Những người mẹ miền biên viễn - Kỳ 1: Một nách, bốn con

17/02/2015 13:40 GMT+7

(TNO) Chồng bà Nguyễn Thúy Lan mất tích trong chiến tranh, có lúc còn bị cho là đã đầu hàng địch. Vượt qua muôn vàn khó khăn, mặc cảm, nghi kỵ, Lan đã nuôi dạy bốn người con thành người.

(TNO) Tháng 2, khi cái tết đang về với mọi nhà thì những người mẹ, người vợ miền biên viễn Lạng Sơn, Cao Bằng… lại khắc khoải với những ký ức của 36 năm về trước. Họ đã phải lặng lẽ đối mặt với thị phi, nghi kỵ để nuôi dạy con khôn lớn, khi những người cha, người chồng đã mãi mãi nằm lại nơi biên giới.

Những người mẹ miền biên viễn - Kỳ 1: Một nách, bốn conLS Nguyễn Ngọc Linh và bà Nguyễn Thúy Lan khi mới kết hôn
Kỳ 1: Một nách, bốn con
Chồng bà Nguyễn Thúy Lan mất tích trong chiến tranh, có lúc còn bị cho là đã đầu hàng địch. Vượt qua muôn vàn khó khăn, mặc cảm, nghi kỵ, bà Lan đã nuôi dạy bốn người con thành người.
Gian nan tìm chồng
Ngày 17.2.1979 khi quân Trung Quốc nổ súng tấn công toàn tuyến biên giới phía Bắc, gia đình bà Nguyễn Thúy Lan đang sinh sống tại thị xã Lạng Sơn. Chồng bà, đại úy Nguyễn Ngọc Linh lúc đó đang là chính trị viên đồn công an vũ trang Hữu Nghị quan.
Quen biết nhau từ khi cùng trong lực lượng công an, hai ông bà lập gia đình năm 1965. Sau khi kết hôn bà Lan chuyển ngành công tác tại Viện kiểm sát tỉnh. Năm 1979 ông bà đã đã có với nhau bốn mặt con: con trai cả 14 tuổi, con gái út 5 tuổi, giữa là con gái 12 tuổi và con trai 7 tuổi.
“Nay có tin nhà tôi đã chết, mai lại thấy đồn ông ấy đã đầu hàng địch và đang ở bên kia biên giới. Cứ như thế dằng dai mãi 3 - 4 năm không xác định được. Tôi đã bỏ nhiều công sức ròng rã mấy năm để tìm xem ông ấy đã hy sinh ở đâu, hài cốt còn lại ở chỗ nào mà đều không thấy”, bà Lan hồi tưởng.
Ba ngày sau khi chiến sự nổ ra, bà Lan quyết định gửi các con mình xuống Đồng Mỏ, cách thị xã gần 40 km để nhờ các đồng nghiệp trông nom giùm.
Những ngày sau đó khi pháo Trung Quốc đã bắn tới thị xã làm nhiều nhà cửa, trường học, trụ sở bị phá hoại nặng nề, bà Lan đã phải nhờ anh trai mình lúc đó đang công tác ở Hà Bắc (tức Bắc Giang ngày nay) đón các cháu đưa về quê, trừ cậu con trai cả.
Bản thân bà, với trách nhiệm của đảng viên duy nhất còn lại của cơ quan đã quyết định ở lại. “Khi Tàu đánh vào đây, ông Viện trưởng của chúng tôi đang về quê, cơ quan thì có rất ít người. Anh chị em chúng tôi đã động viên, đùm bọc nhau bám trụ đến khi địch phải rút hoàn toàn khỏi thị xã”, bà Lan kể lại.
“Ngay khi có tin chiến tranh tôi đã linh tính và xác định là chồng mình sẽ hy sinh vì ông ấy vốn là người rất gan dạ, có máu anh hùng”, bà Lan kể. Bà vẫn nhớ lần cuối ông về nhà cách đó mấy ngày diễn ra chớp nhoáng rồi ông lại quay lại đơn vị ngay vì lúc đó tình hình đã rất căng. “Đơn vị lại nhiều anh em chiến sĩ mới nên ông ấy nói không an tâm nếu vắng mặt”, bà Lan kể.
Suốt hơn một tháng trời từ khi súng nổ, bà hỏi thăm hết người này người kia cũng không hề nhận được tin tức gì của chồng.
“Nay có tin nhà tôi đã chết, mai lại thấy đồn ông ấy đã đầu hàng địch và đang ở bên kia biên giới. Cứ như thế dằng dai mãi 3 - 4 năm không xác định được. Tôi đã bỏ nhiều công sức ròng rã mấy năm để tìm xem ông ấy đã hy sinh ở đâu, hài cốt còn lại ở chỗ nào mà đều không thấy”, bà Lan hồi tưởng.
Điều làm bà Lan “phát khùng” trong những tháng đó là sau khi chồng mình mất tích bà vẫn được nhận chế độ, chính sách của chồng vào thời gian đầu. Nhưng vài tháng sau lại bị yêu cầu hoàn lại. “Lúc đó quá bức bách nên tôi đã phải lên cơ quan của chồng tranh cãi kịch liệt. Tôi nói tôi cũng là cán bộ nhà nước, một mình nuôi 4 đứa con, chồng không có tung tích mà lương nay cấp, mai lại bắt bồi hoàn tôi lấy đâu ra tiền nuôi con”.
Sống vì con

“Những năm 80 tình hình rất khó khăn, có những lúc nhà nước không có gạo, nhiều gia đình phải ăn sắn trường kỳ. Sắn xay ra thành bột, nắm từng nắm thả vào đun như bánh trôi. Năm mẹ con, mỗi đứa út ốm yếu quá nên được nhường phần cơm còn đâu tất cả phải ăn sắn…”, bà Lan rơm rớm nước nước mắt.

 

Tới năm 1983, Nhà nước có quyết định truy tặng danh hiệu liệt sĩ cho ông Nguyễn Ngọc Linh và sau đó tới 15 năm (1998) từ những thông tin chắp vá có được và bằng cả con đường tâm linh bà Lan mới tìm được phần hài cốt của chồng mình.
“Nơi tìm thấy ông ấy cách đồn Hữu Nghị khoảng dăm cây số. Có nhân chứng kể lại rằng ông cùng một số cán bộ đưa dân sơ tán qua khu vực đó. Khi nghe tin báo có địch ở phía trước ông ấy cùng mấy đồng đội đã đi trước mở đường. Sau đó người ta nghe thấy có nhiều tiếng súng nổ nên đoán là đã có giao tranh nên tứ tán cả. Từ lúc đấy không ai thấy ông nhà tôi nữa”, bà Lan kể.
Bà Lan cũng cho biết sau này nhiều anh em chiến sĩ cũ đã tự nguyện làm đơn đề nghị truy tặng danh hiệu Anh hùng cho liệt sĩ Nguyễn Ngọc Linh.
“Có một anh là cấp dưới của nhà tôi đã kỳ công đi gặp các nhân chứng thời kỳ đó để lấy xác nhận. Nhưng khi đưa về đơn vị thì được trả lời là không đủ cơ sở. Tôi cũng chưa được gặp trực tiếp những người có trách nhiệm để hỏi đủ cơ sở là như thế nào. Danh hiệu Anh hùng thì vinh dự thật nhưng cũng cũng không bù đắp được những mất mát của gia đình”.
Chồng mất, không có ai là thân thích ở Lạng Sơn, quê bà Lan ở Cao Bằng cũng bị địch tàn phá nặng nề nên gia đình 5 mẹ con tiếp tục bám trụ xứ Lạng. “Có thời điểm khó khăn quá tôi phải gửi tạm các cháu về quê nội ở Hà Nam nhưng rồi vì nhớ con nên sau 3 tháng tôi lại đưa các con về”.
Cuộc sống lúc đó là cực kỳ gian nan, biên giới vẫn căng thẳng, đồng lương cán bộ của bà Lan không đủ nuôi con nên cả gia đình phải xoay đủ thứ việc để kiếm sống. “Cứ vào thứ bảy, chủ nhật mẹ con tôi lại lên núi kiếm củi. Thằng con thứ ba của tôi lúc đó mới 8 tuổi nhưng đã biết trồng rau, mỗi sáng sớm đem bán”.
“Những năm 80 tình hình rất khó khăn, có những lúc nhà nước không có gạo, nhiều gia đình phải ăn sắn trường kỳ. Sắn xay ra thành bột, nắm từng nắm thả vào đun như bánh trôi. Năm mẹ con, mỗi đứa út ốm yếu quá nên được nhường phần cơm còn đâu tất cả phải ăn sắn. Anh chắc không hình dung ra được say sắn như thế nào. Thằng con lớn của tôi nhiều lúc đói quá ăn nhiều nên say quằn quại, nôn mửa khắp nhà. Say thế nhưng tỉnh dậy lại lên đồi làm…”, bà Lan rơm rớm nước nước mắt nhớ lại.
Lúc đó nguồn “viện trợ” duy nhất của mẹ con bà Lan là người anh trai đang công tác tại ở nhà máy đường Lục Ngạn (Hà Bắc). “Thỉnh thoảng ông anh tôi “tắc tế” cho năm mẹ con được hơn chục cân gạo, ít đường, ít nước mắm”.
Những người mẹ miền biên viễn - Kỳ 1: Một nách, bốn con 2Liệt sĩ Nguyễn Ngọc Linh tại lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng của đồn Hữu nghị quan năm 1978
 Những người mẹ miền biên viễn - Kỳ 1: Một nách, bốn con 3Gia đình liệt sĩ Nguyễn Ngọc Linh và bà Nguyễn Thúy Lan (khoảng năm 1976)
Những người mẹ miền biên viễn - Kỳ 1: Một nách, bốn con 5Bà Nguyễn Thúy Lan và các con cháu (Ảnh chụp năm 2012)
Những người mẹ miền biên viễn - Kỳ 1: Một nách, bốn con 4Bà Nguyễn Thúy Lan trong cuộc trò chuyện với PV Thanh Niên Online
Năm 1986 bà Lan xin nghỉ hưu rồi mở quán bán nước tại nhà. “Cũng nhiều người rủ đi buôn nhưng tôi không dám vì nghĩ đến tương lai các cháu. Ngày đó xã hội có cái nhìn rất ác cảm với người buôn bán lắm chứ không như bây giờ”.
Khi chúng tôi hỏi bà đã lấy đâu ra sức lực để vượt qua bao khó khăn, nuôi dạy con cái trưởng thành, bà Lan chỉ trả lời đơn giản “vì thương con”. Bà nói những ngày ấy mỗi lần nhìn các con bà lại chảy nước mắt.
“Lúc ấy tôi sợ nhất chuyện người ta đồn nhà tôi bị địch bắt rồi đầu hằng mà có thật thì tương lai các cháu coi như chấm hết. Nhất là giai đoạn ấy gia đình mà có người theo địch thì chắc không bao giờ ngóc đầu lên được. Tôi cũng may mắn vì các cháu thương tôi, nghe lời mẹ, từ bé đến lớn không đứa nào vi phạm điều gì”, bà Lan tâm sự.
Điều bà Lan trăn trở là người con trai thứ ba sau khi học hết lớp 12 đã vào quân ngũ rồi phục vụ trong lực lượng biên phòng nhưng không được phát triển. “Tôi day dứt vì ông nhà tôi là chỉ huy xuất sắc của một đơn vị từng hai lần được phong Anh hùng nhưng con lại không nối được nghiệp bố. Không rõ vì lý do gì mà cháu nhiều lần xin được đi học sĩ quan đều không được chấp thuận”.
Điều mà bà Lan tự hào là suốt hơn 30 năm gian khó một tay bà cuối cùng cũng lo được cho các con toàn vẹn. Con trai cả của bà Lan sau khi học xong lớp 10 đã thi đỗ vào ngành kiểm sát. Con gái thứ hai của bà thì nhất quyết chỉ vào công an chứ không theo ngành nào khác. Con gái bà hiện đã là mang quân hàm trung tá công an. Con gái út cũng nối nghiệp mẹ công tác tại Viện kiểm sát tỉnh.
“Trừ hai cô con dâu còn lại cả gia đình tôi đều là đảng viên. Tôi vẫn nói đùa với các con là nhà mình nếu thành lập một chi bộ cũng là hoàn chỉnh”, bà Lan cười.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.