Những ngọn núi thiêng: Chuyện kho báu trên ngọn núi từng mang danh bất nghĩa

Bá Cường
Bá Cường
17/09/2024 06:30 GMT+7

Nằm sừng sững giữa thung lũng Rào Trù (Quảng Bình), núi Thần Đinh được người dân ở đây coi như một địa điểm linh thiêng, thờ phụng hàng trăm năm qua. Thế nhưng, ngọn núi thiêng này lại từng mang danh… bất nghĩa.

TỤC TRUYỀN VỀ "Bất Nghĩa Sơn"

Men theo QL15 rồi rẽ vào thung lũng Rào Trù (xã Trường Xuân, H.Quảng Ninh), nơi có núi đá trùng trùng điệp điệp, ngọn Thần Đinh hiện ra với uy thế oai phong. Từ lâu, ngọn núi thiêng này đã trở thành bức "bình phong" bảo vệ và che chở cho đời sống tâm linh của người dân Quảng Bình.

Những ngọn núi thiêng: Chuyện kho báu trên ngọn núi từng mang danh bất nghĩa- Ảnh 1.

Ông Nguyễn Đức Kháng cạnh núi Thần Đinh

ẢNH: BÁ CƯỜNG

Sống dưới chân núi từ những năm tháng thung lũng Rào Trù còn hoang vu, ông Nguyễn Đức Kháng (68 tuổi, thôn Rào Đá, xã Trường Xuân) vẫn còn nhớ về những câu chuyện ly kỳ tại ngọn núi này. "Tôi có nghiên cứu và đọc những tư liệu ghi chép về núi Thần Đinh. Khá bất ngờ khi một ngọn mà người dân ở đây thờ phụng, thiêng liêng lại từng có giai thoại bị gọi là núi bất nghĩa", ông Kháng chia sẻ.

Tục truyền, núi mang tên "bất nghĩa" bắt đầu từ thời nhà Lê. Lúc đó, vua hành quân đuổi đánh quân Chiêm Thành đã ghé chân tại núi Thần Đinh, quan sát một hồi phát hiện dọc dãy Trường Sơn các ngọn núi đều quay mặt về phía tây, riêng chỉ ngọn núi này lại quay hướng ngược lại. "Vị vua này sai quân lính đánh vào núi như một sự trừng phạt nhằm thể hiện uy thế của một vị vua. Dù có là thần nhưng bất nghĩa, chống lại vua cũng sẽ bị trừng phạt. Vua gọi nó với cái tên là Bất Nghĩa Sơn", ông Kháng nhớ lại. Chuyện lạ này hiện vẫn lưu truyền trong dân gian.

Theo dòng chảy của thời gian, núi Thần Đinh vẫn được coi là nơi hội tụ của tinh hoa đất trời, muông thú đến sinh sống, người dân thờ phụng, trên đỉnh núi còn có vết tích sót lại của ngôi chùa cổ hàng trăm năm.

NGHI VẤN KHO BÁU

Trên đỉnh núi Thần Đinh hiện vẫn còn tồn tại những di tích rất lâu đời, đặc biệt là chùa Kim Phong, còn gọi là chùa Non. Cũng từ đó mà ngọn núi này trở nên linh thiêng, nhiều người dân Quảng Bình không ngại leo hàng ngàn bậc thang để lên viếng chùa, cầu bình an đầu năm.

Những ngọn núi thiêng: Chuyện kho báu trên ngọn núi từng mang danh bất nghĩa- Ảnh 2.

Chùa Thần Đinh đang được xây dựng dưới chân núi

ẢNH: BÁ CƯỜNG

Những câu chuyện gắn liền với ngôi chùa cổ này cũng được ông Kháng tìm hiểu, nhất là về kho báu được cất giấu tại chùa. Không ít lần ông gặp những người lạ từ nơi khác tìm đến để "hỏi dò" về kho báu quý giá được cho là có tại chùa Kim Phong. "Trong thời gian tôi còn làm cán bộ ở UBND xã, có một lần gặp 2 người đàn ông lạ đến đây tạm trú vài ngày để tìm hiểu về câu chuyện có kho báu ở chùa Kim Phong", ông Kháng tỏ vẻ nghiêm trọng.

Theo ông Kháng, sau khi triều đại nhà Nguyễn sụp đổ, nhiều người đã tìm được cuốn sách được cất giữ tại kinh thành Huế ghi chép về câu chuyện có một lượng kho báu lớn được cất giữ ở chùa Kim Phong. Lần theo câu chuyện đó, người người đã đổ về Thần Đinh đào tìm kho báu. Song, bên cạnh những vật dụng có sẵn trong chùa thì người dân chỉ tìm kiếm được những chiếc chum bằng đá dùng để đựng gạo.

Ngày nay, gần chùa Kim Phong có ngôi miếu nhỏ, được người dân bảo vệ, thờ phụng. Cách chùa khoảng 100 m là nơi dẫn vào giếng tiên, nơi có nguồn nước mát chảy từ trong núi ra, được truyền khi uống vào sẽ dồi dào sức khỏe, ít ốm đau, bệnh tật.

Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, bị lãng quên cũng như hư hại từ chuyện lùng tìm kho báu, núi Thần Đinh và chùa Kim Phong vẫn uy nghiêm và giữ vững vị thế trong đời sống tâm linh của người dân Quảng Bình. Những giai thoại ly kỳ lại càng làm cho ngọn núi thiêng trở nên bí ẩn và hấp dẫn hơn bao giờ hết.

Hằng năm, đến dịp Tết Nguyên đán, du khách trong và ngoài tỉnh Quảng Bình lại đổ về núi Thần Đinh. Họ mang theo hương hoa, bình nước và chuẩn bị sức khỏe dồi dào đủ để vượt hơn 1.200 bậc thang dẫn lên chùa Kim Phong. Để chinh phục được núi Thần Đinh và quay trở về chân núi, khách hành hương phải đi lại hàng giờ. Dù khá vất vả nhưng hoạt động này như một thói quen tâm linh quen thuộc của người dân nơi đây với mong muốn được các vị thần linh ban cho một năm đầy may mắn, sức khỏe và bình an. (còn tiếp

Năm 2004, UBND tỉnh Quảng Bình có quyết định xếp hạng núi Thần Đinh là di tích danh thắng, 5 năm sau đó chùa Kim Phong trên đỉnh núi được Tổ đình Vĩnh Nghiêm (TP.HCM) đầu tư tôn tạo và trở thành địa điểm du lịch tâm linh cho du khách. Hằng năm, cứ đến ngày mùng 4 tháng giêng âm lịch, UBND H.Quảng Ninh phối hợp với chùa núi Thần Đinh tổ chức lễ hội chùa núi Thần Đinh nhằm tuyên truyền quảng bá các giá trị của di tích, danh thắng chùa núi Thần Đinh và bảo tồn, phục dựng, phát triển các giá trị văn hóa phi vật thể độc đáo, sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng, tâm linh, điểm du lịch… đến với du khách.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.