Những người dũng cảm

26/07/2015 04:00 GMT+7

Hôm trước tôi có tham dự buổi nói chuyện tại Tòa thị chính Sydney với 4 'Người Úc tiêu biểu năm 2015'.

Hôm trước tôi có tham dự buổi nói chuyện tại Tòa thị chính Sydney với 4 “Người Úc tiêu biểu năm 2015”. 

Buổi nói chuyện truyền hình trực tiếp, cả sân khấu từ phút đầu tiên đến phút cuối cùng chiếm lĩnh bởi 100% gương mặt phụ nữ, từ lời chào mừng và phát biểu của các quan chức cho đến các nhân vật chính là 4 gương mặt sáng giá nhất của Úc trong năm. 
Trong số 4 người phụ nữ đó, tôi đặc biệt ấn tượng với Drisana Levitzke-Gray. Cô gái trẻ sinh ra trong một gia đình có lịch sử bị khiếm thính. Tuy nhiên, cô đã hoạt động không ngừng nghỉ để xây dựng một cách nhìn mới về cộng đồng người khiếm thính. Đó là việc từ chối coi đó là một Khiếm Khuyết mà là một Cơ Hội, coi đó không phải là "sự thiếu hụt khả năng hành động" mà là một "phong cách cảm nhận cuộc sống theo kiểu mới". Cả hội trường hôm đó được chứng kiến cách nói chuyện của người khiếm thính, thậm chí có lúc những kẻ "lành lặn" cảm thấy mình "khiếm khuyết" khi không hiểu được ngôn ngữ khiếm thính.
Tôi lập tức nghĩ đến chàng vận động viên Oscar Pistorius với đôi chân giả là người đầu tiên tham dự Olympic cho người thường. Đôi chân của anh như chiếc càng dũng mãnh của con dế bật tanh tách trên đường đua, bỏ xa những vận động viên với đôi chân lành lặn. Nhiều người cho rằng đôi chân giả thậm chí đã khiến cho Oscar có nhiều lợi thế hơn các đối thủ của mình.
Chứng kiến Oscar trên đường đua, tôi không bao giờ quên được cảm giác hào hứng khi nhìn thấy cú phản đòn khiến định kiến phải thua một bàn ngoạn mục. Đó là khi những kẻ chúng ta cho là thiếu may mắn không chấp nhận tên mình là Bất Hạnh, và dùng chính những thứ người đời cho là khiếm khuyết để tung cánh lên cao khiến chúng ta phải ngước nhìn. Đó là khi người mù coi việc không nhìn thấy ánh sáng là cơ hội để cảm nhận âm thanh hàng trăm lần tốt hơn người thường và đem đến cho chúng ta những bản nhạc bất hủ như Stevie Wonder. Đó là khi một cô gái tàn tật từ chối coi mình là tàn tật và biến chính sự khác biệt của cơ thể mình thành chủ thể nghệ thuật và trở thành nghệ sĩ nổi tiếng thế giới như Frida Kahlo. Thế giới đang chứng kiến những con người dũng cảm thách thức khái niệm của đám đông về "thiếu hụt", "khiếm khuyết" hay "tàn tật".
Thử cố gắng học tập những con người này xem sao: Khi ấy, những tai ương trở thành cơ hội để ta thành kẻ dũng mãnh hơn, những mất mát trở thành cơ hội để ta thu hoạch những điều kỳ diệu hơn, những đổ vỡ trở thành cơ hội để ta xây dựng những thứ tốt đẹp hơn, và những thất vọng là cơ hội để ta trở thành một kẻ sống thực tế hơn.
"Bất hạnh là một tài sản", tác giả Phan Việt từng đặt tên cho cuốn sách của mình như vậy.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.