Những người giữ đình xứ Đoài: Tâm an Tây Đằng

Những người giữ đình xứ Đoài: Tâm an Tây Đằng

02/10/2023 09:09 GMT+7

Dân gian có câu: "Cầu Nam, chùa Bắc, đình Đoài". Đó cũng là lý do đưa chúng tôi tìm về những đình cổ xứ Đoài, niên đại trung bình trên 300 năm, để nghe chuyện của làng, của đình, qua nhân chứng sống là những cụ từ (người giữ đình) nay cũng đã quá thất thập cổ lai hy.

Tuổi 68 với thâm niên 4 năm làm cụ từ ở đình Tây Đằng (TT.Tây Đằng, H.Ba Vì, Hà Nội), ông Nguyễn Duy Hanh mở đầu câu chuyện với đầy niềm tự hào: "Đình làng tôi là kho tàng nghệ thuật đấy các chú ạ".

Những người giữ đình xứ Đoài: Tâm an Tây Đằng - Ảnh 1.

Cụ Nguyễn Duy Hanh, thủ từ đình làng Tây Đằng

YÊN - PHONG

Chúng tôi đến đình làng Tây Đằng khi nắng đã đứng bóng, trước ao đình là lão nông nhỏ thó, bước chân thoăn thoắt múc nước tưới cây trong sân đình, qua vài câu chào hỏi, biết đấy chính là cụ từ Nguyễn Duy Hanh mà chúng tôi cần tìm. Câu chuyện về đình làng dần khơi tỏ.

Nghe chuyện lệ làng

Đình Tây Đằng phân định rõ, cai trưởng đảm trách thờ phụng, tế lễ, do dân thôn cử. Tây Đằng có 4 thôn cổ gồm Nam - Bắc - Đông - Đoài (Tây). Trong bát quái, Đoài là quẻ cuối, thuộc hướng tây. Vào thời Lê - Mạc, từ "đoài" được sử dụng phổ biến, trong đó có lời sấm của Nguyễn Bỉnh Khiêm về loạn lạc phủ chúa Trịnh: "Đoài cung một sớm đổi thay/Chấn cung sao cũng sa ngay chẳng còn". Trong phủ chúa Trịnh Sâm, đoài cung dành cho tuyên phi Đặng Thị Huệ, và đồ sứ ký kiểu (đồ sứ đặt thợ Cảnh Đức Trấn làm theo thiết kế của vua chúa VN) dùng trong đoài cung đặt tên là Nội phủ thị đoài. Việc dùng chữ "đoài" còn lý do khác là do kỵ húy chúa Trịnh thứ 3 là Tây Định Vương Trịnh Tạc, nên "tây" đổi thành "đoài".

Những người giữ đình xứ Đoài: Tâm an Tây Đằng - Ảnh 2.

Đình Tây Đằng là một trong 6 đình cổ còn sót lại từ thời Mạc ở xứ Đoài

YÊN - PHONG

Trở lại chuyện thôn cổ đình Tây Đằng, việc lễ thánh làng giao cho các thôn, mỗi thôn đăng cai một năm và tự bầu cai trưởng lo việc nhà thánh. Thôn cả là thôn Đông, gọi thôn anh, còn lại là các thôn em. Việc phân chia thôn anh - thôn em do người đến định cư ở làng trước, được coi là anh, đến sau là em. Tôn ti trật tự ấy được lưu giữ, nay vẫn nguyên giá trị.

Thường ngày, rỗi là tôi lên đình, cần giải khuây cũng tìm ra đình, quét dọn sạch sẽ. Nhìn đình tinh tươm, tự nhiên lòng vui lắm, cảm giác an yên, đình như là nhà vậy. Nhiều người nói ra nói vào, bảo được bao lợi lộc mà cứ loay hoay với đình. Tôi bảo họ đừng nói về tiền, đấy là trách nhiệm.

Cụ từ Nguyễn Duy Hanh

Lễ hội đình Tây Đằng được tổ chức 5 năm một lần, theo năm chẵn, việc thờ cúng cũng phải tuân theo thứ tự thôn anh - thôn em. Vào ngày hội đình, đội tế thánh gồm 22 quan viên, với các chức danh như chủ tế, bồi tế, đọc chúc, dâng hương, dâng đèn… Cụ từ Hanh cho biết: "Ngày trước chọn quan viên dễ, bây giờ mỗi thôn tìm ra 5 - 7 người khó phết, vì trước hết là tuổi phải trên 50, người đi tế thánh phải sạch sẽ, sức khỏe tốt, nhà lại không có bụi". "Bụi" ở đây, nghĩa là chuyện tang ma. Muốn được vào đình phải chờ cho hết bụi. Thế phải chờ trong bao lâu? Cụ Hanh thêm: "Người mang khăn trắng trong tang lễ là vướng bụi, tang chính chủ (người ruột thịt - PV) thì phải chở (chịu tang - PV) 3 năm, còn bà con dòng họ thì một năm, có khi 6 tháng, hoặc 3 tháng… Nữ không được lên đình tế lễ, chỉ có nam".

Kho tàng mỹ thuật thời Mạc

Chăm sóc cả hai di tích đình và đền, cụ từ Nguyễn Duy Hanh kể về công việc thường nhật: "Đã gọi là lo việc thánh, toàn việc không tên cả. Thường ngày, rỗi là tôi lên đình, cần giải khuây cũng tìm ra đình, quét dọn sạch sẽ. Nhìn đình tinh tươm, tự nhiên lòng vui lắm, cảm giác an yên, đình như là nhà vậy. Nhiều người nói ra nói vào, bảo được bao lợi lộc mà cứ loay hoay với đình. Tôi bảo họ đừng nói về tiền, đấy là trách nhiệm, làng tín nhiệm giao cho, mình con dân biết nghe, biết nhận. Cảm giác một ngày không ra đình, nhớ lắm, như thiếu gì đó trong người vậy".

Những người giữ đình xứ Đoài: Tâm an Tây Đằng - Ảnh 4.

Mảng chạm rồng trên vì nóc, chi tiết hiếm gặp trong trang trí đình làng Bắc bộ

YÊN - PHONG

Ở góc độ kiến trúc, nghệ thuật, Tây Đằng là "bảo tàng sống" với các mảng hoa văn được chạm khắc cầu kỳ, tinh xảo trên trang trí đình làng. Thống kê có hơn 1.300 mảng chạm các đề tài đa dạng, nhiều mảng chạm lưu lại từ thời Mạc (1527 - 1592) miêu tả cuộc sống xã hội đương thời. Hỏi cụ từ Hanh về vốn quý những mảng chạm, cụ kể: "Ngày còn bé, chúng tôi ra đình làng học chữ. Đình là sân chơi của trẻ con trong làng, ngày nào cũng leo trèo, chưa ý thức gì đâu. Càng lớn, nét đẹp các mảng chạm, của sơn thếp ăn sâu vào tâm trí, và rất tự nhiên coi đình là niềm tự hào. Các mảng chạm càng nhìn càng quen, gần gũi, không biết tả vẻ đẹp nó thế nào vì không có chuyên môn, chỉ biết là nó như của gia đình mình vậy".

Những người giữ đình xứ Đoài: Tâm an Tây Đằng - Ảnh 5.

Hơn 1.300 mảng chạm trang trí thể hiện khắp không gian kiến trúc đình Tây Đằng

YÊN - PHONG

Nói rồi cụ từ đưa chúng tôi đi giới thiệu từng nhịp sống đương thời, từ voi đi kéo cày, người vật hổ, mẹ gánh con, trai gái du xuân… thể hiện trên ván gió, cho đến các cấu kiện kiến trúc như phần đầu dư chạm cá hóa rồng với lối ngoảnh mặt vào chính điện đặc trưng thời Mạc…

Chiêm ngưỡng kho tàng nghệ thuật Tây Đằng, thấy ở đó kỹ thuật siêu phàm của người nghệ nhân xưa trong trang trí kiến trúc, là di sản lưu giữ truyền đời. Công việc tưởng chừng như đơn giản, nhỏ bé của cụ từ Nguyễn Duy Hanh với đình làng Tây Đằng, vì: "Việc làng giao, mình sẵn sàng gánh vác", nhưng tinh thần, tình yêu, tính trách nhiệm hẳn là tấm gương, để thế hệ sau tiếp nối, giữ cho di sản của làng, của nước nguyên vẻ đẹp trường tồn theo thời gian. (còn tiếp) 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.