Những nguy cơ mất thị trường xuất khẩu

25/07/2007 00:29 GMT+7

6 tháng đầu năm 2007, kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 22,54 tỉ USD, tăng 20% so với cùng kỳ nhưng chỉ đạt 48% mục tiêu kế hoạch cả năm. Thêm hàng loạt vấn đề về chi phí, dư lượng kháng sinh, thủ tục hành chính... khiến bức tranh xuất khẩu năm 2007 chưa sáng sủa. Đó là vấn đề được đưa ra trong Hội nghị giao ban xuất khẩu 6 tháng đầu năm do Bộ Thương mại tổ chức tại TP.HCM ngày 24.7.

Xuất khẩu 6 tháng đầu năm không đạt chỉ tiêu bởi nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của VN bị giảm kim ngạch tăng trưởng. Đầu tiên phải kể đến gạo. Trong 6 tháng đầu năm, gạo VN xuất khẩu đã giảm 5% về giá trị, 18% về lượng so với năm 2006. Hầu hết các thị trường chính của gạo VN đều bị giảm mạnh, cụ thể: Nga (giảm 75%), Cuba (giảm 67%), Nam Phi (giảm 58%), Nhật Bản (giảm 52%), Philippines (giảm 44%), Trung Quốc (giảm 40%). Gây thất vọng không kém là xuất khẩu giày dép, một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực lâu năm của VN nhưng tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng này chỉ đạt 11%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra là 21%.

Nguyên nhân của sự mất "phong độ" này là do các vụ kiện chống bán phá giá khiến cho thị trường EU, thị trường chính chiếm tới gần 80% trong tổng kim ngạch toàn ngành giảm xuống chỉ còn khoảng 50 - 60%. Tương tự, 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng cao su đã giảm 3% so với cùng kỳ năm 2006 dù cao su luôn là ngành thế mạnh trong xuất khẩu của VN. Theo bà Trần Thị Thúy Hoa, Tổng thư ký Hiệp hội cao su VN, kim ngạch giảm ngoài nguyên nhân sản lượng xuất khẩu thấp còn do chất lượng cao su kém hơn so với các nước khác khiến giá cao su VN thấp hơn các nước khác từ 4-10%...

Vấn đề cấp bách và "nóng" nhất được đưa ra chính là chất lượng xuất khẩu. Ông Nguyễn Thành Biên, Thứ trưởng Bộ Thương mại cho rằng, đây không chỉ là vấn đề của DN mà của cả quốc gia và cần được cảnh báo, nếu không nguy cơ này sẽ làm mất thị trường xuất khẩu của VN, đặc biệt là nông sản và thực phẩm. Sau vụ 63 DN VN vi phạm về quy định an toàn vệ sinh thực phẩm khi xuất hàng vào Nhật, đến nay vẫn chưa có biện pháp hiệu quả để ngăn chặn dư lượng kháng sinh với hàm lượng cao trong thủy sản xuất khẩu. Không chỉ thủy sản, theo giám đốc một DN, tạp chất trong cà phê VN xuất khẩu hiện nay chiếm tới 1% trong khi các nước khác chỉ dưới mức 0,5%. Với tỷ lệ này, hàng VN không thể cạnh tranh với các nước khác. Chủ tịch Hiệp hội cà phê - ca cao VN Văn Thành Huy cho rằng, việc áp dụng tiêu chuẩn VN đưa ra nhiều năm nay nhưng không triển khai dẫn đến những hậu quả ngày hôm nay. Để khắc phục tình trạng này, phải kiên quyết làm sớm, lên lộ trình thực hiện cụ thể để áp dụng cho vụ cà phê mới. 

Ngược lại, cũng có trường hợp hàng chất lượng cao cũng... làm khó cho DN chúng ta. Ông Đỗ Hà Nam, Hiệp hội hồ tiêu VN cho biết hồ tiêu VN đang gặp khó khăn chính vì chất lượng quá cao so với yêu cầu thị trường. Khác với châu u và Mỹ, thị trường Trung Đông và Tây Á thích loại hồ tiêu chất lượng thấp trong khi loại này VN không sản xuất. Kết quả là hồ tiêu có chất lượng cao phải "biến đổi" thành thấp theo yêu cầu của khách hàng ở Trung Đông và Tây Á, nếu không 50% nhà máy sản xuất hồ tiêu chất lượng cao của VN phải ngưng sản xuất. 

Chưa hết, gần đây giá cước tàu biển tăng mạnh đã gây khó khăn cho việc thuê tàu của DN trong nước cũng như các nhà nhập khẩu. Chi phí tăng, chất lượng hàng hóa thấp nên theo các chuyên gia, để đạt được 48 tỉ USD kim ngạch xuất khẩu năm 2007 như mục tiêu đề ra cần có sự nỗ lực lớn của các bộ, ngành và các DN trong 6 tháng cuối năm.  

Hà Khanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.