Tại H.Nam Trà My có một phiên chợ sâm Ngọc Linh mở hằng tháng (từ ngày 1 - 3) trở thành "điểm hẹn" của người dân, du khách khắp nơi có nhu cầu mua sâm Ngọc Linh. Hiện nay, hệ thống kiểm định sâm Ngọc Linh vẫn chưa thể lắp đặt tại mỗi phiên chợ, thành thử việc đánh giá chất lượng phải dựa vào kinh nghiệm của một số người trong tổ kiểm định. Nghe có vẻ cảm tính, nhưng kể từ khi phiên chợ sâm Ngọc Linh ra đời, chưa thấy khách hàng nào phàn nàn chuyện mua nhầm sâm giả.
Với giá trị kinh tế cao mà sâm Ngọc Linh mang lại, không ít doanh nghiệp tự vẽ ra những "vườn sâm ảo" hay rao bán sâm Ngọc Linh giả trên mạng xã hội, lợi dụng thương hiệu quốc bảo sâm Ngọc Linh để trục lợi.
Đơn cử, Công an Q.Cầu Giấy (TP.Hà Nội) vừa gửi văn bản đến UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị hỗ trợ cung cấp thông tin 3 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có hợp tác với một công ty trong dự án trồng sâm Ngọc Linh. Bởi đơn vị đã tiếp nhận đơn tố giác của công dân rằng nhiều năm nay công ty này quảng cáo, giới thiệu về dự án trồng sâm Ngọc Linh tại Quảng Nam để kêu gọi nhiều cá nhân góp vốn, sau đó chi trả lợi nhuận cao. Tuy nhiên, sau khi nộp tiền, các nhà đầu tư không nhận được quyền lợi như cam kết.
Ông Trần Văn Mẫn, Phó chủ tịch UBND H.Nam Trà My, chia sẻ với người viết, hiện nay tỉnh Quảng Nam chưa có máy kiểm định chất lượng sâm Ngọc Linh, nên việc quản lý khá lúng túng. Tuy nhiên, từ trực quan và kinh nghiệm của đội ngũ thẩm định thì chỉ cần nhìn lá và củ, họ sẽ xác định được đâu là sâm giả, đâu là thật. Chính tổ thẩm định này đã góp sức cho mục tiêu bảo tồn, phát triển và giữ vững thương hiệu "quốc bảo" trong cộng đồng. Nhưng về lâu dài, nhà nước cần vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa để bảo vệ thương hiệu sâm Ngọc Linh.
Bình luận (0)