Thanh Tâm là giải thưởng danh giá tại Sài Gòn trước 1975 nhằm tôn vinh tài và đức của các nghệ sĩ cải lương, do nhà báo Trần Tấn Quốc tổ chức. Trong 10 năm tồn tại (1958 - 1968), giải đã chọn ra hàng loạt gương mặt xứng đáng làm rạng rỡ bộ môn nghệ thuật này.
NSƯT Hùng Minh vai Mã Tắc trong vở Tiếng trống Mê Linh - Ảnh: H.K
|
Lan Chi đã đi theo đoàn Phước Chung một thời gian rồi mai danh ẩn tích, hầu như bạn bè đồng nghiệp không biết bà ở đâu. Còn Hùng Minh vẫn say mê theo nghề cho đến bây giờ, 79 tuổi.
Hùng Minh có giọng ca hay và ngoại hình rất đẹp, khuôn mặt như lai Tây, dáng cao to, lên sân khấu cực kỳ hấp dẫn. Do đó đoàn Song Kiều - Thúy Nga đã giao cho ông nhiều vai chính, đến vai trung úy Hoa Lộc Trung trong vở Nó là con tôi của soạn giả Hà Triều - Hoa Phượng thì ông được trao giải Thanh Tâm. Vài năm sau, đoàn Hữu Tâm mời ông sang hát chung với cô đào Thanh Hương nổi tiếng lúc bấy giờ. Thanh Hương là con của soạn giả Năm Châu và danh ca Tư Sạng, thừa hưởng hai dòng máu nghệ thuật đó nên bà ca hay diễn giỏi. Đoàn Hữu Tâm hốt bạc nhờ cặp đào kép này. Cũng từ đó tình yêu nảy nở, Hùng Minh và Thanh Hương lấy nhau, ra lập gánh riêng mang tên hai người, lưu diễn khắp từ miền Nam tới miền Trung. Đến năm 1974 đoàn mới ngưng hoạt động.
Hùng Minh còn được nghệ sĩ Kim Cương mời tham gia chương trình đại nhạc hội năm 1960, cùng diễn với nghệ sĩ Phùng Há, Bảy Nam, Kim Cương, bà Năm Sa Đéc, đặc biệt ông vào vai Dũng trong vở Đoạn tuyệt được khán giả khen ngợi vô cùng.
Những vai diễn tỏa sáng
Đất nước thống nhất tạo ra một bước ngoặt lớn trong đời nghệ thuật của Hùng Minh và nhiều nghệ sĩ khác. Không còn những vở kiếm hiệp để phô diễn nét đẹp của trang phục và lối ca diễn bay bướm, mọi người lao vào những vở truyền thống hoặc cách mạng có vẻ “khô khan” hơn, và làm sao cho nó hấp dẫn mới thật là điều khó khăn. Vậy mà các nghệ sĩ đã làm được.
Hùng Minh về đoàn Thanh Nga, gây ấn tượng mạnh với vai Mã Tắc trong vở Tiếng trống Mê Linh, một tên tướng Tàu háo thắng, hữu dũng vô mưu, hay gầm thét dữ dội. Với lối nhấn nhá câu chữ thật tuyệt vời, Hùng Minh khiến người sành cải lương phải bái phục. Tiếp theo đó là vai nhà tư sản Nguyễn Thế Nam tráo trở, xảo quyệt, chuyên làm ăn bất chính, đối đầu với đứa con gái trung thực, dũng cảm do Thanh Nga thủ diễn, đã đưa vở Bóng tối và ánh sáng của hai tác giả Ngọc Linh - Hoa Phượng thành một vở hấp dẫn trên cả dự tính. Chưa hết, Hùng Minh còn gây một bất ngờ thú vị khi vào vai hài trong vở Bên cầu dệt lụa, cùng với Bảo Quốc tạo thành một cặp đôi cậu ấm lười biếng, học dốt, nhưng lại quá chừng dễ thương. Chỉ 3 vở này thôi đủ nói lên thực lực của Hùng Minh, đủ sức “trị” cả thể loại cổ trang lẫn xã hội.
Sau này ông về Đoàn văn công TP.HCM, Sài Gòn 1, Nhà hát Trần Hữu Trang... nhận những vai hay như Nguyễn Nhạc (Tâm sự Ngọc Hân), Kiều Công Tiễn (Hoa độc trong vườn), Phan Thanh Giản (Muôn dặm vì chồng)... Đến giờ ông còn tham gia đóng kịch (vở Đình cõi âm - Sân khấu Phú Nhuận), đóng phim (Đại gia đình, Làm dâu trăm họ, Đường chân trời...). Ông đi quay suốt, nhưng vẫn nói: “Tôi nhớ cải lương lắm. Lâu lâu được mời sô, mừng thiệt là mừng, vì được ca được diễn”.
80 tuổi vẫn ở nhà thuê
Hùng Minh được vinh quang về nghệ thuật, nhưng lại lận đận chuyện gia đình. Sau khi ly hôn với bà Thanh Hương, ông cưới cô đào cải lương trẻ Thanh Thủy, rồi lại chia tay. Ông nói: “Cô ấy còn quá trẻ, mà tôi lại không có cơ ngơi gì cho cô ấy nương tựa, tôi tự rời xa để cô ấy có một tương lai mới, tươi sáng hơn”.
Căn nhà ông ở thuê với Thanh Thủy tại Gò Vấp đã trả lại cho chủ. Ông đi thuê căn nhà khác, chung sống hơn 10 năm nay với bà Hoa Lan, là con gái bà bầu Hoài Dung của đoàn Hoài Dung - Hoài Mỹ. Cha của Hoa Lan là Nguyễn Huỳnh, tác giả kịch bản Tướng cướp Bạch Hải Đường nổi tiếng một thời. Bà Hoa Lan thừa hưởng hai dòng máu đó nên cũng đi hát cải lương, đi đóng phim luôn. Hai ông bà Hùng Minh - Hoa Lan mỗi ngày đều ra phim trường, cùng với con riêng của bà là họa sĩ thiết kế cho đoàn phim. Đứa cháu nội mới 22 tháng tuổi cũng được lên phim. Bà Hoa Lan có một cô con gái nữa, đã sinh 2 cháu ngoại. Như vậy Hùng Minh không có đứa con nào nhưng giờ ông đủ cả trai gái, nội ngoại, gia đình đầm ấm.
Ông nói: “Cầu mong tổ nghiệp thương, cho tôi có sức khỏe và việc làm để lo cho gia đình. Cháu còn nhỏ, cha mẹ nó bươn chải lắm. Ngày nào không đi làm là tôi bệnh liền. Ra phim trường, tụi nhỏ thương tôi lắm, cứ “Bố ơi! Bố ơi!” thiệt vui. Chỉ buồn là cái bệnh già, tim mạch ấy mà, ca không được hơi dài như trước thôi”. Nhưng thực sự, không ai nghĩ đó là một ông già gần 80 tuổi, vì Hùng Minh vẫn có trí nhớ tốt, đi đứng “ngon lành”. Trời lấy cái này lại cho ông cái khác, vậy cũng mừng!
Bình luận (0)