Những người chế ngự lửa

04/10/2011 09:53 GMT+7

Đêm đã về khuya. Phố vắng, chỉ còn những cây đèn đường thẳng đuỗn đứng co ro trong sương lạnh. Thành phố lim dim ngủ trong những tiếng rên rỉ của từng làn gió ẩm ướt từ biển thổi vào và bắt đầu mơ giấc mơ của nó.

Bỗng có những tiếng còi xe rú lên như tiếng khóc của con thú cô đơn. Một đám choai choai tụ tập đi đêm dưới chân cầu vượt Lạch Tray (Hải Phòng) ngoái nhìn chiếc xe màu đỏ đang ầm ầm phóng trên đường. Một thằng bé môi mỏng dính như 2 con giun chết khô (ngữ này hít cocaine như máy hút bụi) vung tay chém gió: “Lần trước tao đi con xe SH đánh võng trước mặt bọn này, chúng sợ tao đ. dám vượt!”. Có đứa con gái tóc nhuộm loang lổ như một đám cỏ héo vàng bĩu môi khinh bỉ: “Tinh vi! Lửa họ không sợ, họ sợ gì mày!”.
 
Trí tuệ và lòng dũng cảm

Chúng tôi đã gặp ban chỉ huy của những người không sợ lửa tại trụ sở của họ - Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy (PCCC) Công an Hải Phòng. Khác hẳn hình dung ban đầu của tôi về lính cứu hoả (những người to con tựa cây đàn contrabass, đen trũi như được nung trong lò lửa và cục mịch như các bức tường đất), thượng tá - Trưởng phòng Phạm Việt Dũng rất thư sinh, đẹp trai giống người mẫu chụp ảnh lịch, còn trung tá - Phó phòng Nguyễn Văn Hoạ có gương mặt của nhà thơ vừa đăm chiêu vừa cởi mở và giọng nói ngọt chết người.

 
Cảnh sát PCCC Hải Phòng diễn tập PCCC tại chợ Sắt (Hải Phòng).

Điều duy nhất tôi đoán đúng: Họ có bước chân mạnh mẽ, dứt khoát của những người quen được các người khác nhường đường. Ai dám cản đường người lính cứu hoả cơ chứ! Họ “sửa chữa” tôi: Họ biết sợ lửa (để chế ngự lửa). Các cụ đã dạy “thuỷ, hoả, đạo tặc” phải sợ. Lửa đã làm 2 đồng đội của họ bị chết, 37 người phải nằm viện vì nhiễm độc nặng trong vụ cháy tàu Alexandrin ngày 5.8.1968 tại cảng Hải Phòng. Thế nhưng, nếu không dập tắt được lửa, con tàu chở phân đạm sẽ nổ tung, biến 1/3 TP.Hải Phòng thành đống gạch vụn và tràn ngập những đám mây khí độc...

Theo báo cáo của cảnh sát PCCC, trong 10 năm trở lại đây ở Hải Phòng có 638 vụ cháy, làm 48 người bị chết, 117 người bị thương, 50 tỉ đồng tài sản bị thiêu ra tro. Cháy có thể do bất cẩn (một tàn lửa hàn rơi vào mút xốp) như thảm hoạ ở xã Tân Dân, huyện An Lão, một mẩu thuốc lá hút dở vứt vào rừng thông, hoặc âm ỉ vì chập điện, do cúng vái của người lớn hay vì trẻ con nghịch ngợm. Thậm chí lửa từ trên trời đánh xuống làm cháy 11 bể chứa xăng dầu nằm sâu trong núi. Lửa cháy từ gỗ, từ xăng dầu, từ hoá chất (phốtpho, lưu huỳnh...). Không phải lửa nào cũng dập bằng nước. Ngược lại, nước có thể làm cháy càng lớn hơn.

Do đó người đi chữa lửa trước tiên phải có trí tuệ để biết chữa lửa bằng gì và bắt đầu từ chỗ nào, sau mới “trang hoàng” bằng lòng dũng cảm. Người lính cứu hoả có lòng dũng cảm, chuyện đó đương nhiên như qua vũng bùn thì phải nhấc chân. Trong khi bên ngoài đám cháy, những người đàn bà mắt bạc trắng vì sợ hãi, khóc than thảm thiết như miếng bọt biển sũng nước bị ép và người đàn ông tiếc của, mặt tái nhợt như chiếc khăn trải bàn, thì những người lính cứu hoả mang các trang phục bảo vệ không đủ tiêu chuẩn vẫn xông vào giữa đám cháy, hứng chịu sức nóng nghẹt thở phát ra từ đá, sắt thép đã bị nung đỏ, đốt cháy ôxy cạn kiệt.

Họ phải đứng vững trên những mái nhà chênh vênh sắp sập vì lửa, các boong tàu biển nghiêng ngả vì mất ổn định, tìm đường đi giữa những đám khói đen dày đặc, chứa đầy hoá chất độc hại, hít nhiều có thể phải đi thay máu và nguy cơ chết tan xác vì nổ có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Có nhiều người ngất tại chỗ. Đồng đội đổ nước vào mặt, tỉnh dậy lại xông vào lửa.

Dù thiếu phương tiện cứu hoả (ôtô, tàu thuyền), trang bị cá nhân (quần áo chuyên dụng, mặt nạ phòng độc...), song bằng trí tuệ và lòng dũng cảm, người lính cứu hoả Hải Phòng đã lập nên nhiều chiến công như vụ cứu bãi thuỷ lôi Kha Lâm, vụ dập cháy tàu Alexandrin (nếu ở nước ngoài phải cho tàu chạy ra biển rồi đánh chìm tàu), hay vụ cứu tàu Conrad trong lúc bom đạn từ máy bay Mỹ vẫn trút xuống như mưa hè.

Vụ cháy kho 5 nổi tiếng ở cảng Hải Phòng phải mất 7 ngày ngọn lửa mới chịu tắt hẳn. Ngày 22.2.1987, người lính chữa cháy Hải Phòng đã chiến đấu 20 giờ liên tục để cứu 3.000 quả đạn pháo 100 ly trong vụ nổ kho (từ thời chống Mỹ) tại huyện Thuỷ Nguyên, đảm bảo an toàn cho các công trình quân sự, dầu khí và tính mạng của người dân quanh vùng. Họ cũng thành công trong các vụ chữa cháy 2 nhà máy sản xuất da giày, cháy tàu chở dầu trên sông Bạch Đằng, cháy rừng thông núi Thiên Văn...

Vì đã bảo vệ an toàn tuyệt đối những cơ sở trọng điểm về chính trị, kinh tế, văn hoá, quốc phòng của thành phố trước giặc lửa, cảnh sát PCCC Hải Phòng đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Thế nhưng, các nhà lãnh đạo PCCC Hải Phòng không mặn mà lắm khi kể về những thành tích đánh nhau với lửa của họ, vì họ quan niệm...

Phòng cháy còn hơn chữa cháy

Thượng tá Phạm Việt Dũng nói: Không có người dân tham gia phòng cháy chữa cháy, mọi cố gắng của cảnh sát PCCC đều vô ích, như đạp vào chân không. Vấn đề hiện nay là phải nâng cao nhận thức của người dân vào công tác PCCC. Ngõ Đ.L vốn đông dân. Một hôm ông tổ trưởng tổ dân phố nhiệt tình cho người đóng một cái cọc bêtông ở ngay đầu ngõ để ôtô không vào được, “còn có chỗ cho trẻ con trong ngõ nó chơi!” Ông không biết rằng chiếc cọc bêtông như thế là cơn ác mộng của những người lính cứu hoả khi có cháy ở trong ngõ.

Ngày rằm, mùng 1, bà K bán vải chợ Đổ nghĩ mình được ăn lộc chợ thì phải hương hoa vàng tiền cảm ơn các cụ. Và ai cũng nghĩ giống bà, khiến chợ trở thành mối nguy cơ cao trong con mắt của người lính cứu hoả. Trung tá Nguyễn Văn Hoạ nói, không cười: “Chúng tôi đã có hàng chồng kiến nghị tạm dừng hoạt động nhiều chợ lớn trong thành phố”. Ở Hải Phòng có hàng chục lô nhà tập thể. Chẳng ai bảo ai, người ta lấy sắt rào nhà mình thành cái lồng kiên cố để chống đạo tặc.

Nhưng nếu có cháy thì họ sẽ thoát khỏi nhà lối nào? Lại còn nhiều kẻ rách việc và vô trách nhiệm, chúng gọi điện báo cháy giả. Không biết nên cười hay khóc khi nửa đêm có những người phụ nữ gọi số máy 114 (miễn phí) để tâm sự về nỗi buồn cô đơn của mình, thậm chí đưa ra những lời đề nghị khiếm nhã.

Sự thiếu nhận thức không chỉ tồn tại trong người dân thường. Ngay nhiều doanh nghiệp cũng nghĩ PCCC không phải công việc của họ. Họ tiếp cán bộ PCCC như hạ cố tiếp người đến xin việc, coi việc kiểm tra PCCC như một biểu hiện phiền hà. Có vị hiệu trưởng một trường THPT nghe nói nhiều tiền hơn là kiến thức, đã viết đề nghị với Phòng Cảnh sát PCCC “lắp các thiết bị PCCC cho trường” (vì rằng trường không có tiền!). Họ chủ quan đến ngây thơ: “PCCC ấy à? Tôi chỉ vẩy tay là xong!”. Mừng là ngày nay, doanh nghiệp càng lớn người ta càng có ý thức PCCC. Họ tham gia rất tích cực những cuộc hội thao diễn tập chữa cháy tổ chức hằng năm vào ngày 4.10.

Ngày 4.10.2001, Luật PCCC có hiệu lực. Cảnh sát PCCC Hải Phòng đã có 10 năm kiên trì đưa luật này vào cuộc sống. Lần đầu tiên ở Việt Nam, họ xây dựng một mô hình liên kết tuyên truyền PCCC ở khu dân cư (P.Lạch Tray, Q.Ngô Quyền) dưới hình thức kết nghĩa giữa Đoàn Thanh niên PCCC và Đoàn phường, được thành phố và Bộ Công an cho là điểm sáng cần nhân rộng (đến nay mô hình này đã được phổ biến ra 4 quận).

Sau cụm dân cư, họ thành lập tiếp 9 cụm cơ quan - doanh nghiệp an toàn PCCC bao gồm 250 đơn vị cơ sở. Việc làm này cũng được Bộ Công an đánh giá tích cực. Rồi quân đội cũng tham gia giao ước với họ đảm bảo an toàn PCCC cho rừng. Trẻ em - thủ phạm của nhiều vụ cháy - thì được tuyên truyền PCCC trong các hội thi CLB chiến sĩ an ninh nhỏ tuổi...

Hiện nay, Hải Phòng có 9 vạn người tham gia vào 3.236 đội PCCC cơ sở. 29.470 người được cấp giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ PCCC. Trong  vòng 10 năm, 1.100 dự án, công trình xây dựng mới và cải tạo đã được thẩm duyệt theo Luật PCCC. Hải Phòng phê chuẩn 1.816 phương án chữa cháy cơ sở. Hằng năm, thành phố đầu tư hơn 10 tỉ đồng trang bị phương tiện PCCC. Và ngày 4.10.2011, Sở PCCC Hải Phòng chính thức ra mắt.

Tôi quen cô giáo H.Q. Đã nhiều lần cô kể khổ với tôi vì điều kiện sống vất vả. Tôi biết lắm chứ! Lấy chồng làm lính cứu hoả thì mấy ai giàu. Nhưng thôi cô ạ. Cuộc đời có lắm thử thách khó khăn. Lúc đó cô cứ yên tâm ẩn náu vào anh, sẽ thấy dễ chịu như ẩn náu dưới bóng mát  của vòm cây giữa trưa hè. Lửa họ còn chế ngự được, có bõ bèn gì mấy chuyện cơm áo thường ngày.

Theo Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.