Những người 'dạy AI nói chuyện'

28/02/2023 17:19 GMT+7

Kỹ sư gợi ý - một nghề mới được biết đến trong làn sóng trí tuệ nhân tạo (AI) chính là những người đảm nhiệm việc huấn luyện cho AI cách trả lời vào trọng tâm vấn đề và đúng thông tin.

Andrej Karpathy - cựu Giám đốc phụ trách AI của Tesla từng đăng trên Twitter cá nhân: "Tiếng Anh là ngôn ngữ lập trình hot nhất hiện nay". Nhận định của Andrej thoạt nghe có vẻ nhầm lẫn nhưng lại hoàn toàn đúng khi đề cập tới "kỹ sư gợi ý" - nghề mới được biết đến trong lĩnh vực công nghệ thông tin và đang nhận được nhiều sự quan tâm.

Kỹ sư gợi ý đang là nghề hot trong các lĩnh vực cần tới AI

Kỹ sư gợi ý đang là nghề hot trong các lĩnh vực cần tới AI

Chụp màn hình

Khác với nhiệm vụ của lập trình viên là làm việc với các đoạn mã nhập vào công cụ lập trình, kỹ sư gợi ý sử dụng tiếng Anh để tạo thành yêu cầu dưới dạng văn xuôi (văn bản thông thường) với mục đích huấn luyện cho trí tuệ nhân tạo tối ưu được kết quả trả về trong mỗi giao tiếp với người dùng. Họ là những người có thể sử dụng ngôn ngữ để vận dụng AI đến giới hạn tối đa, nắm rõ điểm mạnh và điểm yếu và biến văn bản đơn giản đầu vào thành kết quả mang ý nghĩa ở nội dung đầu ra.

Simon Willison, lập trình viên với 20 năm kinh nghiệm đang nghiên cứu về kỹ thuật gợi ý cho AI đánh giá trí tuệ nhân tạo sinh ngữ (như ChatGPT) khó đoán, có thể tự đưa ra các câu trả lời vô nghĩa, thiếu chính xác. Theo Simon, "mọi thứ luôn cố định" đối với kỹ sư phần mềm bởi họ viết mã lập trình và máy tính làm đúng theo các lệnh được giao. Còn với AI, ngay cả những người xây dựng mô hình ngôn ngữ cũng không thể biết chắc trí tuệ nhân tạo sẽ "nói hay làm" những gì.

"Có người chê nghề kỹ sư gợi ý vì ăn lương gõ văn bản vào máy tính, nhưng AI có thể lừa dối và kéo kỹ sư vào những thứ tiêu tốn thời gian mà không ra kết quả. Giống như làm phép ở thế giới ma thuật vậy, phát âm sai một từ trong câu thần chú cũng có thể khiến quỷ tấn công lại ta", Simon ví von.

Thậm chí, kỹ sư gợi ý cũng chưa chắc có thể kiểm soát được AI vì phản ứng của hệ thống là điều không thể đoán. Mỗi câu hỏi (lệnh) đưa vào có thể sinh ra rất nhiều câu trả lời khác nhau. Theo Phó giáo sư ngành Ngôn ngữ tại đại học Washington (Mỹ) Shane Steinert-Threlkeld, nhiều câu trả lời cho một câu hỏi là dấu hiệu cho thấy máy tính đưa thông tin không dựa trên sự am hiểu. "Đó chỉ là mô phỏng lời nói một cách thô sơ để giải quyết những vấn đề chúng không thể hiểu", Shane nhận định.

Mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) được huấn luyện từ dữ liệu của hàng tỉ ngôn từ có trên internet, không phân biệt đó là Wikipedia, mạng xã hội hay trang tin tức. AI được dạy cách phân tích từ ngữ, câu văn rồi mô phỏng lại khi được hỏi. Riley Goodside, kỹ sư gợi ý tại startup có tên Scale AI nói: "AI có xu hướng tán gẫu, bịa chi tiết nhỏ để lấp vào khoảng trống kiến thức ở mỗi câu chuyện. Trí tuệ nhân tạo có thể tự tin khi đưa ra câu trả lời sai và đôi khi vào trạng thái 'ảo giác', phát biểu vô nghĩa. Câu trả lời của AI không thể hiện được kiến thức và suy nghĩ của con người".

Trí tuệ nhân tạo cần các câu lệnh cụ thể để trả về kết quả chính xác, như mong đợi

Trí tuệ nhân tạo cần các câu lệnh cụ thể để trả về kết quả chính xác, như mong đợi

Chụp màn hình

Để đưa ra được câu trả lời "chấp nhận được", các kỹ sư gợi ý phải tự hoàn thiện nội dung câu lệnh họ đưa vào máy tính và phần thưởng quý giá nhất AI trả về sẽ là kết quả như mong muốn. Năm 2022, một họa sĩ từng tiết lộ đã bỏ ra 80 giờ để tạo ra 900 phiên bản lệnh khác nhau nhập vào AI Midjourney, với kết quả cuối cùng là sản phẩm do AI này vẽ ra đã đạt giải trong một cuộc thi hội họa tại bang Colorado (Mỹ).

Kỹ sư gợi ý dần trở thành một nghề "hot" và chuyên nghiệp hóa khi nội dung huấn luyện họ đưa ra không chỉ hữu dụng với các công ty về AI, mà còn trở thành sản phẩm mua bán được trên các chợ trực tuyến. PromptBase - một trong những địa chỉ giao dịch văn bản mô tả trực tuyến sẽ cho người xem ngắm các bức tranh tạo ra bởi AI và họ có thể mua lại câu lệnh dùng để tạo ra sản phẩm đó.

Mức lương của kỹ sư gợi ý cũng không hề nhỏ. Mới đây, các cựu nhân viên của OpenAI (công ty phát triển ChatGPT) đã thành lập startup Anthropic và tuyển vị trí trên với lương đề xuất 335.000 USD/năm. Những người làm nghề này cũng được săn đón ở doanh nghiệp ngoài lĩnh vực công nghệ. Có thể kể đến như bệnh viện Nhi Boston (Mỹ) tuyển kỹ sư gợi ý để xây dựng văn bản phân tích dữ liệu chăm sóc sức khỏe hay công ty luật Mishcon de Reya (Anh) tìm ứng viên cho vị trí "kỹ sư gợi ý pháp lý" và một trong số các yêu cầu ứng tuyển là người xin việc phải gửi kèm hồ sơ các đoạn chụp màn hình hội thoại với ChatGPT.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.