Những người nhiều năm không biết đến tết

26/12/2022 09:00 GMT+7

“Tết không về quê được, vợ chồng mình chỉ loanh quanh luẩn quẩn trong cái phòng trọ bé tí, chờ đến mùng 3 người ta mở chợ thì coi như qua tết”. Vì khó khăn, anh Đình Trọng (Thái Bình) và nhiều người đành đón những cái tết “nhạt vị” như thế.

Nỗi chạnh lòng giữa tiếng pháo xuân

Chỉ còn ít ngày nữa là đến tết. Thời điểm này người ở khắp các thành phố đang vun vén những công việc cuối cùng, chờ ngày về sum họp cùng gia đình. Ấy vậy mà với không ít người, cái cảm giác nôn nao đếm từng ngày về quê ấy dường như chỉ còn là chuyện của nhiều năm trước. Họ là những người lao động xa quê vào TP.HCM làm ăn. Cuộc sống chạy ăn từng bữa, gánh gồng con cái khiến một tấm vé về quê đón Tết cũng trở nên “quá sức”. Cha mẹ già ở những vùng quê xa xôi cũng chỉ biết đau đáu ngóng trông mà không biết rõ “Tết nào con mới về”.

Từ Thái Bình vào Sài Gòn đến nay cũng đã 8 năm, anh Phạm Đình Trọng (36 tuổi) kinh qua đủ nghề trước khi gắn bó với công việc thợ hàn xì hiện tại. Công việc bấp bênh, lại thêm hai năm dịch khiến gia đình anh thiếu trước hụt sau. Ba năm rồi hai anh chị không dám về quê. Nghĩ đến tiền bỉm sữa, học phí mỗi tháng hơn 7 triệu đồng của hai đứa con, anh chị lại gạt ý định về quê sang một bên. Kể về những cái tết nơi phố thị của mình, giọng anh trầm hẳn: “Những tết không về quê, hai vợ chồng với hai đứa con cứ loanh quanh luẩn quẩn vậy thôi, chỉ ở trong phòng vậy thôi. Chờ đến mùng 3 Tết người ta mở chợ thì ra mua đồ ăn uống bình thường như ngày thường”. Ở quê bố mẹ anh gọi điện vào, mắt đỏ hoe: “Các con ở trong đấy cố giữ gìn sức khỏe, cố làm ăn rồi nuôi các cháu học, chứ tiền nuôi các con con còn không đủ thì lấy tiền đâu mà về tết”.

Trong lúc anh Phạm Đình Trọng tất bật tại công trường, vợ anh cũng đang miệt mài với những đơn hàng trong nhà máy

Ảnh NVCC

Chị Hoàng Thị Toan (44 tuổi, quê Nam Định) vào Sài Gòn từ hồi con gái. Hạnh phúc không may “đứt gánh”, chị một mình nuôi con gái ăn học bằng đồng lương công nhân chỉ 6 triệu/tháng của mình. Ngày con gái đậu đại học, chị phải đi vay chính sách để trang trải học phí cho con rồi mỗi tháng dành dụm một khoản trả lãi. Thoáng cái đã 10 năm không về quê ăn tết, mái tóc chị từ đen láy nay cũng đã điểm dấu thời gian. “Không chỉ Tết mà cứ mỗi lần có ngày lễ, mẹ em lại bảo nhớ ông bà”, con gái Đỗ Hoàng Ánh Linh của chị kể.

Đi sâu hơn một chút vào miền Trung là quê hương Hà Tĩnh của anh Nguyễn Văn Trị. Mới đó mà đã 7 năm người cha của ba đứa trẻ sống và làm công việc thợ cơ khí tại Sài Gòn. Ở quê, đứa con gái đầu của anh không may bị thiểu năng trí tuệ bẩm sinh. Lên 8 tuổi nhưng cháu vẫn cư xử như trẻ 1-2 tuổi, mẹ thử đưa đi học nhưng đến lớp là cháu quấy các bạn. Cô giáo cũng đành phải từ chối. Ở thành phố, anh Trị sống đơn độc trong căn nhà trọ chỉ vài m2 ở Bình Dương. Mỗi tháng lương 8 triệu, anh gửi 5 triệu về cho vợ nuôi con, chỉ để lại một ít trang trải. Đợt này kinh tế khó khăn, bị cho nghỉ không lương vào mỗi thứ 7 nên thu nhập mỗi tháng của anh bị giảm đến 1,5 triệu. “Nghĩ đến mấy đứa con và tiền vé về quê Tết này, em thực sự bế tắc”, anh Trị nói.

Để lại vợ và ba đứa con thơ ở quê, anh Nguyễn Văn Trị một mình vào Sài Gòn làm ăn

Ảnh NVCC

Sở Lao động - Thương binh - Xã hội TP.HCM ước tính, mỗi năm có khoảng 1 triệu người lao động chọn ở lại Sài Gòn, không về quê đón Tết. Chiếm phần lớn trong số này là công nhân, lao động làm việc trong các khu chế xuất và công nghiệp. Năm nay, trước tác động của suy thoái kinh tế khiến gần 128.000 lao động tại TP.HCM bị sa thải (số liệu tính đến tháng 10/2022), tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái, dự kiến lượng người không thể về quê ăn Tết còn nhiều hơn.

Đưa những người con trở về, để tết thêm trọn vẹn

Anh Trọng, chị Toan hay anh Trị chỉ là một trong số hàng trăm nghìn người lao động chọn cách “rời quê ra phố” để kiếm kế sinh nhai. Bình quân mỗi năm TP.HCM có thêm khoảng 200.000 dân có đăng ký chính thức, trong đó 2/3 là dân nhập cư từ nơi khác. Sự gia tăng dân số của TP.HCM cũng đồng thời để lại những “khoảng trống” trong lòng nhiều gia đình ở làng quê Việt Nam. Nhiều gia đình thiếu đi bàn tay của “trụ cột”, nhiều mái ấm bỗng chốc chỉ còn người già và trẻ nhỏ. Sự trống vắng ấy càng trở nên khắc khoải mỗi độ tết đến xuân về.

Theo vòng xoáy “cơm áo”, tết trở thành khoảng thời gian duy nhất trong năm để con cái trở về đoàn tụ cùng gia đình. Với những gia đình có con cái, vợ chồng đi làm ăn xa, ý nghĩa của tết bỗng chốc thu bé lại trong hai chữ “trở về”. Về nhà là món quà to lớn nhất mà những người tha hương dành tặng cho gia đình mình.

Với truyền thống sẻ chia, tương thân tương ái, các tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp tại TP.HCM cũng đang liên tục triển khai nhiều hoạt động ý nghĩa nhằm giúp người lao động có thể về nhà đón Tết Quý Mão cùng gia đình. Một trong số đó là chương trình “Mang Tết về nhà” 2023 do Trung ương Đoàn TNCS HCM tổ chức với sự đồng hành của PEPSI. Chương trình dành tặng 560 vé máy bay khứ hồi (trong đó có 360 vé nội địa và 196 vé quốc tế), 3.600 vé xe ô tô khứ hồi và các phần quà ý nghĩa cho đối tượng sinh viên, thanh niên công nhân, người lao động xa nhà có hoàn cảnh khó khăn về quê đón Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Chương trình “Pepsi Mang tết về nhà” được hưởng ứng nhờ tính thực tiễn và giá trị nhân văn

Cầm tấm vé với điểm đến là sân bay Đồng Hới, ngày bay 18.1.2023 (nhằm 27 tháng Chạp Âm lịch), anh Nguyễn Văn Trị nhớ đến đứa ba đứa con thơ, nhớ vợ và cha mẹ ở quê, giọng như chực trào nước mắt. “Em xin gửi lời cảm ơn đến chương trình, chương trình giống như cái phao cứu sinh của em. Đúng lúc em đang bế tắc vì không biết phải lo vé Tết này thế nào thì chương trình đã xuất hiện.

Tết này em chỉ đi tay không về thôi, chẳng mang gì cả, nhưng thế là đã mừng lắm rồi. Cả gia đình được bên nhau đã là món quà lớn nhất rồi”, anh Trị nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.