Ngày Quốc tế Phụ nữ đã tới. Đây là dịp để giới đàn ông tôn vinh “nửa còn lại” của mình bằng những lời nói ngọt ngào và cử chỉ yêu thương nhất. Nhưng, ngay tại thủ đô vẫn có không ít phụ nữ lại... thờ ơ ngày của mình, bởi một lẽ họ còn vất vả mưu sinh. Họ là những người lao động từ quê ra thành phố.
Khu xóm trọ tồi tàn nằm sâu trong con ngõ Nguyễn Phúc Lai vẫn luôn im ắng như lâu nay. Ở đó là nơi ở của vài chục lao động nhập cư, trong đó có không ít nữ. Với họ, ngày 8.3 và những món quà, những lời ca tụng trở thành... xa xỉ mà họ chưa một lần dám nghĩ tới.
Chị Thắm - một lao động tại chợ đầu mối Long Biên - cho hay: “Ôi dào, chúng tớ kiếm chẳng đủ ăn, huống gì mà nghĩ đến, mà cũng chỉ nghe nói có ngày 8.3 dành cho phụ nữ, chứ thực tình cũng không biết cụ thể là ngày gì”.
Với những người đàn bà lam lũ nơi đất khách quê người, nhiều việc và những khoản thu nhập khá sau một ngày lao động chính là điều họ băn khoăn nhất. Dù việc có vất vả, nhưng niềm vui của họ chính là đôi phút nghỉ ngơi và sự an ủi khi cầm trên tay số tiền ít ỏi, thành quả lao động của chính mình.
Cả hai vợ chồng anh Nam đều là phụ hồ đến từ Hưng Yên - tâm sự: “8.3 năm ngoái, tôi mua cho vợ đôi ủng để cô ấy đi, cho vữa đỡ vào chân. Cô ấy vui, nhưng không biết tôi tặng vì lý do gì. Nhưng sau, cô ấy cằn nhằn tôi phung phí vì đôi ủng cũ vẫn còn vá vào đi được, với lại có mua thì để về quê mua, ở đây đắt”. Đôi vợ chồng trẻ cười xòa, còn chúng tôi thì thấy bùi ngùi.
Không hoa, không quà và thậm chí không biết ý nghĩa của ngày 8.3, những người phụ nữ vẫn hằng ngày sống, bươn trải nơi thị thành.
Loay hoay với gánh hoa giữa chợ từ sáng sớm, chị Nguyễn Thị Ánh - quê ở Phú Xuyên - đã có gần 20 năm gắn bó với gánh hoa bán rong trên phố. Chị chưa hề biết đến ngày 8.3, bởi từ khi lấy chồng, cuộc sống gia đình vất vả, rồi lại lo con cái khiến chị không thể có chút thời gian dành cho riêng mình. Hạnh phúc với chị là hằng tháng gửi tiền về cho hai đứa con đang tuổi ăn học. Trong những ngày lễ, đặc biệt là ngày 8.3, dường như chị đã quá quen với việc chào hàng để hoa của mình thật đắt khách chứ không dám nghĩ mình sẽ được ai đó tặng hoa một lần.
Với nét mặt rạng ngời chị kể, 8.3 với chị lại là ngày hạnh phúc vì khách đặt hoa, mua hoa đông hơn, dù phải thức khuya, dậy từ sớm để đi mua. Vất vả là thế, nhưng chị không giấu nụ cười: “Tuy cực thêm một tí, nhưng những dịp như thế này tôi có thể kiếm thêm đồng ra đồng vào để cho con ăn học, cũng vui lắm rồi”. Chị tâm sự thêm: “Năm nào cũng thế, những ngày này tôi đều bận đến tối mịt, chồng tôi tranh thủ chạy xe ôm, về sớm ra chợ phụ vợ, mãi đến 10-11h khuya mới lóc cóc chở nhau về”.
Không có niềm vui ngày 8.3 như chị Ánh, chị Lê Thị Trang - làm nghề bán hàng tạp hóa dạo - cho biết: “Vất vả lắm, một ngày đi rã chân cũng chỉ được vài đồng. Giờ mình chỉ mong bán được hàng, thế là niềm vui lớn nhất rồi”. Trên khuôn mặt khắc khổ của người đàn bà ấy, nụ cười nhẹ ánh lên niềm hy vọng khó nói thành lời.
Theo Lao Động
Bình luận (0)