Những người trẻ khác biệt

29/07/2012 03:00 GMT+7

Thay vì thi vào một trường ĐH nào đó ngay sau khi tốt nghiệp THPT, nhiều bạn trẻ Việt Nam lại nghỉ một năm để làm những điều mình thích trước khi quyết định chọn ngành học cho tương lai.

Gap Year - một khái niệm phổ biến ở Anh, Mỹ và các nước châu u khác - vẫn còn rất mới mẻ đối với phần lớn học sinh Việt Nam. Gap Year chỉ khoảng thời gian 1 năm (thường là sau khi tốt nghiệp THPT), các bạn trẻ nghỉ ngơi sau 12 năm đèn sách, lắng nghe chính mình, làm những điều mình thích, thử những công việc mình cảm thấy thú vị, đi du lịch, tham gia các hoạt động xã hội, học thêm ngoại ngữ và bổ sung kiến thức thiếu hụt… để có lựa chọn phù hợp nhất trước khi nộp đơn vào ĐH.

Lâm Trần Nhật Uyển, học sinh vừa tốt nghiệp Trường quốc tế Nam Sài Gòn đã rất can đảm khi quyết định nghỉ một năm trước khi đi du học. Uyển cho biết: “Em đã suy nghĩ rất kỹ. Trong thời gian này, em sẽ thử làm một số điều em thích như học làm phim, thực tập tại một công ty nước ngoài để rèn luyện kỹ năng và ngôn ngữ, đi du lịch, học thêm tiếng Pháp và Ý”.

Những người trẻ khác biệt 
Học sinh tại TP.HCM được chia sẻ những trải nghiệm về Gap Year trong một buổi giao lưu với du học sinh Mỹ - Ảnh: Mỹ Quyên

 Uyển cho biết, khi cô quyết định chưa đi du học ngay, ba mẹ Uyển đã lập tức phản đối. Tuy nhiên, sau khi phân tích những lợi ích của kế hoạch này, Uyển đã được ba mẹ chấp nhận, không những thế còn động viên. “Nhìn thì có vẻ như em sẽ bị chậm một năm, thụt lùi so với một số bạn bè, nhưng không phải. Có nhiều bạn đang đi học mà phải bỏ ngang vì chưa thực sự biết mình muốn gì, như vậy mới là lãng phí, nhanh mà hóa chậm. Em nghĩ sau một năm trải nghiệm với những điều mình thích, em sẽ thực sự tìm được hướng đi phù hợp cho tương lai để theo đuổi nó đến cùng”.

Diêm Anh Thư, cựu học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, cũng quyết định nghỉ một năm trước khi tìm một trường ĐH ở Mỹ. “Em tham gia các chương trình của tổ chức du học sinh Mỹ và tình nguyện viên Liên Hiệp Quốc để rèn luyện các kỹ năng cũng như ngôn ngữ. Bên cạnh đó, em học thêm đàn organ, violon, tiếng Trung… Trước đây em chỉ biết học và học, hoàn toàn mơ hồ về cuộc sống sinh động ngoài kia. Một năm vừa qua thực sự quá tuyệt vời để em trải nghiệm cuộc sống, đến giờ thì em biết mình thực sự muốn gì và sẵn sàng cho cuộc sống tân sinh viên”. Cuối tháng 8 này, Diêm Anh Thư chính thức trở thành sinh viên của Trường ĐH Franklin & Marshall (Mỹ).

Mặc dù Gap Year thực sự rất hay, nhưng với môi trường học tập tại Việt Nam, hầu như bạn trẻ ít có điều kiện để thực hiện vì nếu nghỉ một năm đồng nghĩa với việc khó có cơ hội đậu ĐH vào năm sau, lý do là vì kiến thức rơi rụng. Chưa kể phụ huynh khó lòng chấp nhận cho con em có một năm “lêu lổng”. Thế nhưng với những bạn trẻ sống độc lập, làm chủ cuộc sống của mình, thì Gap Year trở nên vô cùng ý nghĩa.

Nhật Uyển hiện cũng đang thử sức ở vai trò truyền thông của Tổ chức VietAbroader, cho hay nhiều năm qua những du học sinh Việt Nam tại Mỹ vẫn quyết định có một năm thực sự lăn xả vào cuộc sống để sau đó tìm cho mình một lựa chọn phù hợp. Uyển nhận định, với những bạn trẻ có tính độc lập thì khoảng thời gian này sẽ giúp họ tự quyết định hướng đi cho tương lai chứ không phải làm những điều mà ba mẹ hay người thân muốn để rồi chán nản. “Nhiều bạn nghĩ nhà phải có điều kiện mới nghỉ được một năm như vậy. Nhưng không phải thế, chỉ cần bạn có kế hoạch, thì không có nhiều tiền vẫn có thể “gap year” với rất nhiều hoạt động bổ ích và làm được những điều bạn mong muốn” - Uyển chia sẻ. 

Mỹ Quyên

>> Tấm lòng tri ân từ người trẻ
>> 66% người trẻ lạc quan về một tương lai sung túc
>> Các nguy cơ sức khỏe đối với người trẻ trị khỏi ung thư
>> Người trẻ làm công bộc của dân: Mang đổi thay đến vùng cao
>> Người lớn làm tổn thương người trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.