Chuẩn quốc gia mà không dám vào phòng học
Được công nhận đạt chuẩn quốc gia năm 2009 nhưng Trường tiểu học TT.Tân Hưng (H.Tân Hưng, Long An) hiện xuống cấp nghiêm trọng khiến giáo viên (GV) và học sinh (HS) vào lớp luôn nơm nớp lo sợ tính mạng bị đe dọa.
Nhìn từ xa, trường trông khá khang trang, diện tích rộng, xung quanh có nhiều cây xanh che bóng mát và sân chơi cho HS. Tuy nhiên, khi tiếp cận dãy phòng học 1 trệt, 1 lầu chúng tôi không khỏi giật mình vì hàng loạt vết nứt khá rộng chạy thành một đường dài sâu vào vách. Đi qua nhiều phòng học, tường bị nứt với những vết dài hàng mét, thấm nước, nền bị sụt lún ngay dưới lối đi. Nguy hiểm hơn là có cột chịu lực bị nứt đôi, đang là mối đe dọa cho gần 800 HS của trường.
Trưa 12.9, trong lúc chờ rước con, anh Nguyễn Văn Hải (TT.Tân Hưng) chia sẻ: “Năm học trước cháu về kể cho cha mẹ nghe là trường nứt nhiều chỗ ghê lắm, không ai dám vô lớp học. Năm nay cháu cũng nói vậy. Đến nay mọi việc vẫn như vậy”. Chị Hà Thị Thắm (TT.Tân Hưng) còn lo xa hơn: “Mỗi khi đưa con vào lớp tôi đều căn dặn đừng chạy gần mấy dãy phòng sắp sập, nguy hiểm lắm”.
tin liên quan
Những ngôi trường chờ sập!Nếu các địa phương vẫn bỏ mặc những ngôi trường đang xuống cấp trầm trọng, thờ ơ với tính mạng học sinh thì sẽ còn xảy ra nhiều vụ như sập sàn lớp học tại Trường THCS - THPT Ðống Ða (Lâm Đồng), khiến 11 học sinh bị thương.
Theo ông Vũ Mạnh Hạnh, Phó hiệu trưởng nhà trường, đây là ngôi trường đầu tiên trong huyện được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia. Tuy nhiên, mấy năm nay cơ sở vật chất, phòng học đã xuống cấp. “Trường chỉ biết đề nghị UBND thị trấn, phòng GD-ĐT nhưng kinh phí hình như còn gặp khó khăn nên chưa sửa chữa được gì”, ông Hạnh nói.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND TT.Tân Hưng, cho biết hiện tại có 8 phòng học của trường phải bỏ trống do nhiều vết nứt. Thầy cô vào lớp đều mang tâm lý lo sợ nguy hiểm đến tính mạng vì trường đang bị sụt lún. “Trường nằm ở trung tâm huyện mà mỗi khi mưa là sân trường biến thành ao cá. Phòng học thì xuống cấp nghiêm trọng”, ông Dũng nói.
Năm 2016, Trung tâm kiểm định chất lượng xây dựng thuộc Sở Xây dựng Long An đã khảo sát nhằm đánh giá lại thực tế kết cấu xây dựng và đề nghị có giải pháp thiết kế, cải tạo để xử lý chống lún cũng như cải tạo sửa chữa lại toàn bộ công trình.
|
Cứ mưa là nghỉ học
Hầu hết các mảng tường ở Trường tiểu học Sơn Viên - phân hiệu thôn Đại An (xã Sơn Viên, H.Nông Sơn, Quảng Nam) bị ẩm mốc, nhiều vết nứt chân chim kéo dài. Nền phòng học xuất hiện nhiều chỗ bong tróc và được chắp vá nhiều lần. Hệ thống cửa sổ cũng xiêu vẹo, song cửa bị long, gãy; hệ thống quạt trần đều đã hư hỏng... Đặc biệt, cả hệ thống điện là mạch hở nên rất nguy hiểm cho HS lẫn GV. Ông Ngô Quang Khải, GV của phân hiệu, cho biết nơi này được xây dựng từ năm 2000. “Mùa nắng còn đỡ, chứ vào mùa mưa là phải cho các em nghỉ học hết vì trường học không đảm bảo. Các phòng học đã xuống cấp nghiêm trọng nên mỗi lần mưa là nước lại trút xuống làm ướt hết sách vở. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến việc dạy và học”, ông Khải buồn bã nói.
“Có lần đang dạy, cả thầy lẫn trò thót tim vì tấm la phông trên trần nhà rơi xuống, kèm theo một số khúc gỗ do mối ăn đã mục nát. Rất may không có em nào bị thương. Mọi thứ ở đây đều tạm bợ, rất nguy hiểm”, ông Khải kể.
tin liên quan
Nơm nớp lo… trường sậpGần 100 học sinh và giáo viên của một trường tiểu học ở huyện Núi Thành (Quảng Nam) nhiều năm nơm nớp đối diện nguy cơ phòng học sập bất cứ lúc nào, trong khi dự án xây trường mới đang 'vướng' mặt bằng.
Ông Trần Văn Tám, Hiệu trưởng, cho biết trong năm học 2017 - 2018 phân hiệu thôn Đại An có gần 120 HS ở hai xã Quế Lộc và Sơn Viên (H.Nông Sơn) theo học. “Gần 3 năm nay, nhà trường đã nhiều lần làm tờ trình về việc xuống cấp của phân hiệu thôn Đại An nhưng vẫn chưa được giải quyết, vì vậy việc dạy học đang gặp rất nhiều khó khăn”, ông Tám nói.
Còn ông Hà Văn Đa, Phó trưởng phòng GD-ĐT H.Nông Sơn, cho biết dự án xây mới điểm trường đã được đưa vào dự án Chương trình 135. Hiện trung ương đang thẩm định nguồn đầu tư nên chưa thể triển khai thực hiện được.
Xuống cấp, vá víu
Trường tiểu học Ngô Kha (cơ sở 2) tại địa chỉ 328 Chi Lăng (TP.Huế) xây dựng từ trước năm 1975, đến nay đã xuống cấp nghiêm trọng. Trải qua thời gian sử dụng hơn 40 năm, giờ đây tường xây đã bung rộp và nứt nhiều chỗ, mái thấp dột, hàng rào đều mục nát…
Tại TP.Huế hiện có rất nhiều phòng học được xây dựng từ 50 - 60 năm trước đang trong tình trạng xuống cấp nặng, chưa được đầu tư xây dựng.
Các phòng học này nằm rải rác trong các trường tiểu học như: Trường An, Lê Lợi, Vĩnh Ninh, Phú Hòa… Trong đó, Trường tiểu học Phú Hòa (51 Trần Hưng Đạo, P.Phú Hòa) vốn dĩ thành lập trước năm 1945 với tên Trường Paul Bert, sau năm 1945 đổi tên là Trường tiểu học Thượng Tứ, từ năm 1988 đổi tên thành Trường tiểu học Phú Hòa. Do xây dựng từ thời Pháp thuộc, nên hiện nay dãy phòng học cũ xuống cấp nghiêm trọng. Bà Lê Thị Thùy Linh, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Vừa rồi trong lễ khai giảng, có một phòng học bị sập la phông, nên hiện tại phải niêm phong phòng học này để sửa chữa”.
tin liên quan
Vừa học vừa run ở ngôi trường xuống cấpHàng trăm học sinh ở Trường tiểu học Bình Quý, TT.Phước Dân, H.Ninh Phước (Ninh Thuận), phải ngồi học trong những phòng học đã rệu rã, có nguy cơ sập đổ bất cứ lúc nào.
Cũng theo bà Linh, dự án đầu tư xây dựng mới Trường tiểu học Phú Hòa đang được thực hiện và hiện đã hoàn thành giai đoạn 1, 2 và giai đoạn 3 sẽ đập toàn bộ dãy phòng học đang xuống cấp để xây mới, dự kiến sau năm 2020 triển khai.
Ông Phan Nam, Trưởng phòng GD-ĐT TP.Huế, cho biết trong mỗi trường trên đều tồn tại 3 - 5 phòng học cũ xây từ 50 - 60 năm trước, đều đã xuống cấp. Hiện tại, danh mục các phòng học này cũng đã được UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đưa vào kế hoạch đầu tư trung hạn và có thỏa thuận về thời gian xây dựng với TP.Huế. Theo đó, dự kiến từ năm 2018, các dự án đầu tư nâng cấp để “xóa” các phòng học “U.60” này.
Bình luận (0)