Hãy thôi chỉ nói những câu khẳng định
Sinh ra trong một gia đình khó khăn, từ nhỏ tự mày mò học tập, ước mơ lớn nhất của ba mẹ Đào Xuân Lộc (du học sinh tại Trường ĐH Griffith, Úc) là con được vào đại học, thế nhưng, Lộc quyết định bỏ ngang đại học giữa chừng để thử thách mình ở một chân trời mới, đi du học.
Từ đó Lộc làm thêm, tự mày mò học tiếng Anh và giành học bổng toàn phần để đi du học bên Úc.
“Mình nghỉ học, ba mẹ phản đối quá chừng, nhưng mình thấy nếu thiếu tiếng Anh thì không làm được gì hết, và chân trời ngoài kia có quá nhiều điều để một thằng bé tỉnh lẻ như mình trải nghiệm và học hỏi. Thế là mình quyết tâm bứt phá và thay đổi bản thân. Và cũng đơn giản là mình thích thử thách bản thân, thích những điều mới mẻ”, Lộc nói.
Cũng từ đó, Lộc nhận ra thế giới đang ngày càng thay đổi, robot lao động chân tay giỏi hơn cả con người. Mỗi người trẻ cần phải chủ động sáng tạo, bứt phá bản thân.
“Các bạn hãy vượt qua vùng an toàn, vì “vùng đất” này hạn hẹp lắm, lúc nào chúng ta cũng được bao bọc bởi gia đình, người thân, bạn bè. Hãy nghĩ những điều mà mình chưa dám nghĩ, và hãy làm những điều mình chưa từng dám làm. Các bạn hãy thôi chỉ nói những câu khẳng định, như là mình sẽ không làm được, tuyệt đối không làm được, là ba mẹ ngăn cấm không cho mình làm. Những bạn chịu thử thách bản thân, chịu bước ra khỏi vùng an toàn thì luôn đặt những câu hỏi và kết thúc với dấu chấm hỏi. Câu hỏi sẽ giúp các bạn đi tìm câu trả lời và sẽ tự bứt phá chính bản thân mình”, Lộc chia sẻ.
|
Giới hạn chỉ là nhất thời
Thời đại công nghệ thay đổi nhanh như chớp mắt, thế nhưng cũng có những bạn trẻ lại thờ ơ với công nghệ, sợ và ngại những công nghệ mới. Tại sao?
“Các bạn không thay đổi, không bứt phá để đón đầu công nghệ thì không phải là các bạn đang giậm chân tại chỗ mà vô tình khiến mình đi thụt lùi”, Lê Yên Thanh (24 tuổi, Nhân tài đất Việt 2015, Gương mặt trẻ tiêu biểu toàn quốc 2015, chủ nhân của nhiều ứng dụng công nghệ vì cộng đồng).
“Mình chọn Blockchain là công nghệ mới và vẫn còn ở giai đoạn sơ khai, việc nghiên cứu công nghệ này là một điều khó khăn và mạo hiểm vì không có nhiều người đi trước cũng như tương lai của công nghệ này vẫn còn phải được củng cố, do đó khi là một trong những người nghiên cứu Blockchain sớm, mình phải tự nói với bản thân rằng đây thực sự là thách thức lớn và rất dễ gặp thất bại. Nhưng khi càng nghiên cứu thì càng thấy được tiềm năng phát triển của công nghệ này. Điều đáng mừng là những thành công bước đầu đã được công nhận và góp phần giải quyết những vấn đề nhức nhối của xã hội”, Thanh chia sẻ.
Yên Thanh khẳng định: “Ai cũng có giới hạn của mình nhưng giới hạn chỉ là nhất thời và có khả năng cải thiện được. Ít người biết được giới hạn thực sự của bản thân cho đến khi gặp khó khăn, và khi đó mới có cơ hội để vượt qua giới hạn của mình. Do đó, mình đồng ý với việc cứ bắt tay vào làm thật nhiều và không sợ thất bại thì mình sẽ càng tốt hơn. Mình chọn con đường nguy hiểm vì mình chấp nhận thử thách và biết mình vẫn có thể sửa chữa nếu thất bại, đó là lý do mình chọn khởi nghiệp và làm những công nghệ mới mà chưa ai nghiên cứu. Chịu bứt phá là cơ hội để mình đi trước, dẫn đầu và phát triển bản thân”.
Hãy dám hành động
Là một cô gái, chọn đi du học ngành nano tại xứ người, Trần Hoàng Hải Yến (du học sinh tại Trường ĐH Paris Sud, Paris Saclay, Pháp) cho rằng đấy là một thử thách rất lớn của bản thân.
“Ở nước mình chưa có những công nghệ máy móc tiên tiến để nghiên cứu và học ngành này tốt được. Qua đây mọi thứ đều phải làm lại từ đầu, tiếng Pháp không biết mấy chữ, tiếng Anh chuyên ngành thì khác xa tiếng Anh giao tiếp, khó khăn càng nhiều thì càng phải thách thức bản thân để vượt qua vùng giới hạn”, Yến nói.
Theo Yến, bản thân có thể chịu được những thách thức một phần vì gia đình nghèo khó: “Vì nhà mình nghèo nên mới nỗ lực hết mình để săn học bổng, và nỗ lực để bứt phá vượt qua mọi thử thách, đạt được những điều mình mong muốn”.
Yến cho rằng mỗi bạn trẻ đừng nên đặt mình vào những nơi, công việc mà có quá ít thử thách hay quá viên mãn. Như thế, chúng ta sẽ không còn động lực để bứt phá bản thân mình.
“Trong thời buổi hiện nay, công nghệ, cuộc sống thay đổi trong nháy mắt. Nếu ta chỉ là ta, chỉ bình bình mỗi ngày như vậy thì ta tự đi tụt lùi rồi. Mình thấy người trẻ bây giờ không chỉ dám ước mơ nữa mà hãy dám hành động. Mọi thứ đừng để chỉ nằm trong suy nghĩ, trong dự tính, vì biết đâu những gì chúng ta mới nghĩ là người khác đã làm và đã trở thành lạc hậu với thế giới này rồi”, Yến nói.
Yến cho rằng nếu bản thân không dám thử thách, không dám bứt phá mình thì giờ Yến đã không vượt qua được hình ảnh một cô gái yếu đuối, hoàn cảnh gia đình khó khăn mà đến được chân trời mới với nhiều kiến thức và trải nghiệm mới.
“Và để tương lai mình về nước, cống hiến những gì mới mẻ nhất, hiện đại nhất cho quê nhà, như dự định mà mình luôn ấp ủ”, Yến quyết tâm.
Hãy khiến mình kiệt sức
Lê Đình Hiếu (ảnh) (tốt nghiệp thủ khoa Trường ĐH California, Los Angeles (UCLA , Mỹ), Forbes Under 30 năm 2016, sáng lập Học viện G.A.P và là gương mặt trẻ tiêu biểu toàn quốc 2018) cho rằng các bạn trẻ hiện chưa hiểu được bản thân mình muốn gì, có thể kết nối được với thế giới ảo hằng ngày nhưng lại gặp khó khăn trong việc kết nối với chính mình. Khi không hiểu bản thân muốn gì, cần gì rồi cuộc sống cứ trôi qua như thế mà không thể nào bứt phá để thành công.
Một nguyên nhân nữa Hiếu cho rằng là rào cản rất lớn của người trẻ đó chính là chưa thật sự khiến bản thân mình kiệt sức. Các bạn đến lớp với sách vở, tài liệu có sẵn mà thiếu đi thói quen tự tìm hiểu, tự học tập và cập nhật thông tin mới. Dẫn đến tâm lý chủ quan, ỷ lại và làm mọi thứ ở mức độ “nhàn nhàn”, thiếu khát khao, quyết liệt, bứt phá, đổi mới và chưa dám ra khỏi vùng an toàn để tiếp cận, gia nhập vào thị trường lao động.
|
Bình luận (0)