Những 'nhà giáo đặc biệt' bày tỏ suy nghĩ với lãnh đạo Bộ GD-ĐT

Vũ Thơ
Vũ Thơ
14/11/2024 16:18 GMT+7

Tại chương trình gặp mặt của lãnh đạo Bộ GD-ĐT với các nhà giáo trẻ tiêu biểu tham gia Chương trình 'Chia sẻ cùng thầy cô' và các Nhà giáo trẻ tiêu biểu cấp T.Ư, các nhà giáo trẻ đã bày tỏ suy nghĩ của mình.

Chiều 14.11, tại Hà Nội đã diễn ra buổi gặp mặt của lãnh đạo Bộ GD-ĐT với các nhà giáo trẻ tiêu biểu tham gia Chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" và các Nhà giáo trẻ tiêu biểu cấp T.Ư lần thứ 4, năm 2024. Tham dự chương trình có anh Nguyễn Minh Triết, Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội Sinh viên Việt Nam; bà Nguyễn Thị Kim Chi, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT.

Truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ

Phát biểu tại buổi gặp, anh Nguyễn Minh Triết đã thông tin về chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" và Giải thưởng Nhà giáo trẻ tiêu biểu cấp T.Ư lần thứ 4, năm 2024.

Theo anh Nguyễn Minh Triết, Chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" (do T.Ư Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ GD-ĐT, Tập đoàn Thiên Long và các đơn vị khác tổ chức) không chỉ dừng lại ở việc ghi nhận những đóng góp của các thầy cô mà còn tạo nên một làn sóng cảm thông và chia sẻ rộng khắp.

Những 'nhà giáo đặc biệt' bày tỏ suy nghĩ với lãnh đạo Bộ GD-ĐT- Ảnh 1.

Anh Nguyễn Minh Triết phát biểu tại chương trình

ẢNH: PHAN LINH

"Thông qua chương trình, những câu chuyện về lòng tận tụy của các thầy cô nơi vùng sâu, vùng xa đã lan tỏa đến mọi miền đất nước, từ thành thị đến nông thôn. Sự đồng cảm của xã hội đối với những thách thức mà các thầy cô phải đối mặt đã giúp thắt chặt hơn tình cảm và sự gắn bó giữa cộng đồng và ngành giáo dục. Đây là một minh chứng cho thấy sự nghiệp giáo dục không phải là công việc đơn lẻ của mỗi nhà giáo mà là trách nhiệm chung của toàn xã hội", anh Nguyễn Minh Triết nói.

Anh Nguyễn Minh Triết cũng cho biết, Giải thưởng "Nhà giáo trẻ tiêu biểu" (do T.Ư Đoàn tổ chức), không chỉ là sự ghi nhận đối với thành tích cá nhân mà còn khuyến khích tinh thần tiên phong, đổi mới của đội ngũ nhà giáo trẻ trong thời đại mới. "Cả hai chương trình đã thực sự trở thành nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho không chỉ các nhà giáo hiện tại mà còn cho những thế hệ nhà giáo tương lai", anh Nguyễn Minh Triết chia sẻ.

Những 'nhà giáo đặc biệt' bày tỏ suy nghĩ với lãnh đạo Bộ GD-ĐT- Ảnh 2.

Anh Nguyễn Minh Triết và bà Nguyễn Thị Kim Chi chủ trì buổi gặp mặt

ẢNH: PHAN LINH

Phát biểu tại chương trình, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Kim Chi cho biết, rất ấn tượng với chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" và Giải thưởng "Nhà giáo trẻ tiêu biểu" do T.Ư Đoàn, T.Ư Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tổ chức.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi, 2 chương trình không chỉ đúng với nhiệm vụ, trách nhiệm của T.Ư Đoàn mà còn có ý nghĩa lớn lao đối với lực lượng cán bộ, giáo viên trên tất cả các địa bàn. "Nhiệm vụ giáo dục ở vùng sâu, vùng xa và những trường chuyên biệt còn nhiều thử thách, thiếu thốn, bất cập nên cần hơn hết những nhà giáo tiên phong, lĩnh xướng nhận nhiệm vụ đó", Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi nói.

Những 'nhà giáo đặc biệt' bày tỏ suy nghĩ với lãnh đạo Bộ GD-ĐT- Ảnh 3.

Bà Nguyễn Thị Kim Chi phát biểu tại chương trình

ẢNH: PHAN LINH

Đồng thời, bà Nguyễn Thị Kim Chi đánh giá cao Tập đoàn Thiên Long đã tài trợ và đồng hành cùng chương trình; mong muốn chương trình có sức lan tỏa mạnh mẽ, để sẽ có hàng ngàn, hàng vạn nhà giáo trẻ tiêu biểu được chia sẻ và tuyên dương.

"Nhiệm vụ trồng người không thể tách rời với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc"

Chia sẻ tại chương trình, thiếu tá Hoàng Thị Ngọc Xuyến (Trường giáo dưỡng số 4, Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, Trường giáo dưỡng, Bộ Công an), cho biết rất xúc động khi được tuyên dương trong chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" lần thứ 10, năm 2024.

Những 'nhà giáo đặc biệt' bày tỏ suy nghĩ với lãnh đạo Bộ GD-ĐT- Ảnh 4.

Các nhà giáo trẻ tham gia chương trình gặp mặt Bộ GD-ĐT

ẢNH: PHAN LINH

"Chúng tôi là những người thầy, người cô đặc biệt ở các trường giáo dưỡng. Là những người giáo viên công an nhân dân, lần đầu tiên được vinh danh trong chương trình. Công việc của chúng tôi là quản lý, giáo dục, chăm sóc đối tượng là trẻ vị thành niên có hành vi vi phạm pháp luật, trong độ tuổi từ 12 đến dưới 18. Ở độ tuổi còn rất nhỏ như vậy nhưng các em trước khi vào trường đã có những hành vi gây nguy hiểm cho xã hội như: giết người, hiếp dâm, trộm cắp, buôn bán và tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma tuý, gây rối trật tự công cộng...", thiếu tá Xuyến nói.

Những 'nhà giáo đặc biệt' bày tỏ suy nghĩ với lãnh đạo Bộ GD-ĐT- Ảnh 5.

Thiếu tá Hoàng Thị Ngọc Xuyến nêu suy nghĩ tại chương trình

ẢNH: PHAN LINH

Theo thiếu tá Xuyến, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình giáo dục các em, nhưng họ luôn nỗ lực, cố gắng để giúp các em có những sự thay đổi về nhận thức, tu dưỡng, học tập và rèn luyện sớm trở thành những người công dân lương thiện, hữu ích cho xã hội.

Anh Nguyễn Đình Thông, Đội trưởng vận động quần chúng (Đồn Biên phòng Tuyên Bình, Bộ đội Biên phòng tỉnh Long An) cho biết, với vai trò là một người lính mang quân hàm xanh và đồng thời là một giáo viên công tác tại nơi biên giới của Tổ quốc, nơi có nhiều khó khăn, thử thách, anh hiểu rõ hơn ai hết về ý nghĩa và giá trị của giáo dục đối với những vùng xa xôi của Tổ quốc.

Những 'nhà giáo đặc biệt' bày tỏ suy nghĩ với lãnh đạo Bộ GD-ĐT- Ảnh 6.

"Thầy giáo quân hàm xanh" Nguyễn Đình Thông chia sẻ tại chương trình

ẢNH: PHAN LINH

Theo anh Thông, trên những vùng biên giới xa xôi, việc học tập đối với các em học sinh là một hành trình đầy khó khăn và thử thách. "Nhưng chính trong hoàn cảnh ấy, chúng tôi - những người lính biên phòng - nhận thức rõ hơn bao giờ hết rằng nhiệm vụ "trồng người" là một phần không thể tách rời của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Giáo dục nơi biên giới không chỉ góp phần phát triển tri thức cho các em học sinh, mà còn là sợi dây gắn kết giữa nhân dân và những người lính, là nền tảng để xây dựng một biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định và phát triển", anh Thông chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.