Quả thế thật khi kế hoạch dự kiến chỉ cấp cứu khoảng 2,5 nghìn ca trong cả năm 2005 thì đến trung tuần tháng 11/2005, trung tâm đã cấp cứu hơn 5 nghìn ca; trong đó, khoảng 50% số ca cấp cứu là do tai nạn giao thông ! Song cũng thật đáng mừng khi cho đến hết năm 2005, trung tâm đã không để xảy ra những sai sót đáng tiếc, dẫn đến tử vong cho bệnh nhân cấp cứu.
Tuy nhiên, để góp phần giúp cho những con người đang ở giữa lằn ranh của sự sống và cái chết thoát khỏi hiểm nghèo trong một điều kiện còn nhiều hạn chế, hoàn toàn không đơn giản. Nếu so với Hà Nội, TP Hồ Chí Minh có đến 20 đầu xe cùng 5 kíp trực cấp cứu hay như Hải Phòng cũng có đến 14 đầu xe thì TTCC thành phố Đà Nẵng chỉ có 6 xe cấp cứu -có 1 xe đã quá cũ- và 2 kíp trực. Trong lúc đó, muốn đáp ứng tốt yêu cầu trong bối cảnh thành phố ngày càng mở rộng, trung tâm cần đến 10 đầu xe với khoảng 60 CB-NV làm nhiệm vụ cấp cứu. Chưa kể đến những hạn chế khác khi đến nay, trung tâm vẫn chưa có được một xe chuyên dụng hoàn chỉnh được đầu tư đầy đủ monitor, máy trợ thở, điện tâm đồ, máy shock điện...với giá trị hơn 1 tỷ đồng. Vì thế, để góp phần làm vơi đi những mất mát cho từng gia đình, từng con người, tập thể 35 CB-NV của trung tâm phải làm với tất cả lương tâm, sự nhiệt tình, trách nhiệm và lòng nhân ái...
Để giành lại sự sống cho người bệnh, đòi hỏi rất lớn lương tâm và trách nhiệm của cán bộ, y - bác sĩ TTCC |
Y sĩ Lê Thị Châu -điều dưỡng của TTCC- cho biết :”Tại các nước tiên tiến, điều quan trọng nhất trong điều trị là công tác sơ cứu ban đầu. Nếu cấp cứu chậm hoặc cấp cứu không đúng phương pháp -có thể khiến bệnh nhân bị những chấn thương kín- dẫn đến tử vong. Trong từng trường hợp cụ thể, chúng tôi cũng phải biết phân loại nạn nhân để có hướng cấp cứu phù hợp chứ không chỉ căn cứ những chấn thương bên ngoài”. Cho nên, trong bối cảnh phải “độc lập tác chiến” với điều kiện cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn, đòi hỏi từng CB-NV của trung tâm phải làm việc không chỉ với năng lực chuyên môn tốt mà còn có cả cái Tâm.
Điều đó lý giải vì sao CB-NV của trung tâm chưa bao giờ biết đến ngày lễ tết, như bao CB-CC của các ngành, các đơn vị khác. Cũng dễ hiểu khi chính những dịp lễ tết, số ca cấp cứu lại tăng lên đáng kể. Thế nhưng, với họ, niềm vui của bệnh nhân và gia đình người bệnh, cũng chính là niềm vui của chính mình mỗi khi một bệnh nhân cấp cứu vượt qua được cơn nguy kịch và phục hồi trở lại! Thậm chí, không ít trường hợp, những CB-NV của trung tâm từng bị chính gia đình bệnh nhân hoặc bệnh nhân phản ứng hết sức thô bạo. Với tâm niệm “hết lòng vì người bệnh”, tất cả lại chịu đựng, chỉ để hoàn thành nhiệm vụ một cách tốt nhất...
Đáng mừng, thành phố đã quan tâm và đầu tư từng bước để TTCC có một nơi làm việc tốt hơn, với các điều kiện cơ sở vật chất tốt hơn. Để “giảm tải” cho TTCC và cũng để hạn chế thấp nhất khả năng tử vong của người bệnh do không được cấp cứu kịp thời, đến nay, trung tâm đã được đầu tư 2 trạm cấp cứu vệ tinh tại quận Ngũ Hành Sơn và Liên Chiểu. Quan trọng hơn, hoạt động của 2 trạm vệ tinh này đạt hiệu quả rất tốt, góp phần giảm thiểu tối đa những mất mát của người dân nên rất được bà con ở các khu vực này ủng hộ.
Vì thế, trung tâm cũng mong thành phố đầu tư thêm 1 trạm cấp cứu tại Hòa Vang để có thể đáp ứng yêu cầu sơ cứu ban đầu cho người dân của các xã vùng ven Hòa Vang và quận Cẩm Lệ. Còn bây giờ, trong lúc chờ... thất nghiệp, CB-NV TTCC thành phố vẫn hối hả trên những con đường để cố gắng đến thật nhanh, góp phần quan trọng hạn chế những mất mát đáng tiếc của từng người dân. Dẫu rằng, họ vẫn nhận được quá ít sự tri ân từ những bệnh nhân vượt qua hiểm nguy và bình phục, từ tấm lòng và trách nhiệm của đội ngũ CB-NV TTCC thành phố Đà Nẵng...
Nguyên An
Bình luận (0)