Những ngôi nhà biếu không tại Nhật Bản

11/12/2018 07:29 GMT+7

Chính quyền nhiều địa phương ở Nhật Bản tiến hành chương trình tặng nhà cửa, thậm chí phụ cấp tiền sửa chữa để giải quyết tình trạng nhà bỏ hoang.

Năm 2014, vợ chồng Naoko và Takayuki Ida được tặng một ngôi nhà 2 tầng rộng rãi, nép mình giữa những tán cây trên con đường làng quanh co ở thị trấn nhỏ Okutama thuộc vùng đô thị Tokyo. Trước khi chuyển đến đây, hai vợ chồng cùng 3 người con sống chung với bố mẹ của bà. “Chúng tôi phải sửa chữa nhiều song cũng được chính quyền địa phương hỗ trợ tận tình”, bà Naoko, 45 tuổi, kể với CNN.
Đây là một trong những trường hợp điển hình về chương trình trao tặng nhà ở để giải quyết vấn đề ngày càng có nhiều ngôi nhà bị bỏ trống, được gọi là akiya, tại các vùng nông thôn và ngoại ô thành thị ở Nhật Bản. Theo dữ liệu mới nhất của Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật, nước này hiện có hơn 8 triệu căn nhà không có người ở, thậm chí trở nên hoang phế. Tờ The Japan Times dẫn kết quả nghiên cứu của Viện Fujitsu dự đoán con số này sẽ tăng hơn 33% vào năm 2033. Nguyên nhân là sự sụt giảm dân số đáng báo động cũng như xu hướng người trẻ đổ về các vùng đô thị lớn để tìm việc làm, bỏ lại những căn nhà được thừa kế ở nông thôn và ngoại ô. Năm 2015, chính phủ đã thông qua đạo luật xử phạt những người bỏ nhà trống nhưng luật này không được thực thi một cách quyết liệt. Trong khi đó, thuế đánh vào đất trống lại cao hơn đất có nhà nên nhiều người thà bỏ không chứ không muốn phá bỏ căn nhà cũ, CNN dẫn lời chuyên gia bất động sản Toshihiko Yamamoto cho hay.
Theo dự đoán, đến năm 2040, gần 900 thị trấn và làng mạc trên toàn nước Nhật sẽ biến mất và cách duy trì sự sống còn cho những khu vực này là trao tặng nhà cửa để thu hút dân cư. “Năm 2014, chúng tôi phát hiện Okutama là một trong 3 thị trấn thuộc vùng đô thị Tokyo dự kiến sẽ biến mất vào năm 2040”, ông Kazutaka Niijima, quan chức của Cơ quan Tái thiết thanh niên Okutama, cho hay. Từ dân số 13.000 người, thị trấn này hiện chỉ còn 5.200 dân.
Để ứng phó, nhiều địa phương đã thiết lập chương trình được gọi là “ngân hàng akiya” nhằm kết nối giữa những cư dân tiềm năng với chủ bất động sản trống để tiến hành cho tặng hoặc mua với giá ưu đãi. Chính quyền Okutama còn tặng tiền sửa chữa nhà và khuyến khích chủ sở hữu akiya từ bỏ tài sản bằng cách hỗ trợ từ 1 triệu yen (206 triệu đồng) trên 100 m2 hoặc có thể lên đến 2 triệu yen tùy trường hợp. Tuy nhiên, người nhận nhà phải từ 40 tuổi trở xuống hoặc cặp vợ chồng có ít nhất một con dưới 18 tuổi và chồng/vợ dưới 50 tuổi, đồng thời phải cam kết định cư lâu dài cũng như đầu tư nâng cấp nhà cũ. Đến nay, chương trình này đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ dù vẫn còn chậm vì khó thay đổi tâm lý thích mua nhà mới trong thành phố của người dân. Một nguyên do khác là nhiều căn akiya xuống cấp trầm trọng do bị bỏ hoang quá lâu.
Mặt khác, hiện tượng nhà trống ở Nhật cũng khiến động vật hoang dã xuất hiện ngày càng nhiều ở những thị trấn vắng người. Hồi tháng 3, một cụ già khoảng 70 tuổi sống trên đảo Shikoku bị heo rừng tấn công khi vừa mở cửa nhà. Trước đó, 2 con heo rừng xông vào một trường học ở Kyoto hồi tháng 12.2017, khiến học sinh phải sơ tán khẩn cấp, theo tờ The Washington Post. Còn tại Okutama, trước khi gia đình Naoko chuyển đến, những con khỉ hoang thường vào vườn nhà một bà cụ trong khu để phá phách. Đến nay, khu này đông người hơn nên tình trạng này phần nào được cải thiện.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.