Những ngọn núi thiêng: Linh Thái, núi thiêng quên lãng

Bùi Ngọc Long
Bùi Ngọc Long
15/09/2024 06:31 GMT+7

Núi Rùa (tên chữ là Linh Thái, hay còn gọi là Quy Sơn) là một ngọn núi nhô lên như hình một con rùa nằm bên cửa biển Tư Dung xưa, nay là cửa biển Tư Hiền thuộc xã Vinh Hiền, H.Phú Lộc, Thừa Thiên-Huế.

Nhà văn hóa, nhà thơ Đào Duy Từ (1572 - 1634) trong tác phẩm Tư Dung vãn đã mô tả chi tiết cảnh núi Rùa ở cửa biển Tư Dung: "Lạ thay tạo hóa đúc hình/Đất bằng nổi một đỉnh xanh trước trời/Xa trông chất ngất am mây/Mái nam hạc diễu, mái tây rồng chầu".

Những ngọn núi thiêng: Linh Thái, núi thiêng quên lãng- Ảnh 1.

Núi Rùa (Linh Thái) nhô lên ngay cửa biển Tư Dung (nay là của biển Tư Hiền)

ẢNH: NGUYỄN T.A PHONG

Những ngọn núi thiêng: Linh Thái, núi thiêng quên lãng- Ảnh 2.
Những ngọn núi thiêng: Linh Thái, núi thiêng quên lãng- Ảnh 3.

Biển Hàm Rồng dưới chân núi Rùa mang vẻ đẹp hoang sơ

ẢNH: TRẦN HỮU THUỲ GIANG

Ngọn núi linh thiêng này tương truyền có liên quan đến truyền thuyết về 2 con rái cá được vua Gia Long sắc phong "Lang lại đại tướng quân" và lập miếu thờ.

Giai thoại kể rằng, lợi dụng đêm mưa gió, quân của Nguyễn Ánh tấn công vào phòng tuyến Linh Thái - Tư Dung của triều Tây Sơn do Nguyễn Văn Trị trấn giữ. Đêm tối, không xác định được vị trí cửa biển, khu vực này lại có nhiều bãi đá ngầm, thuyền chiến dễ hư hỏng, mắc cạn... Đang loay hoay chưa biết phương kế nào thì từ biển nhìn vào, quan quân Nguyễn Ánh nhìn thấy 2 đốm sáng bèn cho thuyền nhỏ vào thám thính, phát hiện mắt của hai con rái cá hai bên cửa biển. Nguyễn Ánh cho rằng đó là điềm lành, được trời giúp sức. Hai đốm sáng đã trở thành hai ngọn hải đăng cho tàu chiến của Nguyễn Ánh tiến vào, vừa đánh trực diện vừa tạo thế gọng kìm từ đầm Hà Trung xuống và thắng lớn. Sách Đại Nam nhất thống chí cũng chép về trận đánh này.

Sau khi lên ngôi vua, Nguyễn Ánh luận công ban thưởng nên đã sắc phong cặp rái cá và cho lập miếu thờ để tỏ lòng biết ơn đã phù trợ.

Miếu Lang lại nhị đại tướng quân ở núi Linh Thái nay đã mất dấu. Theo các bô lão xã Vinh Hiền, bên kia cửa biển ở xã Lộc Bình (trước đây thuộc xã Vinh Hiền) có một ngôi miếu cổ, tương truyền là miếu thờ 2 con rái cá, dân trong vùng gọi là miếu Hung thần (hay miếu Công thần) vì không ai dám đến gần, sợ gặp tai họa. "Miếu Hung thần là miếu hoang, không ai dám tới. Đi ngang phải cúi đầu, yên lặng. Vào buổi trưa không nên đi ngang. Nghe nói miếu này có từ lúc xưa, giờ cây cối phủ lên um tùm càng ít ai lui tới", một người dân địa phương cho biết.

Dưới chân núi Linh Thái là cửa biển Tư Dung với bãi biển Hàm Rồng với những bãi đá lô nhô, cảnh quan tuyệt đẹp, trở thành điểm check-in mới dành cho những ai muốn khám phá vẻ đẹp hoang sơ.

DI TÍCH CHĂM BỊ LÃNG QUÊN

Năm 2015, sau nhiều năm lãng quên, Trung tâm văn hóa Phật giáo Liễu Quán (TP.Huế, Thừa Thiên-Huế) đã tổ chức chuyến khảo sát núi Linh Thái.

Những ngọn núi thiêng: Linh Thái, núi thiêng quên lãng- Ảnh 4.

Dấu tích văn hóa Chăm trên núi Rùa

ẢNH: BẢO PHONG

Những ngọn núi thiêng: Linh Thái, núi thiêng quên lãng- Ảnh 5.

Phù điêu tượng thần trên núi Rùa đang được lưu giữ tại Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế

ẢNH: T.L

Theo thượng tọa Thích Không Nhiên, Phó viện trưởng Học viện Phật giáo VN tại Huế, phụ trách Trung tâm văn hóa Phật giáo Liễu Quán (trưởng nhóm khảo sát), qua hơn 5 lần điền dã, phát quang, nhóm khảo sát đã tìm thấy dấu tích nền móng, nhiều gạch, đá táng cột… của ngôi chùa Trấn Hải trên đỉnh cao nhất núi Linh Thái.

Ở ngọn đồi thấp hơn phía sau, đoàn phát hiện dấu tích của một tháp Chăm đổ nát, trong đó một phần của thân tháp vẫn còn cùng với rất nhiều viên gạch. Đặc biệt, có 2 trụ đá cao 2 m, bề rộng mỗi mặt 40 cm có khắc chữ Chăm trên 3 mặt, cùng nhiều phiến đá đã bị vỡ có hình tượng thần...

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa (Thừa Thiên-Huế), thời Pháp thuộc, linh mục L.Cadie trong bài viết Công trình và kỷ vật Chăm đã khảo sát khu vực này và có bài viết mô tả chi tiết. Năm 1918, H.Parmentier trong công trình khảo cứu Thống kê khảo tả các di tích Chăm ở Trung kỳ đã khảo tả đầy đủ kèm theo sơ đồ, bản vẽ nhiều dấu vết văn hóa Chăm ở núi Linh Thái. Những nhà nghiên cứu người Pháp còn mang về 3 bức tượng Chăm, hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế. Thượng tọa Thích Không Nhiên cho hay trên núi Linh Thái, ở đỉnh núi cao nhất, nơi có dấu tích của chùa Trấn Hải là một khu vực bằng phẳng, diện tích vài ngàn mét vuông. Nếu khai quật khu vực này sẽ biết được quy mô của chùa Trấn Hải.

Theo sách Nam triều công nghiệp diễn chí của Nguyễn Khoa Chiêm, vào năm Bính Ngọ (1676), khi dạo chơi ở cửa Tư Dung, chúa Nguyễn Phúc Tần đã nhìn thấy trên đỉnh núi Linh Thái có một tháp Chăm hoang phế liền sai quan thủ bạ Trần Đình Ân dời ngọn tháp ra ngọn đồi phía sau, xây dựng ngôi chùa thờ Phật trên đỉnh núi, đặt tên là chùa Vinh Hòa. Sau khi Tây Sơn chiếm được kinh thành Phú Xuân (1786), ngôi chùa bị san phẳng.

Đến năm Minh Mạng thứ 17 (1836), trong một lần tuần du nhìn thấy quang cảnh hoang tàn của ngôi chùa, nhà vua đã cho tu sửa, gồm chùa Thánh Duyên trên núi Thúy Hoa (tức Thúy Vân), chùa Trấn Hải trên núi Linh Thái cùng với gác, lầu... Trong khi chùa Thánh Duyên đến nay vẫn còn, thì chùa Trấn Hải không biết đã sụp đổ từ bao giờ.

TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên-Huế, cũng cho rằng cần có cuộc khai quật khảo cổ học để đánh giá một cách đầy đủ các di tích chùa Trấn Hải cũng như di tích Chăm trên núi Linh Thái, từ đó có hướng bảo tồn phát huy giá trị của những di tích văn hóa độc đáo này. Tuy nhiên, đến nay, núi Rùa - di tích quan trọng với nhiều dấu tích Chăm và Việt - dường như vẫn đang bị "lãng quên". (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.