Những người lính nối đất liền với đảo xa

02/06/2011 18:07 GMT+7

Có mặt trong hải trình Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương (5.2011 do T.Ư Đoàn tổ chức), mới thấy các chiến sĩ trên tàu HQ 936, thuộc Hải đội 412, Lữ đoàn 162, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân thực sự là mắt xích quan trọng của cây cầu nối đất liền với đảo xa.

Người thì phụ trách lái tàu, người làm nhiệm vụ thông tin, vũ khí, cơ điện, hậu cần…, mỗi nhiệm vụ có những vất vả riêng. Trên khuôn mặt sạm đen vì nắng, gió biển của đại úy Ngô Đức Dũng - Thuyền trưởng tàu HQ 936, thường hiện lên ánh mắt lo lắng. Trách nhiệm, áp lực đảm bảo an toàn cho mỗi chuyến đi luôn đè nặng lên đôi vai tất cả các thủy thủ, nhất là người thuyền trưởng. Vì vậy mới có câu “thuyền trưởng ngủ nửa mắt”, ngủ mà như thức, ngủ mà vẫn phải biết tàu có đi đúng hướng hay không.

 Sau những ngày lênh đênh trên biển, tàu tới đảo Song Tử Tây, rồi Đá Nam, Sơn Ca, Đá Lớn, Đá Tây, Đá Thị, Phan Vinh, Len Đao, Đá Lát, Trường Sa Lớn, nhà giàn DK1/16. Trừ Trường Sa Lớn, để vào các đảo chìm, đảo nổi, nhà giàn đều phải di chuyển bằng xuồng hay ca-nô. Biển lặng, việc di chuyển thuận lợi. Tất cả thủy thủ ai nấy đều mừng khôn xiết, bởi rất hiếm khi thời tiết lại đẹp như vậy. Trong nhiều chuyến hành trình gặp bão, áp thấp nhiệt đới, sóng lớn, việc đưa người lên đảo, nhà giàn gặp rất nhiều khó khăn, nguy hiểm, có khi xuồng không thể cập bến.

 
Các thủy thủ đỡ thành viên hải trình xuống xuồng vào đảo - Ảnh: Minh Ngọc

 
Trung úy Trần Ngọc Bảy đang tập trung quan sát, lái tàu đúng hướng

 
Thuyền phó Nguyễn Thế Kỳ đang quan sát hải đồ (trái)

Cùng những chuyến hành trình ra quần đảo Trường Sa, các chiến sĩ hải quân trên con tàu HQ 936 còn thực hiện nhiều nhiệm vụ như cứu nạn trong bão, lụt… Chuyến đi cứ nối tiếp nhau. Có khi chuyến hành trình vừa kết thúc, 5 tiếng sau, tàu vừa kịp bơm thêm dầu và tiếp thêm nước ngọt, các thủy thủ lại tiếp tục lên đường làm nhiệm vụ. Sau những chuyến đi dài, các chiến sĩ trở về đơn vị, tham gia huấn luyện. Thời gian xa gia đình của các anh lên tới hằng tháng trời. Đại úy Đào Trọng Hiếu - Chính trị viên của tàu, mỗi năm chỉ về thăm gia đình tại Thái Bình một lần rồi lại vội vã lên đường. Đã 3 năm, trung úy Trần Ngọc Bảy không về nhà ăn tết, anh thường nhận trực tại đơn vị để “nhường cho những anh em trẻ chưa lập gia đình”.

 Niềm vui của các chiến sĩ trong những ngày dài lênh đênh trên biển là mỗi khi có sóng điện thoại, được chia sẻ, nghe giọng nói của người thân từ đất liền. Đại úy Nguyễn Thế Kỳ - Thuyền phó tàu HQ 936 vội vã gọi điện cho vợ hỏi thăm cô con gái nhỏ mới 10 tháng tuổi đã biết đi chưa. Trung úy Trần Văn Biên, thiếu úy Nguyễn Văn Quý thì động viên người vợ trẻ, người yêu đang ở nơi xa. Cô con gái của thuyền trưởng Dũng nhắc bố "ra đảo nhớ mang sao biển về cho con”.

 Đến từ những miền quê khác nhau, nhưng trên tàu các anh là một gia đình lớn, gọi nhau bằng những cái tên trìu mến như Hiệp gà, Biên xù, Tăng cối, Quý hoa bàng vuông, Dũng John cô đơn, Đoan ốc càng, Lâm pháp sư, Sự mama sư tõm, Bảy san hô đỏ, Hà cá cảnh… Cuộc sống của người thủy thủ luôn lạc quan, tràn ngập tiếng cười và không thể thiếu những vần thơ, câu hát. Bữa cơm người thủy thủ thiếu thốn nhưng lại chứa chan tình cảm, chia sẻ với nhau từng miếng ruốc, hạt đậu phộng, muối vừng mà vợ chuẩn bị trước khi lên đường. Tình cảm ấm áp của gia đình nơi đất liền, tình đồng đội chia ngọt sẻ bùi và hơn hết là niềm tự hào khi đến với đảo xa đã tạo nên sức mạnh giúp các anh hoàn thành tốt nhiệm vụ. Để ngày mai, các anh lại lên tàu đưa đất liền đến với Trường Sa…

Minh Ngọc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.