếu triệu Lý về kinh, phải đòi nhân chứng đến, đường sá xa xôi, do đó, tiện hơn cả là tra xét việc làm của Lý tại Gia Định. Bèn cử Thiêm sự Bộ Hình là Nguyễn Đình Thịnh vào Gia Định, phối hợp Tào Hình mà xét hỏi.

Tháng 12 AL năm Canh Thìn, nhằm đầu năm 1821, trong một buổi hội đình thần, vua Minh Mạng cũng đem trường hợp Huỳnh Công Lý ra để răn đe mọi người. Vụ án này không chỉ dính đến cá nhân họ Huỳnh, mà còn làm liên lụy đến nhiều quan lại khác. Tháng 3 AL 1821, ba quan chức trấn Biên Hòa là Trấn thủ Tống Văn Khương, Ký lục Hoàng Công Xuân, Cai bạ Bùi Phụ Đạo từng bắt binh dân trong phạm vi hạt của họ làm việc riêng cho Huỳnh Công Lý nên bị bãi chức cả. Tuy là thời phong kiến, song luật pháp nhà Nguyễn lúc bấy giờ hết sức nghiêm khắc đối với kẻ làm quan.

Tháng 5 AL 1821, vua Minh Mạng ban quyết định tối hậu về những sai phạm của Huỳnh Công Lý: “Hoàng (Huỳnh) Công Lý trước bị tội tham nhũng, tang vật đến trên hai vạn quan tiền. Sai quan thành Gia Định đòi hỏi. Khi thành án, giao đình thần bàn xét, đáng tội chết, bèn đem giết, tịch thu gia sản đem trả lại cho binh dân” (Đại Nam thực lục, tập 2, sđd, trang 134).

Vậy là đã rõ, tiến trình vụ án Huỳnh Công Lý diễn ra như sau:

- Tả quân Lê Văn Duyệt tiếp nhận tố cáo của binh dân và tâu về triều.

- Vua Minh Mạng ra lệnh tống giam Lý tại Gia Định, cử người ở Bộ Hình vào tận nơi, phối hợp với bộ máy tại địa phương để tra xét.

- Cuối cùng, khi việc xét hỏi hoàn tất, nhà vua ban lệnh xử tử Huỳnh Công Lý.

Thực tế lịch sử cho thấy mọi việc liên quan đến Huỳnh Công Lý và Tả quân Lê Văn Duyệt hoàn toàn khác với những gì được thêu dệt từ một số cây bút lịch sử, không có việc ông Duyệt thực hiện quyền “tiền trảm hậu tấu”, và triều đình không hề có một biểu hiện nào nhằm che chở cho họ Huỳnh.

Về chi tiết Huỳnh Công Lý là “cha vợ vua Minh Mạng”, cần biết rằng nhà vua có đến 142 con (78 trai, 64 gái), nếu cứ tính trung bình một bà phi sinh cho ông 2 con thì phải có tới hơn 70 bà ở hậu cung, trong đó phần lớn là các nàng hầu. Thân phận của hầu hết những nàng hầu này cũng chẳng có chi là vẻ vang thì thân phận cha mẹ họ càng không có gì để phải quan tâm, khi một trong số người đó phạm pháp. Bằng chứng rõ ràng là khi triều đình phát hiện ra sự phạm tội của Huỳnh Công Lý, vua Minh Mạng hay sử quán triều Nguyễn không hề nhắc tới cương vị của Lý là cha của một nàng hầu trong cung, việc xử tội được áp dụng như bất cứ một thường nhân nào.

Câu chuyện “Lê Văn Duyệt giết cha vợ vua Minh Mạng” được dựng lên để góp phần bi kịch hóa điều mà nhiều người gọi là sự mâu thuẫn trầm trọng giữa Tả quân Lê Văn Duyệt và nhà vua, khi ông Duyệt còn sinh tiền. (còn tiếp)

Những ngộ nhận về Tả quân Lê Văn Duyệt

Việc chọn thái tử kế vị vua Gia Long

Vụ án Nguyễn Văn Thuyên

Bí ẩn cái chết Nguyễn Văn Thành

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.