Những người 'hành xác' vì chim di cư

Quang Viên
Quang Viên
25/03/2024 08:00 GMT+7

VN là một bến đỗ quan trọng của các loài chim di cư, và cứ mỗi khi đến mùa, lại có những người tình nguyện 'hành xác' vì chúng.

Những "tín đồ" yêu chim, mến chim thường mời tôi đồng hành đến các vùng có chim di cư. Những dịp như vậy, càng hiểu hơn tấm lòng đáng ngưỡng mộ của họ đối với chim di cư.

Vì sự sống còn của chim di cư

Một trong những người bị chim di cư "hành" nhất có lẽ là ông Nguyễn Hoài Bảo, chuyên gia điểu học, đại diện chương trình bảo tồn chim di cư tại VN của tổ chức quốc tế Birdlife International. Nói về chim di cư ở VN, hằng năm ông Bảo có thể đếm vanh vách bao nhiêu loài, số lượng và loài nào đang bị đe dọa ở cấp độ nào...

Những người 'hành xác' vì chim di cư- Ảnh 1.

Ông Nguyễn Hoài Bảo trong một chuyến đi khảo sát chim di cư

Quang Viên

Ít ai biết, hơn 13 năm qua, ông Bảo đã âm thầm làm đủ mọi cách vì sự sống còn của chim di cư. "Từ năm 2011, tôi và các cộng sự thực hiện những đợt khảo sát để xác định những loài chim di cư về vùng ven biển ĐBSCL", ông Bảo cho hay. Những năm sau đó, ông tổ chức những đợt khảo sát cho các tình nguyện viên và sinh viên nhằm giáo dục ý thức, nâng cao kiến thức về chim. Công ty Wildtour của ông Bảo còn tổ chức các sự kiện giáo dục bảo tồn chim di cư cho thiếu nhi. Từ năm 2019 đến nay, Wildtour phối hợp với Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM và Birdlife International thực hiện hàng loạt hoạt động bảo tồn chim di cư.

Những người 'hành xác' vì chim di cư- Ảnh 2.

Một trong những hoạt động bảo vệ chim di cư do ông Bảo và cộng sự thực hiện

Quang Viên

Suốt nhiều năm, ông Bảo và cộng sự âm thầm thực hiện một khối công việc khổng lồ vì sự sống còn của các loài chim di cư. Có thể kể đến giám sát quần thể các loài chim di cư ở VN; tìm hiểu nguyên nhân làm suy giảm quần thể chim di cư; tổ chức các sự kiện nâng cao ý thức bảo tồn chim di cư; cung cấp thông tin khoa học, đề xuất giải pháp bảo tồn, xây dựng tài liệu truyền thông nhằm hỗ trợ các cấp chính quyền, ban quản lý khu vực chim di cư; cung cấp thông tin khoa học cho cộng đồng các tổ chức bảo tồn quốc tế...

Họ lặn lội khắp vùng miền có chim di cư để vận động người dân tháo bỏ lưới bẫy chim, hoặc tự tay cứu chim dính lưới. Hành trình này đôi khi gặp những tình huống thật đắng cay. "Thấy vô số chim hoang dã dính bẫy lưới, chúng tôi đi gỡ thì bị thợ săn chim đuổi đánh. Có một thực tế đau lòng là người dân bẫy bắt công khai các loài chim hoang dã, trong đó có nhiều chim di cư, chim quý hiếm nhưng việc xử lý không phải lúc nào cũng kịp thời", ông Bảo nói.

Những người 'hành xác' vì chim di cư- Ảnh 3.

Ông Nguyễn Hoài Bảo vất vả gỡ lưới bẫy chim di cư

NVCC

Mới đây, chúng tôi có dịp đồng hành trong chương trình khảo sát, chụp ảnh chim di cư ở bãi biển Ba Tri và Bình Đại (Bến Tre) nhằm biên soạn tài liệu truyền thông bảo tồn. Sau buổi "lăn, lê, bò, trườn" trên các bãi sình dọc bờ biển Ba Tri và Bình Đại để tiếp cận đàn chim, ông Bảo và những "tín đồ" yêu quý chim di cư như chàng trai trẻ Nguyễn Vũ Sơn Kha hay anh Phùng Quang Hưng đều có chung tâm trạng lo lắng khi các loài chim di cư đến VN mỗi năm càng giảm dần. Sau những chuyến đi như vậy, tôi càng hiểu vì sao cứ đến mùa chim di cư là ông Bảo và những người thật sự vì sự sống còn của chim di cư bắt đầu hành trình "hành xác".

Ông Tây "lăn lộn" vì loài chim rất nguy cấp

Nhiều lần "bay" theo đàn chim di cư từ phương bắc xa xôi đến VN, nhưng có lẽ loài chim "ám" TS Callyn York (California, Mỹ) nhất là rẽ mỏ thìa (tên tiếng Anh là Spoon-billed Sandpiper). Đó là loài chim được xếp vào nhóm rất nguy cấp (CR, theo IUCN 2024). Theo thống kê, trên thế giới chỉ còn khoảng chưa tới 500 cá thể rẽ mỏ thìa. Rất thú vị, hằng năm loài chim bị đe dọa nghiêm trọng này vẫn "nhớ" ĐBSCL và có thể vẫn lẩn nấp đâu đó trong hàng chục ngàn cá thể chim di cư tại VN.

Những người 'hành xác' vì chim di cư- Ảnh 4.

“Lăn, lê, bò, trườn” cùng chim di cư

Hồ Phú Quý

Năm nay, địa điểm đi tìm rẽ mỏ thìa của Callyn York là bãi biển Tân Thành (H.Gò Công Đông, Tiền Giang). Vị giảng viên về hưu này thổ lộ nỗ lực tìm kiếm chim ở đây chủ yếu là để phát hiện rẽ mỏ thìa. "Đây là loài chim di cư ven biển quý hiếm và cực kỳ nguy cấp. Rẽ mỏ thìa đã bị suy giảm số lượng liên tục trong suốt 2 thập niên qua. Chúng cần được cấp thiết bảo vệ. Vì thế, tôi đến đây để tìm rẽ mỏ thìa và có những báo cáo chi tiết về nó", TS York chia sẻ.

Những người 'hành xác' vì chim di cư- Ảnh 5.

TS Callyn York (phải) đang cố gắng tìm kiếm rẽ mỏ thìa tại bãi biển Tân Thành

Để tìm được một cá thể rẽ mỏ thìa ở VN là một sự kỳ công, cộng thêm chút may mắn. Gần đây, "thánh tìm chim", biệt danh mà giới chụp ảnh chim hoang dã gắn cho Toby Trung, báo là có ít nhất 3 cá thể rẽ mỏ thìa ở bãi biển Tân Thành. "Ghi nhận thú vị đó mở ra cơ hội cho tôi tìm thấy chim", Callyn York hào hứng nói.

Những người 'hành xác' vì chim di cư- Ảnh 6.

Rẽ mỏ thìa, loài chim thuộc nhóm rất nguy cấp được phát hiện tại VN

Thuần Võ

Ngay sau khi đặt chân đến Tân Thành, ông đi dọc bờ biển để tìm nơi chim di cư tụ hội. Tuy nhiên, gió mạnh và thủy triều dâng cao đã tạm thời cản trở kế hoạch của vị TS người Mỹ. "Tôi hầu như không có được định hướng cụ thể để tìm ra chú bé đặc biệt này. Tìm được rẽ mỏ thìa với tôi là mục tiêu cao cả, là phần thưởng lớn. Nó giống như việc leo lên được đỉnh Everest mà không có người hướng dẫn và bình dưỡng khí bổ sung", York ví von.

Nhưng cuối cùng, sự kiên nhẫn của Callyn York đã được đền đáp với "phần thưởng lớn". Đó là khi một cá thể rẽ mỏ thìa lọt vào ống kính máy ảnh của ông. Ngay lúc đó, York cố nén cảm xúc mà xuýt xoa rằng: "Loài chim cứu sinh của tôi đây rồi!".

Những người 'hành xác' vì chim di cư- Ảnh 7.

TS Callyn York ghi chép cẩn thận về các loài chim di cư, đặc biệt là rẽ mỏ thìa

WILDTOUR cung cấp

Nói về những đóng góp của vị chuyên gia đến từ bên kia bán cầu luôn bị rẽ mỏ thìa "ám ảnh", ông Nguyễn Hoài Bảo cho biết: "Các khảo sát về chim di cư, đặc biệt là rẽ mỏ thìa của TS Callyn York tại VN luôn được ghi chép, đánh giá cẩn thận và sau đó ông sẽ có một báo cáo khoa học nhằm góp phần bảo vệ các loài chim di cư".

Mỗi năm, hàng chục triệu cá thể chim di cư bay qua hành trình kết nối các vùng đất ngập nước từ Đông Á sang châu Úc, trong đó có VN. Riêng khu vực ĐBSCL có nhiều loài chim di cư nằm trong Sách đỏ IUCN, bao gồm các loài thuộc nhóm nguy cấp và rất nguy cấp. Một trong những loài bị đe dọa nhất là loài rẽ mỏ thìa (Spoon-billed Sandpiper). Vào mùa chim di cư ở VN (khoảng từ tháng 9 đến tháng 4 năm sau), người dân săn bắt, đặt bẫy rất nhiều bằng lưới mờ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.