Những người giữ hồn Cơ Tu: Bảo tồn khẩn cấp ngôn ngữ Cơ Tu

Hoàng Sơn
Hoàng Sơn
21/05/2023 07:30 GMT+7

Trước nguy cơ tiếng nói của đồng bào Cơ Tu vùng thấp (tại TP.Đà Nẵng) ngày càng bị thu hẹp, đề án do UBND TP.Đà Nẵng mới ban hành nhấn mạnh phải khẩn cấp bảo tồn ngôn ngữ Cơ Tu.

Nỗi lo thất truyền tiếng nói

Cuộc nói chuyện giữa anh Bùi Văn Hòe (40 tuổi, trú tại thôn Giàn Bí, xã Hòa Bắc, H.Hòa Vang) và đứa con học lớp 2 phải nhiều lần dừng giữa chừng vì có nhiều đoạn cháu bé không hiểu. Hai cha con giao tiếp với nhau bằng tiếng Cơ Tu, nhưng nhiều từ cháu bé lại dùng tiếng Việt để nhờ bố cắt nghĩa... Ðó là chuyện thật mà cứ như đùa đang diễn ra trong cộng đồng Cơ Tu tại TP.Ðà Nẵng.

Những người giữ hồn Cơ Tu: Bảo tồn khẩn cấp ngôn ngữ Cơ Tu - Ảnh 1.

Chính quyền địa phương đề nghị đưa tiếng Cơ Tu vào giảng dạy tại các trường học

HOÀNG SƠN

"Những cháu bé đang ở tuổi tiểu học không biết tiếng Cơ Tu đã đành, có nhiều em học sinh cấp 2, cấp 3 nhưng đến nay dùng tiếng mẹ đẻ cũng không rành. Chẳng hạn, trong gia đình có công cụ sản xuất xa xưa, bảo gọi tên thế mà có em lại lắc đầu. Còn thanh niên bây giờ chắc chắn có rất nhiều người không biết gọi tên thú rừng, chim chóc, một số loài cây, dược liệu… Bởi vì thế hệ trẻ không còn việc săn bắn, đi lấy thuốc như ngày xưa…", ông Ðinh Văn Như, Bí thư Chi bộ thôn Giàn Bí, lý giải. Bà Ðinh Thị Tin (48 tuổi, trú thôn Giàn Bí) cho biết ngày càng nhiều học sinh không biết tiếng Cơ Tu bởi vì ngày ngày các cháu lên lớp học văn hóa bằng tiếng Việt. Tối về nhà, phụ huynh lại bận bịu không nói chuyện với con hoặc chỉ bày vài bữa thì không thể nhớ được.

Những người giữ hồn Cơ Tu: Bảo tồn khẩn cấp ngôn ngữ Cơ Tu - Ảnh 2.

Thế hệ trẻ người Cơ Tu có nhiều em không biết nói hoặc không hiểu tiếng Cơ Tu

Ông Ðinh Văn Như nhận định sự mai một tiếng nói của người Cơ Tu đã hiện hữu chứ không còn là nguy cơ. "Tầm 20 năm nữa thôi, tiếng nói của người Cơ Tu sẽ thất truyền…", ông Như lo lắng. Trong đề án bảo tồn, UBND TP.Ðà Nẵng cũng nhìn nhận với sự giao lưu và tiếp biến văn hóa như hiện nay, ngôn ngữ Cơ Tu đang trước nguy cơ ngày càng bị thu hẹp. Một bộ phận thanh thiếu niên không biết, ít nói hoặc không muốn sử dụng tiếng nói của dân tộc mình. Thực trạng đó làm cho "sợi dây kết nối văn hóa truyền thống của dân tộc có nguy cơ đứt gãy", theo đề án.

Mở lớp dạy phiên âm tiếng Cơ Tu

Nhưng không chỉ lo về tiếng nói. Theo UBND TP.Ðà Nẵng, người Cơ Tu sinh sống trên địa bàn cũng không có chữ viết và không sử dụng chữ Quốc ngữ phiên âm tiếng Cơ Tu. Nhiều người dân địa phương khẳng định trong lịch sử phát triển của đồng bào, chữ viết từng tồn tại nhưng đã thất truyền. Già làng A Lăng Mỹ kể ở Hòa Bắc từng có 2 người biết chữ viết dưới dạng phiên âm bằng chữ Quốc ngữ. "Ðó là ông già Lai và ông Ch'Cơn. Cả 2 người này đã qua đời cách đây khoảng 20 năm", già Mỹ nói.

Bà Lê Thị Thu Hà, Bí thư Ðảng ủy xã Hòa Bắc, cho hay thời gian qua, Ðảng ủy, UBND xã đã chỉ đạo các trường dự thảo nghị quyết chuyên đề đưa chữ viết, ngôn ngữ Cơ Tu vào học đường. Tuy nhiên, công tác này gặp rất nhiều khó khăn. Người Cơ Tu ở 2 thôn Giàn Bí và Tà Lang chỉ còn biết tiếng nói. Với chữ viết, lớp trẻ chưa bảo tồn được. "Trong thời gian tới, nên đưa chữ viết của người Cơ Tu vào trong giáo án của ngành giáo dục ngôn ngữ giống như môn Anh văn. Ðược biết sở chuyên môn đã có tham mưu UBND TP ban hành đề án, do đó cần ưu tiên lộ trình thực hiện", bà Hà nói.

Hiện nay, TP.Đà Nẵng có gần 5.000 người thuộc 28 thành phần dân tộc thiểu số. Trong đó, dân tộc Cơ Tu sinh sống tập trung tại thôn Tà Lang, Giàn Bí (xã Hòa Bắc), thôn Phú Túc (xã Hòa Phú) và một số ít ở xã Hòa Ninh (đều thuộc H.Hòa Vang). Mặc dù chỉ có gần 1.200 người (xếp thứ 2 sau dân tộc Hoa với gần 3.000 người) nhưng đồng bào Cơ Tu là dân tộc vẫn còn lưu giữ, bảo tồn và phục dựng được một số hoạt động văn hóa truyền thống đặc trưng.

Ðặt mục tiêu cụ thể đến năm 2030 có khoảng 60 - 70% công chức 3 xã Hòa Bắc, Hòa Phú và Hòa Ninh học và sử dụng tiếng Cơ Tu khi giao tiếp với cộng đồng người Cơ Tu, UBND TP.Ðà Nẵng đã yêu cầu khẩn cấp mở lớp dạy tiếng Cơ Tu cho giáo viên đang giảng dạy tại các trường học vùng đồng bào thiểu số. Ðáng chú ý, UBND TP.Ðà Nẵng cũng yêu cầu mở lớp dạy sử dụng chữ viết Quốc ngữ phiên âm tiếng Cơ Tu; sưu tầm, cấp phát sách, ấn phẩm liên quan đến tiếng nói và chữ viết của người Cơ Tu. Hiện nay, Viện Ngôn ngữ học VN và Sở KH-CN tỉnh Quảng Nam đã phối hợp và có nhiều công trình về chữ viết Cơ Tu, như từ điển Cơ Tu - Việt - Cơ Tu, sách học tiếng Cơ Tu (P'rá Cơ Tu), nghiên cứu hoàn thiện chữ viết Cơ Tu… Tuy nhiên, hiện bộ chữ viết và các tài liệu này chưa được sử dụng tại cộng đồng người Cơ Tu Ðà Nẵng.

Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, Sở KH-CN tỉnh Quảng Nam đã cấp giấy xác nhận kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học là cuốn P'rá Cơ Tu của tác giả Bh'riu Liếc (nguyên Bí thư Huyện ủy Tây Giang). Ông Bh'riu Liếc chia sẻ cuốn P'rá Cơ Tu có 2 phần. Trong đó, phần 1 kế thừa chữ viết Cơ Tu trước đây và thêm nguyên âm, phụ âm, dấu cho phù hợp thời đại ngày nay. "Bắt đầu học từ nguyên âm, phụ âm, tổ hợp phụ âm đến từ vựng, hội thoại Cơ Tu - Kinh. Học xong phần 1 (4 chương, 70 bài) người học có khả năng tiếp thu sẽ viết thông, đọc thạo, nói, dịch, cơ bản từ tiếng Cơ Tu sang tiếng Kinh và ngược lại", ông Liếc cho biết. (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.