"Thành công rồi". Đúng 19g ngày 5-1-2012, tất cả thành viên êkip phẫu thuật của Bệnh viện FV TP.HCM đồng thanh hét to. Họ không nén nổi niềm hân hoan tột độ sau khi hỗ trợ tốt cho bác sĩ McKinnon bóc tách thành công toàn bộ khối bướu 82kg ra khỏi cơ thể bệnh nhân Nguyễn Duy Hải.
|
Dàn nhạc công thầm lặng
Đôi tay của các bác sĩ Việt Nam rất khéo léo và uyển chuyển trước những tình huống khó trong phẫu thuật và chính điều ấy đã giúp họ phẫu thuật thành công những ca bệnh hiểm nghèo. |
||
BS Phan Văn Thái |
||
Nhưng nếu ví ca phẫu thuật như một buổi diễn của dàn nhạc giao hưởng thì thành công của nó không chỉ phụ thuộc vào tài năng của người nhạc trưởng mà còn của đội ngũ nhạc công thầm lặng.
Hỗ trợ đắc lực cho "đôi tay vàng" McKinnon là hai bác sĩ phẫu thuật người Việt, bác sĩ Phan Văn Thái và bác sĩ Nguyễn Quốc Thái. Hai bác sĩ cùng tên Thái được đích thân bác sĩ Gerard Desvignes - giám đốc y khoa Bệnh viện FV, chỉ định hỗ trợ chính cho bác sĩ McKinnon trong ca mổ kéo dài gần 12 giờ dựa theo năng lực chuyên môn và kinh nghiệm dày dạn của họ.
Theo những người trong nghề, đánh giá khả năng của bác sĩ phẫu thuật không dễ; chỉ những người mổ cùng êkip mới hiểu được tay nghề của nhau qua công việc.
Sau ca phẫu thuật, chính bác sĩ McKinnon phải thốt lên: "Trình độ chuyên môn của bác sĩ Việt Nam tốt quá!". Vị bác sĩ tài ba người Mỹ nói với Tuổi Trẻ rằng ông đã nhận được sự hỗ trợ không thể tốt hơn từ đội ngũ y bác sĩ tại Bệnh viện FV. "Họ thể hiện một tinh thần sẵn sàng học hỏi, chấp nhận rủi ro và thực hiện một ca mổ khó mà họ chưa bao giờ trải nghiệm trước đó. Đó là lý do mà ca mổ thành công" - vị bác sĩ Mỹ khẳng định.
Khi nhận được lời khen của chuyên gia phẫu thuật thẩm mỹ hàng đầu thế giới người Mỹ dành cho các bác sĩ, y tá Việt Nam, bác sĩ Phan Văn Thái - người có 14 năm kinh nghiệm trong nghề, sung sướng chia sẻ: "Được một phẫu thuật viên cùng êkip của mình đánh giá cao là đã cảm thấy vui, huống chi được một bác sĩ nổi tiếng như McKinnon ghi nhận thì càng cảm thấy tự hào".
Nhưng cũng phải hiểu rằng trước khi bước vào phòng mổ, nhóm bác sĩ, y tá Việt Nam đã chuẩn bị rất kỹ, dựa trên kỹ năng và kinh nghiệm bản thân. Bác sĩ Đào Thị Mỹ Vân - khoa gây mê hồi sức của Bệnh viện FV - cho biết với kinh nghiệm hơn 20 năm trong nghề, cô đã làm việc hết sức cùng êkip gây mê hồi sức của mình để không xảy ra sự cố. Bác sĩ Mỹ Vân nhắc lại: "Đội ngũ gây mê hồi sức toàn là bác sĩ người Việt, bao gồm ba bác sĩ gây mê và ba bác sĩ hồi sức. Thật sự trước ca mổ, êkip chúng tôi cũng có chuẩn bị rất cẩn thận nhưng không có nhiều thời gian vì bác sĩ McKinnon chỉ có mặt trong thời gian rất ngắn. Trước ca mổ, dù không dám nói ra, nhưng tụi mình chỉ tin tưởng gây mê thành công 50% thôi".
Chấp nhận thách thức
"Chúng tôi có thể tiên lượng những khó khăn về mặt kỹ thuật để tách bỏ khối bướu này, không ai trong các bác sĩ phẫu thuật ở FV có kinh nghiệm trực tiếp phẫu thuật khối u như thế này, nhưng họ đủ kiến thức để có thể hỗ trợ hiệu quả cho nhà phẫu thuật dày dạn kinh nghiệm như bác sĩ McKinnon", bác sĩ Jean - Marcel Guillon, tổng giám đốc Bệnh viện FV, nhớ lại.
Bác sĩ Guillon chia sẻ thêm: ngoài những khó khăn trong khi mổ, những vấn đề khác cũng có thể xuất hiện khiến các phẫu thuật viên bị áp lực. Nhưng ông thực lòng tin tưởng họ có thể chinh phục thử thách này bởi vì "đó là những bác sĩ có rất nhiều kinh nghiệm".
Theo bác sĩ Phan Văn Thái, cái khó của ca này so với các ca phẫu thuật khác là khối bướu không những lớn mà lại hiếm gặp nên từ kỹ thuật, quy trình, đến thao tác mổ, dù có dự trù tình huống trước cũng không thể làm nhanh và chuẩn xác như các ca đã quen thuộc.
Trước ca phẫu thuật, tập thể bác sĩ phẫu thuật, gây mê hồi sức và điều dưỡng phòng mổ đã cùng hội chẩn và bàn bạc với bác sĩ McKinnon. Không chỉ chuẩn bị cho các tình huống y khoa mà họ còn phải chuẩn bị khâu tổ chức cho riêng từng khoa để tất cả cùng phối hợp với nhau một cách nhịp nhàng.
Do khối u kích thước quá lớn nên bệnh viện phải ghép hai bàn mổ. Bàn mổ lớn hơn bình thường, số lượng dụng cụ cũng nhiều hơn hai lần nên việc sắp đặt trong phòng mổ cũng không đơn giản.
"Chúng tôi phải sắp đặt sao cho các phẫu thuật viên dù đứng ở hướng nào cũng tiện lấy dụng cụ phẫu thuật. Các bác sĩ khoa gây mê - hồi sức cũng phải chuẩn bị sẵn dịch truyền, máu và cả dụng cụ truyền máu hoàn hồi để tái sử dụng máu của bệnh nhân" - bác sĩ Phan Văn Thái nhớ lại.
Một khó khăn nữa là khối u quá lớn nên việc đặt tư thế và sát trùng cho bệnh nhân cũng khá khó khăn. Dù đã có tính toán trước, đội ngũ bác sĩ gây mê cũng phải mất hơn 30 phút mới hoàn tất khâu này, điều vốn rất đơn giản trong các ca phẫu thuật khác.
"Tuy nhiên, nhờ tài năng của bác sĩ McKinnon và sự phối hợp tốt của cả êkip, tất cả những điều này đã được kiểm soát tốt" - bác sĩ Thái tự hào cho biết.
|
Đam mê học hỏi
Bác sĩ Thái, người tốt nghiệp Trường đại học Y - dược Huế, cho biết ông không hề cảm thấy áp lực khi cùng làm việc với một trong những cây đại thụ về phẫu thuật tạo hình trên thế giới như bác sĩ McKinnon vì trước đó ông đã thường xuyên mổ cùng với hơn 20 bác sĩ người Pháp làm việc định kỳ tại Bệnh viện FV.
Tuy vậy, ca phẫu thuật cho bệnh nhân Duy Hải vẫn là một cơ hội học hỏi vô giá cho người làm nghề. Bác sĩ Thái chia sẻ: điều khiến ông ấn tượng nhất trong ca mổ anh Hải chính là kỹ năng tạo hình của bác sĩ McKinnon. Khi cắt khối u, bác sĩ Mỹ chừa lại một vạt da để khâu vào vết thương sau này. Sau khi khối u được cắt bỏ hoàn toàn, vạt da này đắp lên vừa khít diện tích cắt, rất hoàn hảo.
Bác sĩ Thái khẳng định cảm thấy rất may mắn khi học được cách xử lý một khối u khổng lồ, học được bản lĩnh của người bác sĩ trước một ca mổ khó cũng như cách tổ chức một ca mổ lớn. "Thật ra, những điều này một bác sĩ phẫu thuật đã được học và tôi luyện hằng ngày, nhưng trải qua lần hợp tác cùng bác sĩ McKinnon, tôi càng thấm thía hơn giá trị của nó" - bác sĩ Thái nói.
Theo Tuổi Trẻ
Bình luận (0)