Những người làm mộc rong đất Hà Thành

25/12/2007 12:51 GMT+7

Đồ nghề là chiếc hộp gỗ, trong là đủ loại khoan, bào, đục, máy mài, trên nắp hộp gỗ thêm chiếc cưa cỡ nhỏ, được buộc ngay ngắn, cẩn thận sau yên chiếc xe gắn máy và chỉ chờ có ai tới gọi là sẵn sàng vù đi ngay...

Bóng dáng những người bách bộ sáng sớm cuối cùng dần khuất sau con phố Nguyễn Đình Chiểu, cũng chính là lúc tiếng rửa lưỡi cưa quen thuộc của những phó mộc vang lên - đánh dấu một ngày làm việc mới.

Anh Trần Văn Phúc (một trong hơn 70 thợ mộc, người làng Trịnh Xã, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam), người trụ lại lâu nhất với nghề mộc trên đất Hà thành (tính đến nay vừa tròn 20 năm), tự hào cho biết miền Bắc có ba nơi nổi tiếng với nghề mộc, đó là Đồng Kị ở Bắc Ninh, Hữu Bằng ở Hà Tây và cuối cùng là Trịnh Xá ở Hà Nam. Ở cái làng Trịnh Xá nhà anh, không người con trai nào là không biết cầm cái đục, cái cưa xẻ cây gỗ. 

Rồi anh Phúc trầm ngâm mồi điếu thuốc lá, giọng anh như nhỏ lại: "Bao năm xa nhà, lên Hà Nội kiếm ăn, cực nhọc, tằn tiện lắm cũng chỉ vừa đủ nuôi hai cháu ăn học. Có mấy khi dám hút Vina đâu. Phải hôm nào vui lắm mới dám hút một điếu. Chứ bình thường là toàn "bắn" Vĩnh Bảo, Tiên Lãng không thôi. Cả ngày ki cóp được trăm bạc. Rồi nào là tiền ăn, tiền thuê nhà trọ, tiền xăng xe, điện thoại đi động, tiền thuốc, nước... anh nào giỏi thì một ngày bỏ ống được 50.000đ, đến cuối tháng gửi về nuôi vợ, nuôi các con ở quê".

Dựng xe kế bên, anh Nguyễn Văn Nam, cũng có cả chục năm thâm niên trong nghề. Anh giải thích một cách khá tường tận về xuất xứ nghề mộc rong đất Hà thành: "Từ thời Pháp thuộc, các cụ ở làng tôi đã rời quê lên Hà Nội làm mộc. Ban đầu chỉ là những đôi quang gánh, dạo khắp phố phường, miệng rao "ai mộc đê". Rồi cái tên "mộc dạo" từ đó mà thành".

Bỗng điện thoại trong túi anh Phúc đổ chuông. Anh nhấc máy: "Alô. Dạ. Ở đâu ạ?", rồi hí hoáy ghi chép. Đoạn dúi mẩu giấy có địa chỉ vào tay anh Nam. Tiếng "phành phạch" của chiếc Wave Tàu, biển 90, khuất sau rặng cây.  

Thông thường, nghề mộc rong có việc quanh năm, nhưng nhiều hơn cả vẫn là những đận giáp Tết, hay mùa hanh khô. Anh Phúc cho hay: khi mùa hanh khô đến, "phố" mộc rong hội tụ hơn 100 tay mộc người làng Trịnh Xã đổ về đây làm ăn.

Vậy mà đôi khi, khách gọi điện anh em vẫn phải hoãn sang ngày hôm sau. Bây giờ gỗ họ làm công nghiệp, toàn ép với dán nên chỉ gặp mấy hôm mưa phùn là cứ trương tướng cả lên. Còn trời hanh, mộng giường, mép cánh cửa vênh như mặt bánh đa... không tài nào mà sập lại được. Chủ nhà gọi điện, mình tới đo đạc lại thật cẩn trọng, dùng cưa, đục, bào... làm mỏng đi vài li. Giá công mỗi lần chỉ từ 30 - 40.000đ. Còn thay bản lề, thay khoá núm cầm tay vặn ở cửa cánh gỗ lim, sến, táu, đinh hương, dổi thì giá công một lần là 70.000đ.

Tai nạn nghề nghiệp

Lớp trẻ khi vào nghề, vẫn được lớp người đi trước trên "phố" mộc rong chuyền tai chuyện anh Nguyễn Văn Thuỷ đi làm công cho một gia đình trên phố Huế. Sau cú phôn, anh Thuỷ mừng lắm. Gia đình nhà này có việc thay mới toàn bộ khung cánh cửa gỗ tạp bằng gỗ lim.

Sau quan sát thực tế, giá công được anh Thuỷ hoạch định là 700.000đ, đôi vợ chồng chủ nhà đồng ý. Trời chập choạng tối, công việc đã hoàn thành, ngồi uống nước đợi anh chồng về thanh toán tiền công, thì chiếc di động reo. Người vợ còn đang trong nhà tắm, nhờ anh đưa hộ. Anh Thuỷ đâu ngờ được rằng, đúng lúc này người chồng đạp cửa xông tới, mắt vằn lên, luôn mồm chửi thề. Còn chị vợ bỗng dưng lu loa, vu oan là anh đòi "ấy" chị ta... Kết cục, người mộc rong phải "bồi thường" cho người "bị hại" bằng đúng công một ngày làm thoả thuận khi sáng.

Rồi "lão làng" như anh Trần Văn Phúc mà có bận còn mất hết cả hòm đồ nghề. Bữa đó, anh Phúc tới sửa sàn gỗ cho một gia đình trong ngõ Chợ (phố Khâm Thiên). Mải lúi húi bấm chuông, đến khi chủ ra mở cửa, quay lại dắt xe vào sân, anh mới tá hoả phát hiện chiếc hòm đồ nghề đã không cánh mà bay.

Hay như anh Trần Văn Lợi, chân ướt chân ráo Hà Nội, đã nhận lời làm mộc cho những công trình đang được xây thô. Kết quả là ngay trong tháng đầu đã phải thay mới hòm đồ nghề: máy khoan, bào, mài, đục, máy cưa cầm tay... giá khoảng 5 triệu. Tính ra là lỗ nặng. 

Theo kinh nghiệm, cộng với sự hiểu biết của mình, anh Phúc cho biết: những loại máy cầm tay của các thợ mộc rong đều là máy chổi than. Còn tại các công trình trong thời gian xây thô lại rất nhiều cát, bụi. Cát, bụi bay bám vào chổi than, khiến máy hỏng rất nhanh. Tiền công cũng không đủ tiền mua máy mới.

Minh Sang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.