Đó là thông tin được chia sẻ tại Tọa đàm giải pháp ngăn chặn và xử lý sâm nhập lậu, bảo vệ người trồng sâm Việt Nam do Báo Nông thôn ngày nay tổ chức ngày 8.9, tại Hà Nội.
Theo chia sẻ từ các địa phương, sâm Ngọc Linh được trồng tập trung ở các tỉnh Quảng Nam, Kon Tum. Giá sâm Ngọc Linh loại 1 đang được giao dịch khoảng 300 triệu đồng/kg. Sâm Lai Châu (được trồng chủ yếu tại Lai Châu) cũng có giá lên tới 120 triệu đồng/kg.
Tuy nhiên, trong thời gian qua, nhiều tổ chức, cá nhân đang rao bán sâm Lai Châu, sâm Ngọc Linh với giá bán mỗi kg chỉ từ vài triệu đồng đến vài chục triệu đồng, đa phần đều là loại sâm giả mạo, nhập lậu từ Trung Quốc.
Đại tá Đỗ Đình Cường, Trưởng phòng Phòng chống ma túy và tội phạm (Bộ đội biên phòng tỉnh Lai Châu), cho biết từ năm 2021, đơn vị này đã phát hiện tình trạng nhập lậu sâm từ Trung Quốc về Việt Nam. Đến nay, Bộ đội biên phòng tỉnh Lai Châu đã khởi tố hình sự 2 đối tượng nhập lậu sâm từ Trung Quốc đưa về Việt Nam tiêu thụ với tang vật thu giữ 172,9 kg, được định giá là 246 triệu đồng.
Theo đại tá Cường, sâm Trung Quốc nhập lậu thực chất cũng là sâm Lai Châu nhưng được các đối tượng người Trung Quốc thu mua về để lai tạo. Sau đó, các đối tượng này lại tìm cách bán ngược trở lại thị trường Việt Nam.
"Chủ buôn Trung Quốc sẽ thống nhất giá cả với người mua phía Việt Nam, sau đó họ đóng sâm vào thùng thả trôi sông ở khu vực biên giới. Trong số những vụ việc bắt được hàng thả trôi sông, các đối tượng đều không ra mặt nhận hàng, tang vật thu giữ đều là hàng vô chủ rất khó xử lý", đại tá Cường nói.
Còn theo ông Nguyễn Đức Lê, Phó cục trưởng Cục Nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương), thống kê trong 8 tháng năm nay, qua giám sát và kiểm soát thị trường các địa bàn, lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện, xử lý 4.400 vụ việc vi phạm về mặt hàng sâm.
Không chỉ có các cửa hàng bán sâm củ giả, sâm nhập lậu, lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện thêm nhiều sản phẩm bánh kẹo, mỹ phẩm, dược phẩm mạo danh nguồn gốc sâm Ngọc Linh, sâm Lai Châu. Tuy nhiên, công tác kiểm tra, xử lý các đối tượng buôn bán sâm giả, sâm nhập lậu rất khó khăn khi phải làm giám định rất phức tạp.
Ông Lê cũng cho biết, sâm Trung Quốc nhập lậu về Việt Nam có nguồn gen giống sâm Việt Nam và chỉ khác ở quy trình sản xuất. Khi ở Trung Quốc, các loại thuốc, chất kích thích được sử dụng để sâm phát triển nhanh, sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Theo thông tin các cơ quan chức năng chia sẻ tại tọa đàm, thời gian qua đã phát hiện ở Lào Cai, Lai Châu có một số đầu mối nhập lậu sâm từ Trung Quốc, sau đó trà trộn, giả mạo nguồn gốc xuất xứ để thành sâm Việt Nam.
Trong số sâm nhập từ Trung Quốc bị phát hiện, bắt giữ, khi lấy mẫu đưa đi kiểm nghiệm thì phát hiện sâm nhập lậu có tồn dư thuốc bảo vệ thực vật gấp nhiều lần cho phép, thậm chí phát hiện cả những hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật đã bị cấm sử dụng ở Việt Nam.
Đại diện lãnh đạo địa phương có vùng trồng sâm Ngọc Linh, ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND H.Tu Mơ Rông (Kon Tum), kiến nghị các cơ quan chức năng kiểm soát chặt chẽ thị trường giao dịch mua bán sâm, ngăn chặn hàng giả, hàng nhập lậu ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Trong đó, cơ quan chức năng cần kiểm soát chặt chẽ các cơ sở, doanh nghiệp chế biến, phải chứng minh được hóa đơn, từ đó có thể truy ra nguồn gốc sâm để xử lý tình trạng mua bán sâm giả trên thị trường.
Bình luận (0)