Ngày càng có nhiều trường hợp trẻ chào đời sau khi cha/mẹ chết - Ảnh: Shutterstock |
Số trẻ ra đời bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo (IVF) đã tăng gấp đôi so với 10 năm trước. Bên cạnh việc mang lại niềm vui cho vô số gia đình hiếm muộn, kỹ thuật này đồng thời thách thức luật thừa kế di sản, đặc biệt trong trường hợp đứa con được thụ thai sau khi cha hoặc mẹ qua đời. Nghe qua có vẻ khá kỳ quặc, khi việc có con sau khi chết có thể trở thành tình thế khó xử. Và vấn đề muôn thuở ở đây vẫn là tranh chấp tiền bạc.
Nhà giàu lo lắng ai sẽ thừa hưởng gia sản sau khi mình lìa đời, trong khi các cá nhân ôm mưu đồ thì vác đơn kiện lên tòa với hy vọng gom góp được ít tiền thừa kế. “Chúng ta sẽ chứng kiến hoạt động này nhộn nhịp hơn hẳn trong thời gian tới, do các kỹ thuật mới đang được phát triển”, tờ The New York Times dẫn lời Sharon L.Klein, Giám đốc điều hành của Quỹ ủy thác Wilmington Trust. Bà cho hay ngày càng có nhiều phụ nữ ở độ tuổi cuối 20, đầu 30 tiến hành đông lạnh trứng để tập trung cho sự nghiệp và chờ gặp ý trung nhân thích hợp. Tuy nhiên, số trứng này có thể được dùng để thụ tinh ngay cả khi họ không bao giờ muốn chúng được sử dụng sau khi họ qua đời.
Luật pháp quy định rất rõ ràng: khi một tài liệu ủy thác không đề cập đến vấn đề này, con cái được sinh ra bằng kỹ thuật IVF cũng sẽ nhận được quyền thừa kế tương tự như con được thụ thai bằng phương pháp tự nhiên. Ví dụ, một người bệnh, trước khi tiến hành hóa trị làm vô sinh, sẽ hiến trứng hoặc tinh trùng với hy vọng sẽ có con sau đó. Tuy nhiên, trong trường hợp bệnh nhân này thất bại trong cuộc chiến với bệnh tật và không để lại di chúc đề cập đến việc sử dụng trứng/tinh trùng, người bạn đời có thể lấy vật liệu di truyền để có con. Hoặc một đôi vợ chồng sau khi có con nhờ vào IVF đã quyết định hiến số phôi chưa dùng đến cho một phụ nữ. Nếu họ bất ngờ trúng địa ốc và phất lên sau đó, đứa con sinh ra từ phôi hiến có thể đòi tòa chia một phần gia sản của cha mẹ sinh học, theo luật sư John M.Olivieri của White & Case.
Trên thực tế, tòa Mỹ đã tiếp nhận một số trường hợp liên quan đến những đứa con được sinh ra sau khi cha/mẹ sinh học đã qua đời, trong khi có nhiều vụ khác đã được dàn xếp một cách bí mật. Vào năm 2007, tòa án tại hạt New York đã ra phán quyết cho phép hai đứa trẻ được thụ thai - sau khi cha chúng chết - có tên trong danh sách thừa kế quỹ ủy thác do ông nội thành lập, tạm gọi là Martin B, để đảm bảo tài chính cho hai con trai và cháu nội nếu có. Vợ của ông Martin B, tức bà nội, đã bắt tay với con dâu (chồng đã mất) để đòi quyền lợi cho hai đứa cháu được sinh ra sau này, trong đó một đứa được thụ thai khi cha mất được 3 năm, và đứa sau vào năm thứ 5. Và họ đã thắng cuộc.
Trong trường hợp những đôi vợ chồng muốn hiến phôi thừa cho người bị vô sinh, giới luật sư Mỹ khuyên nên nêu rõ trong di chúc là vẫn còn phôi đông lạnh, nhưng trẻ ra đời từ các phôi đó không được quyền thừa kế bất cứ tài sản nào, đề phòng trường hợp rắc rối sau này. Vẫn còn nhiều vấn đề pháp lý liên quan đến những người thừa kế “bất ngờ”, có thể làm nảy sinh các tranh chấp nếu các bậc cha mẹ không lường trước được hậu quả từ chuyện đông lạnh trứng và tinh trùng.
Hạo Nhiên
>> Đột phá mới trong điều trị vô sinh
>> Nam giới và chứng vô sinh
>> Bất ngờ về vô sinh
Bình luận (0)