Những người mẹ tuyệt vời

Thúy Hằng
Thúy Hằng
26/08/2018 07:53 GMT+7

Nhiều người mẹ tảo tần sớm hôm, bất chấp gió mưa, vượt mọi khó khăn lo cho con ăn học nên người. Và cũng có những người con dành tất cả tâm huyết, nỗ lực để làm cho cha mẹ hãnh diện và tự hào.

Tự hào vì mẹ là người bán nước vỉa hè
“Lúc nào tôi cũng tự hào nói với bạn bè rằng mẹ là người bán nước giải khát vỉa hè. Một cái xe nước của mẹ nuôi cả nhà 5 người. Nếu không có xe nước này, chẳng có tôi của ngày hôm nay”.
Đó là mở lời của Nguyễn Bá Huy (23 tuổi), sinh viên Trường ĐH Công nghệ TP.HCM. Dù tháng 9 này Huy mới tốt nghiệp ĐH, nhưng Huy đã là nhân viên chính thức một phòng khám quốc tế tên tuổi tại TP.HCM. Động lực của Huy chính là sức mạnh và niềm tin từ mẹ.
Mẹ Huy là  bà Nguyễn Thị Mai Thanh (50 tuổi, trú đường Huỳnh Văn Bánh, P.12, Q.Phú Nhuận, TP.HCM), từng là công nhân một công ty điện tử, đang bán nước trên vỉa hè đường Nguyễn Đình Chiểu, P.6, Q.3. Nhiều năm trời bà gồng gánh cả gia đình với 5 miệng ăn, trong đó có một mẹ già và hai người con trai đang tuổi ăn tuổi học. 15 năm trước, bà Thanh xin nghỉ việc công nhân để bươn chải ngoài đường với xe nước bán cà phê, nước cam… mong có thêm nhiều tiền hơn để lo cho tương lai của các con.
Huy vừa đi học vừa làm, ngày nào cũng về nhà lúc 22 - 23 giờ, sau đó cặm cụi tự học tiếng Anh y khoa. Mới đây, Huy được đề xuất vai trò trợ lý giám đốc phòng khám, tuy nhiên muốn có nhiều thời gian cho việc học, Huy chỉ nhận làm nhân viên. Hằng tháng, ngoài khoản tiền tự lo cho bản thân, tích lũy mua xe máy, điện thoại, máy tính, Huy đưa mẹ tiền đóng học phí cho em trai, mua quà cho bà ngoại và mẹ. Huy không thích nói những lời mỹ miều cho mẹ, anh muốn thực hiện bằng việc làm, ví dụ như bất chợt một ngày mời cả nhà đi ăn, tặng mẹ một chiếc điện thoại mới vì chiếc cũ bị mất cắp, giấu tiền khắp nơi trong nhà bếp để làm quà tặng mẹ... “Động lực lớn nhất để tôi cố gắng, đó là thoát nghèo, tôi không bao giờ muốn mẹ, ngoại và em tôi phải sống trong thiếu thốn”, Huy nói.
“Ngay từ nhỏ, tôi đã bảo mình phải làm chủ cuộc đời mình, đừng bao giờ đổ lỗi cho hoàn cảnh. Tôi thấy mẹ ngày nào cũng ra khỏi nhà từ 4 giờ sáng, dù nắng hay mưa cũng ngồi ở vỉa hè khói bụi, tay mẹ chai sần vì vắt cam, vác những bao nước đá, hộp cơm mẹ ăn lúc 1 - 2 giờ chiều khô khốc, nghẹn đắng. Mẹ lúc nào cũng cười với chúng tôi, nhưng nước mắt mẹ nuốt vào trong. Ai đó có thể ngại khi kể về mẹ mình không làm ông nọ bà kia, còn tôi, gặp ai tôi cũng tự hào khoe, mẹ tôi bán nước vỉa hè 15 năm rồi. Tôi tự hào vì được làm con của mẹ…”, Huy bộc bạch.
Con hãnh diện vì mẹ là nông dân
“Mẹ là một dải ngân hà. Con là giọt nước sinh ra từ nguồn. Tình mẫu tử luôn thiêng liêng cao cả, mẹ vất vả trăm đắng nghìn cay suy cho cùng tất cả cũng chỉ muốn dành cho con những điều tốt đẹp nhất. Khi tôi có gia đình, có con mới hiểu được những điều đó, mới thấm thía những gì mẹ vất vả làm cho mình như thế nào, nhưng tôi vẫn có sai lầm để làm mẹ tổn thương”, Vũ Thị Thanh Huyền (27 tuổi, giáo viên Trường tiểu học Dị Chế, xã Dị Chế, H.Tiên Lữ, Hưng Yên) bật khóc khi nhớ lại một ngày gần đây đã làm mẹ buồn và khóc. Lấy chồng xa nhà 20 km, nhưng mỗi khi nấu được món gì ngon, có trái cây gì trong vườn nhà chín, bà Phạm Thị Hương (48 tuổi) đều chờ con gái đến bằng được để con mang về.
Bà Hương không biết đi xe máy, quanh năm ngày tháng gắn bó với ruộng đồng, đi đâu cũng chỉ lọc cọc chiếc xe đạp. Nhớ về mẹ, Huyền nhớ nhất dáng người liêu xiêu trên chiếc xe đạp trên con đường làng nắng gắt. “Từ những ngày nhỏ, bạn tôi viết văn, hay nói mẹ của họ da trắng, môi đỏ, tóc đen mượt. Tôi luôn viết da mẹ rám nắng, tay mẹ chai sần, khô ráp. Mẹ là nông dân, chị em chúng tôi lớn trên hạt lúa, củ khoai mẹ cày cấy mỗi mùa”, Huyền chia sẻ.
Với Đồng Văn Hùng, sinh ra ở ngôi làng nhỏ trong xã Xuân Phương (H.Phú Bình, Thái Nguyên), người mẹ nông dân Dương Thị Cường (57 tuổi) là hình ảnh xúc động nhất của anh mỗi khi đi làm xa trở về. Hùng kể với các bạn về miền quê yên bình của mình, trong anh là những tâm tư về mẹ: “Lúc nào mẹ cũng luôn tay chân, khi đi gieo mạ, lúc đi rắc phân, đắp bờ, cho lợn gà ăn, băm bèo, nấu cám... Mồ hôi chảy dài trên tóc, trên má, mẹ không kịp vuốt. Tôi đi làm xa, chỉ còn một mình mẹ với ruộng vườn ở nhà, nói mẹ làm ít thôi không cực, mẹ bảo làm đã quen rồi, nghỉ thì buồn tay chân. Mẹ là cả tuổi thơ tôi”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.