Những người... nuôi muỗi

17/11/2015 08:13 GMT+7

Nghiêng chiếc hộp nhỏ, một lớp bột mịn được trút xuống rải đều trên mặt nước trong, đám bọ gậy thong thả quẫy mình... thưởng thức bữa trưa.

Nghiêng chiếc hộp nhỏ, một lớp bột mịn được trút xuống rải đều trên mặt nước trong, đám bọ gậy thong thả quẫy mình... thưởng thức bữa trưa. 

TS Vũ Đức Chính (áo sọc) và cán bộ khoa côn trùng kiểm tra “sức khỏe” bọ gậy - Ảnh: Ngọc ThắngTS Vũ Đức Chính (áo sọc) và cán bộ khoa côn trùng kiểm tra “sức khỏe” bọ gậy - Ảnh: Ngọc Thắng
Thật ngạc nhiên khi được chứng kiến những con bọ gậy được chăm nuôi với chế độ dinh dưỡng đặc biệt. 
Dãy nhà ba tầng trong khuôn viên của Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng T.Ư được dành một khu riêng làm “trại” nuôi muỗi và côn trùng. “Được nuôi trong nước sạch, thức ăn hợp khẩu vị và nhiệt độ lý tưởng, lứa bọ gậy trưởng thành là muỗi khỏe mạnh sẽ dùng để phục vụ nghiên cứu, phòng chống dịch bệnh”, TS Vũ Đức Chính, Trưởng khoa Côn trùng của viện này cho biết.
Theo TS Vũ Đức Chính, muỗi được nuôi thường là loại có khả năng lây truyền các bệnh nguy hiểm, gây dịch lớn: sốt xuất huyết, sốt rét, viêm não Nhật Bản B. “Đáng ra, loại có hại như vậy chỉ tiêu diệt, chứ sao phải nuôi? Nhưng để diệt được thì phải nuôi chúng rồi thử nghiệm. Đơn giản như, để biết hóa chất diệt muỗi đáp ứng mức độ nào, cần điều chỉnh tăng giảm nồng độ ra sao để diệt muỗi có hiệu quả thì cần có muỗi để thử nghiệm chính xác”.
Các nhà côn trùng học phải nghiên cứu về sinh thái học, vòng đời, mùa sinh sản, tập tính hút máu của chúng, bởi vì hiểu chúng thì mới diệt chúng hiệu quả, ngăn lây truyền bệnh dịch.
TS Chính rất tường tận khi nói về “tính nết” của từng loại muỗi: muỗi Anopheles truyền bệnh sốt rét chuyên hút máu người vào ban đêm. Để diệt Anopheles cần phải xông hơi hóa chất là những vi hạt nhỏ bay lơ lửng trong không khí. Còn muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết thích tìm đốt người nhưng sống chủ yếu trong nhà. Muỗi vằn cái rất kén chọn, chỉ đẻ trứng ở nơi chứa nước sạch và buộc phải hút máu người, bởi vì phải “ăn” máu thì cơ thể mới hình thành trứng được.
Chìa tay cho muỗi “ăn”
Trong tự nhiên, muỗi vằn truyền sốt xuất huyết chỉ đẻ trứng ở nước sạch nên trong “trại” nuôi muỗi mọi điều kiện cũng phải đáp ứng tối đa. Những khay nước được sắp xếp riêng theo từng khu vực phù hợp để dành cho “sản phụ muỗi” đẻ trứng; khu dành cho bảo quản trứng muỗi ở điều kiện nhiệt độ phù hợp để chúng có thể cho ra đời những lứa bọ gậy khỏe mạnh.“Chúng tôi phải theo dõi tuổi của bọ gậy. Những bọ gậy trưởng thành được vớt ra, thả trong cốc nước nhỏ đặt riêng trong chiếc lồng vải quây kín. Khi chúng lột xác mọc cánh thành muỗi sẽ ở luôn trong đó, không thể bay xa”, chị Kim Oanh, công tác tại khoa côn trùng, chia sẻ và chỉ cho chúng tôi những đàn muỗi bám dày phía trong lồng vải.
Khi mới đưa từ tự nhiên về, muỗi chỉ thích hút máu người, bởi vậy nhóm nuôi muỗi thường thay nhau cho muỗi đốt. Sau một vài thế hệ mới thuần hóa dần dần bằng cách tập cho chúng hút máu chuột, gà thay thế.
TS Vũ Đức Chính đã có 30 năm gắn bó với nghề bắt muỗi, nuôi muỗi nên rất hiểu chúng. Ông kể: “Để bắt được muỗi truyền bệnh sốt rét, có khi cả mấy người ngồi trong đêm, quần xắn quá gối chờ muỗi đốt; ngồi từ tối đến sáng trong vài ba ngày để biết được thói quen sinh hoạt: giờ nào chúng đốt nhiều, hoạt động mạnh... từ đó có được giải pháp tiêu diệt hoặc phòng tránh hiệu quả.
Ví dụ, để tránh muỗi truyền sốt rét thì đêm nhớ nằm màn vì chúng chỉ đốt vào ban đêm. Trong khi đó, muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết thì hay đốt ban ngày, nhất là sáng sớm và chiều tối. Loài muỗi này rất tinh ranh và có vẻ thích màu tối, ưa “trú ngụ” ở quần áo sẫm màu, thậm chí quần áo bẩn có “hơi” người.
Nguồn muỗi được nuôi còn là phương tiện học tập cho các học viên từ việc nhận diện muỗi cái, muỗi đực đến phẫu thuật muỗi để biết rõ cấu tạo của chúng, thậm chí phải biết gây mê để thụ tinh nhân tạo cho muỗi cái rồi sau đó tạo môi trường phù hợp cho muỗi cái đẻ trứng.
“Nuôi, bắt muỗi sốt rét, sốt xuất huyết thực địa có thể bị đốt, bị truyền bệnh nhưng chúng tôi vẫn hài lòng với công việc bởi nó đóng góp cho nghiên cứu vì sức khỏe cộng đồng. Cũng từng có người mắc bệnh trong quá trình bẫy muỗi, nuôi muỗi nhưng chúng tôi biết bệnh, điều trị ngay nên không ngại nguy hiểm”, TS Vũ Đức Chính cho biết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.