Sau 20 năm thành lập, đến nay Cảnh sát biển VN đã trưởng thành cấp quân binh chủng trực thuộc Bộ Quốc phòng, với nhiệm vụ quản lý an ninh, trật tự, an toàn và bảo đảm việc chấp hành pháp luật VN và điều ước quốc tế trên các vùng biển và thềm lục địa của VN.
Ngày đầu gian khó
|
Giữa tháng 5.1998, theo chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, Thường vụ Đảng ủy Quân chủng Hải quân quyết định xây dựng lực lượng CSB cơ sở, trước hết là thành lập Vùng CSB 1, Vùng CSB 5 để quản lý 2 khu vực biển có tình hình phức tạp, cử cán bộ tham gia các lớp tập huấn, tổ chức khung lực lượng, cải hoán một số tàu phóng lôi K-206 làm tàu CSB… Như vậy, Cục CSB trực thuộc Bộ Tư lệnh Hải quân, Vùng CSB 1 và Vùng CSB 5 (nay là Vùng CSB 4) trực thuộc Vùng 1 và Vùng 5 Hải quân. Ngày 28.8.2008, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành Quyết định số 1069/QĐ-BQP về việc thành lập Cục CSB (tiền thân của Bộ Tư lệnh CSB) và giao Bộ Tư lệnh Hải quân trực tiếp tổ chức, quản lý, điều hành mọi hoạt động của lực lượng CSB. “Ngày 31.8.1998, Bộ tổ chức lễ công bố quyết định thành lập Cục CSB VN với sự chứng kiến của Phó thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Văn Rinh. 34 anh em chúng tôi từ các quân binh chủng được điều về làm CSB, mặc trang phục mới, cứ rưng rưng”, ông Giáp nhớ lại.
Những ngày đầu thành lập, CSB chủ yếu chỉ hướng dẫn chỉ đạo nghiệp vụ. Mãi đầu năm 2002, khi Thủ tướng Chính phủ ký quyết định phê duyệt dự án xây dựng lực lượng CSB giai đoạn 2001 - 2010, CSB mới ra… riêng. Từ cuối tháng 3.2002, Vùng CSB 1, 3, 5 được tách ra khỏi hải quân về trực thuộc Cục CSB. Sau đó, các đơn vị khác được thành lập như phòng trinh sát/cụm trinh sát, phòng/cụm đặc nhiệm phòng chống tội phạm ma túy…
Trung tướng Phạm Đức Lĩnh, nguyên Cục trưởng CSB giai đoạn 2004 - 2012, cười: “Hiệu quả công tác thấy rõ nhất của CSB giai đoạn 1998 - 2008 là kiểm soát được tình hình đánh bắt trộm hải sản của tàu thuyền nước ngoài trên các vùng biển (nhất là vùng biển Tây Nam và vịnh Bắc bộ). Việc xử lý tàu thuyền nước ngoài xâm phạm vùng biển VN nghiên cứu, thăm dò và khai thác tài nguyên trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa VN giảm bớt căng thẳng, tránh được các đụng độ giữa tàu quân sự với tàu nghiên cứu khoa học trên biển... Đặc biệt, khi Hiệp định phân định vịnh Bắc bộ và Hiệp định hợp tác nghề cá trong vịnh Bắc bộ giữa VN và Trung Quốc (TQ) có hiệu lực (ngày 30.6.2004), CSB đã tăng cường giám sát việc thực hiện hiệp định, tập trung tuần tra - kiểm soát trong vùng nước hiệp định, nhằm khẳng định chủ quyền, đồng thời tuyên truyền, khuyến khích ngư dân VN vươn khơi, bám biển trong các vùng nước hiệp định”.
|
Kiên quyết bảo vệ chủ quyền
Giữa tháng 9.2008, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng điều chuyển Cục CSB về trực thuộc Bộ Quốc phòng. Từ đây, hoạt động của CSB nổi bật lên, nhất là nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền. Trung tướng Phạm Đức Lĩnh liệt kê: Từ 2008 - 2013, hàng nghìn lượt tàu, thuyền của CSB làm nhiệm vụ bảo vệ an toàn cho các hoạt động kinh tế của ta trên biển, phát hiện và tiến hành xua đuổi hơn 4.500 lượt tàu, thuyền nước ngoài vi phạm vùng biển VN. Bắt và xử lý 130 tàu thuyền vi phạm chủ quyền. Cùng với lực lượng khác, CSB đã tổ chức hàng trăm lượt tàu thuyền bảo vệ an toàn các hoạt động thăm dò dầu khí của ta. Trinh sát phát hiện các tàu, máy bay nước ngoài xâm phạm chủ quyền. Tổ chức lực lượng tàu xử lý kiên quyết, đúng phương châm, đối sách, tiến hành cản phá, xua đuổi các tàu nước ngoài xâm phạm ra khỏi vùng biển thuộc chủ quyền VN…
Thiếu tá Lê Trung Thành, Phó hải đội trưởng Hải đội 202 (Bộ Tư lệnh Vùng CSB 2), nhớ như in những ngày còn mang cấp hàm thượng úy, thuyền trưởng tàu CSB-4033 làm nhiệm vụ ngăn cản TQ hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển đặc quyền của VN. Ngày 2.5.2014, phía TQ hạ đặt giàn khoan. Ngay tức thì tàu CSB-4033 do Thành chỉ huy được lệnh nhổ neo rời căn cứ Núi Thành (Quảng Nam) ra vùng biển Tri Tôn (Hoàng Sa, TP.Đà Nẵng) làm nhiệm vụ. Lúc 8 giờ 10 ngày 3.5, tàu CSB-4033 tiến vào cách khu vực giàn khoan 10 hải lý thì bị tàu hải cảnh TQ chạy tốc độ cao lao vào mạn phải. Lê Trung Thành chỉ huy tàu 4033 vòng tránh nhưng vẫn bị đâm vỡ toàn bộ cửa kính, rách mạn phải, hư hỏng máy và nhiều trang thiết bị. "Tôi chỉ huy tàu nhanh chóng khắc phục sự cố, thoát khỏi sự vây hãm của các tàu TQ và tiếp tục làm nhiệm vụ", Thành kể và cho biết: “Tháng 8.2013, tôi chỉ huy tàu 4033 làm nhiệm vụ bảo vệ tàu khảo sát thăm dò dầu khí Bình Minh liên tục 128 ngày trên biển và chỉ huy tàu hành trình 10.000 hải lý an toàn, phát hiện, xua đuổi được 6 tàu TQ ra khỏi vùng biển VN. Trước khi ra Hoàng Sa làm nhiệm vụ, tôi đã chỉ huy tàu CSB-4033 ngăn cản thành công tàu trinh sát giả dạng Cheung Kam Wah 2922 của TQ định cắt cáp của tàu Bình Minh 02 đang khảo sát thăm dò dầu khí”.
Trung tướng Hoàng Văn Đồng, Chính ủy CSB VN, nhắc nhớ: “Ngày 2.5.2014, TQ đưa giàn khoan Hải Dương 981 cùng hàng trăm tàu bảo vệ các loại hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của VN tại vùng biển Tri Tôn (Hoàng Sa, TP.Đà Nẵng). Phía TQ sử dụng các loại tàu, tạo nhiều tầng, nhiều lớp bảo vệ giàn khoan, chủ động đâm va, húc ủi, dùng vòi rồng công suất lớn phun nước trực tiếp vào lực lượng thực thi pháp luật của ta; kết hợp các tàu quân sự, máy bay quần lượn trên bầu trời răn đe, uy hiếp... Trước hành động ngang ngược, vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hiệp Quốc về luật Biển năm 1982, vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của VN, lực lượng CSB phối hợp chặt chẽ với các lực lượng, triển khai các phương án đấu tranh theo đúng đối sách của Đảng, Nhà nước và sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Quốc phòng trong xử lý các tình huống trên biển”.
Qua 75 ngày đêm bám thực địa, CSB đã dũng cảm, kiên quyết, đấu tranh bằng các biện pháp; kết hợp tuyên truyền, phản đối, thu thập chứng cứ về những hành động sai trái của TQ; tổ chức đưa đón 93 phóng viên trong nước, 43 phóng viên quốc tế ra thực địa tác nghiệp, cung cấp tư liệu từ thực địa về đất liền phục vụ đấu tranh…
Bình luận (0)