Những người bắt muỗi

15/07/2012 03:30 GMT+7

Có một đội nghiên cứu sốt rét (NCSR) chọn xã Khánh Phú (H.Khánh Vĩnh, Khánh Hòa) làm tổng hành dinh từ 19 năm nay.

Anh Nguyễn Sơn Hải, Đội phó Đội NCSR Khánh Phú, nói: “Đời “lính sốt rét” vất vả lắm, nhưng trót mang cái nghiệp vào thân thì không bỏ được”. Ngoài anh Hải, nhiều nghiên cứu viên cũng gắn bó với nơi đây từ ngày đội mới ra đời (1993). Họ ngày đêm lặn lội vào rừng, lên rẫy bắt muỗi, mổ muỗi để nghiên cứu, có khi nằm mơ cũng thấy toàn muỗi...

Lãnh địa của muỗi

Ngồi trò chuyện với các nghiên cứu viên tại Trạm NCSR Khánh Phú, không khó để quơ tay bắt vài con muỗi. Thấy chúng tôi đề phòng, một cán bộ trong đội cười: “Muỗi đó đốt không sao, nhìn là biết. Yên tâm. Ở đây muỗi là đặc sản đấy!”. Không biết “đặc sản” ấy quý đến mức nào, nhưng khi bị vài nốt, tay nổi mẩn ngứa thì tôi bắt đầu thấy lo lo. Trước khi đến đây, chúng tôi đã biết vùng đất này nổi danh nhờ... sốt rét.

Khánh Phú là một xã miền núi nghèo, đa số là người dân tộc Raglai. Do sự "đa chủng" của các loài muỗi truyền bệnh sốt rét nên nơi đây từng được xem là “rốn” sốt rét của miền Trung. Theo các cán bộ nghiên cứu, cả nước có 60 loài muỗi thì Khánh Phú có tới 27 loài. Tại đây có 2 loài muỗi truyền bệnh sốt rét là Anophel dirus và Anophel minimus. Đầu những năm 90 của thế kỷ trước, có tới 50% số dân địa phương mang ký sinh trùng sốt rét.  Đến đây, dễ dàng gặp những người bị sốt rét, bụng trương to vì gan, lách sưng lên. Năm 1997 - 1998, Đội NCSR đã phát cho người dân hàng nghìn chiếc màn, vận động họ sử dụng khi ngủ và sau khi áp dụng biện pháp màn tẩm (tẩm một loại hóa chất xua muỗi), loài muỗi Anophel minimus gần như bị xóa sổ. Trong khi đó, Anophel dirus có đặc điểm sống trong rừng sâu, khi đói chúng vào làng hút máu người, sau đó lại bay vào rừng đẻ trứng, sinh sôi nảy nở. Loài muỗi này đang làm đau đầu các nhà nghiên cứu hàng chục năm qua.

 

Bắt muỗi không đơn giản. Phải canh để bắt, nếu nó vừa đậu mình chụp ngay là nó bay mất, nhưng nếu để nó hút máu lâu mình dễ bị sốt rét. Bắt muỗi không chú tâm, có khi lại bị muỗi bắt

Cao Sơn, Đội nghiên cứu sốt rét

Lấy người làm mồi

Chúng tôi theo chân Đội NCSR vào rừng xem bắt muỗi. “Đội quân bắt muỗi” gồm 6 người địa phương, chia thành 2 ca, hoạt động từ 18 giờ tối  đến 6 giờ sáng hôm sau. Anh Nguyễn Sơn Hải cho hay: Địa điểm bắt muỗi thường xuyên thay đổi. Hôm nay, đội quân bắt muỗi sẽ chia thành 3 tổ: tổ “mồi trong nhà rừng”, tổ “mồi trong rừng” và tổ “mồi chuồng khỉ”.

Những người bắt muỗi ở nhà rừng sẽ ngồi trong căn nhà tranh phên nứa người dân thường ngủ lại khi đi làm rẫy. “Mồi trong rừng” vất vả hơn, người bắt muỗi phải ngồi ngoài trời để làm mồi cho muỗi, trời mưa chỉ có tấm bạt che thân. Còn những người trong nhóm “mồi chuồng khỉ” thì ngồi thu lu, trông chẳng khác gì... khỉ. “Mồi chuồng khỉ” được áp dụng mới đây, khỉ đưa từ đảo Hòn Lao về nuôi trong rừng, muỗi bắt được tại khu vực này nhằm nghiên cứu bệnh sốt rét lan truyền từ khỉ sang người.

Điểm bắt muỗi nằm sâu trong rừng, có khi cách bìa rừng gần chục cây số. Những “hiệp sĩ” bắt muỗi phải lội qua các con suối sâu, vượt những vách đá trơn trượt, nếu không cẩn thận sẽ sứt đầu mẻ trán như chơi. 19 giờ 30, tại khu vực chuồng khỉ, Cao Mà Đía phủ màn ngủ đợi 12 giờ dậy thay ca, còn Cao Sơn mặc quần soóc ngồi như tượng trên võng mong được... muỗi đốt. Không phải đợi lâu, một chú muỗi đã dính mồi. Trong giây lát, Cao Sơn dùng ống thủy tinh cầm sẵn trên tay chụp muỗi, rồi lấy bông bịt lại. Anh nói, vẻ chuyên nghiệp: “Bắt muỗi không đơn giản. Phải canh để bắt, nếu nó vừa đậu mình chụp ngay là nó bay mất, nhưng nếu để nó hút máu lâu mình dễ bị sốt rét. Bắt muỗi không chú tâm, có khi lại bị muỗi bắt”. Vào sâu khoảng 100 m nữa là nhóm Cao An và Cao Liểng bắt muỗi trong nhà rừng. Cả hai anh đã có thâm niên trên 15 năm bắt muỗi cho Đội NCSR. Cũng như các thành viên khác, không biết bao nhiêu lần họ bị sốt rét hành hạ, nhưng vẫn bám trụ với nghề.

 
Hai anh Cao An và Cao Liểng đang làm “mồi” cho muỗi tại “nhà rừng”

 
Nghiên cứu viên Phan Châu Do đang mổ muỗi, một ca mổ khoảng 2 - 5 phút  / Ảnh: Nguyễn Chung

Trước đây, các thành viên của Đội NCSR phải tự mình bắt muỗi, nhưng ở rừng cả đêm, mai về trạm làm việc không đảm bảo sức khỏe, nhiều lần bị sốt rét nên ảnh hưởng đến việc nghiên cứu. Biết tại địa phương có những người dân sức đề kháng cao, lại có nhu cầu tăng thu nhập nên đội đã hợp tác với họ. Những chàng trai Raglai được huấn luyện kỹ năng bắt muỗi, phát thuốc phòng, võng, màn để vào rừng. Làm việc lâu năm, những “hiệp sĩ” đã trở nên chuyên nghiệp. Họ làm việc rất tự giác và nghiêm túc. Hiện nay, mỗi ca bắt muỗi 6 tiếng, mỗi người được trả thù lao 80.000 đồng, một tháng chỉ bắt 20 đêm, còn lại ở nhà nghỉ ngơi hoặc làm việc khác.

Anh Phan Châu Do, nghiên cứu viên Đội NCSR, cho biết bắt được muỗi, các “hiệp sĩ” phải ghi lại giờ bắt, vị trí bắt của từng con; muỗi bắt được phải còn sống, không gãy chân, gãy cánh nếu không sẽ khó mổ, khó nghiên cứu. Sau khi nhận muỗi, Đội NCSR tiến hành phân loại và mổ muỗi. Các nghiên cứu viên gây mê cho muỗi, rồi đưa vào kính lúp với độ phóng đại 10 lần để mổ muỗi bằng cây kim nhỏ như sợi tóc. Sau vài lần gạt nhẹ đầu kim, con muỗi đã bị “phanh thây”. Dạ dày và trứng được để riêng vào hai giọt nước muối sinh lý trên tấm kính chuyên dụng, rồi đưa qua soi dưới kính hiển vi với độ phóng đại 100 lần. Anh Do nói: “Mổ muỗi sẽ giúp các nghiên cứu viên nhận biết con muỗi đó có mang thoa trùng gây bệnh sốt rét hay không, xác định loài muỗi nào nguy hiểm, chúng thường hoạt động thời điểm nào để có kế hoạch thực hiện các biện pháp phòng chống hiệu quả”.

Cuộc chiến cam go

Cố bác sĩ Nguyễn Thọ Viễn (1930 - 2008), người dành nhiều công sức cho việc NCSR, từng nhận định: “...Chọn Khánh Phú như húc đầu vào đá. Nếu giải quyết được sốt rét ở đây thì sẽ giải quyết được ở các nơi khác”, để nói về tình hình sốt rét rất nghiêm trọng tại đây. Vì lý do đó, năm 1993, Đội NCSR Khánh Phú được thành lập trên cơ sở hợp tác giữa Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng trung ương, Ủy ban Y tế Hà Lan - Việt Nam, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn và Trung tâm phòng chống sốt rét tỉnh Khánh Hòa.

Phải là người yêu nghề lắm thì những người như anh Hải, anh Do mới có thể gắn bó với núi rừng, với muỗi lâu đến thế. Anh Hải nhớ lại ngày mới ra trường năm 1967, được phân công làm việc tại điểm NCSR ở Nghệ An. Từ đó, anh bị sốt rét thường xuyên. Những đợt nghỉ phép về nhà, dù gia đình can ngăn, anh vẫn đạp xe hàng trăm cây số từ quê nhà Nam Định vào Nghệ An tiếp tục công việc. Bị sốt rét hành hạ, cơ thể anh khi đó chỉ còn 37 kg. Đội NCSR Khánh Phú thành lập, anh chuyển vào Khánh Hòa làm việc và hiện nay đã nghỉ hưu nhưng  vẫn cặm cụi nghiên cứu nơi núi rừng, 2 tháng mới về nhà một lần. Còn anh Phan Châu Do (quê Bình Định) cũng đã có thâm niên mổ muỗi gần 20 năm, hằng ngày vẫn lặn lội vào rừng, lên rẫy tìm nơi muỗi đẻ, thu thập bọ gậy mang về nghiên cứu. Cùng nhiều nghiên cứu viên khác trong Đội NCSR, các anh vẫn ngày ngày “đánh vật” với từng con muỗi để chiến đấu với sốt rét.

Sau nhiều năm hoạt động, Đội NCSR Khánh Phú đã công bố khoảng 150 công trình nghiên cứu về sốt rét, báo cáo chương trình phòng chống sốt rét quốc gia, đóng góp đáng kể trong việc tìm ra các biện pháp phòng chống, nhằm đẩy lùi bệnh sốt rét trên cả nước. Riêng với Khánh Phú, hiện tỷ lệ người mang ký sinh trùng sốt rét chỉ khoảng 2%. 

Phóng sự của Nguyễn Chung

>> Thi bắt muỗi
>> Chống muỗi hiệu quả và an toàn
>> Muỗi biến đổi gien ngăn bệnh sốt xuất huyết
>> Phát hiện loài muỗi không cần "bữa ăn máu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.