|
Cùng say mê hóa học nên Quách Diệu Ái, Khuất Minh Trí và Hồ Nguyễn Nguyên Hồ đã ấp ủ ý tưởng này từ rất lâu. “Thấy nhiều người lấy ngò gai nấu nước uống trị bệnh cảm, ho, hoặc xát lên mình để hạ sốt nên chúng em muốn thử trích ly tinh dầu từ lá ngò gai để xem có khả năng trị bệnh như mọi người nói không”, Ái cho biết.
Suốt 6 tháng, Ái, Trí, Hồ đã mượn Phòng thí nghiệm Hóa hữu cơ của Khoa Sư phạm (Trường ĐH Cần Thơ) để tiến hành nghiên cứu. Do đang trong giai đoạn cuối cấp, vừa học chính khóa buổi sáng vừa ôn thi học sinh giỏi, luyện thi đại học buổi chiều nên các em phải chia nhau đến phòng thí nghiệm. “Việc trích ly lấy tinh dầu phải qua nhiều công đoạn, từ 0,5 kg lá ngò gai chỉ được 0,25 ml tinh dầu. Trong suốt thời gian thực hiện đề tài này, chúng em đã sử dụng tổng cộng 70 kg ngò gai”, Trí cho biết.
Nhờ sự hỗ trợ của cô Lê Thị Hoàng Yến, giáo viên dạy hóa của trường, sau khi trích ly được tinh dầu, các em gửi mẫu đến Trung tâm dịch vụ phân tích thí nghiệm TP.HCM để xác định 13 chất trong tinh dầu phù hợp với lý thuyết đã đề ra. Sau đó, tiếp tục thử hoạt tính sinh học của tinh dầu này tại Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên - Viện hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam (Hà Nội). Kết quả cho thấy, tinh dầu ngò gai kháng được 7 loại khuẩn và có khả năng trị được các bệnh, như: cảm mạo, ho, ăn không tiêu, hôi miệng, sởi, tưa lưỡi… Đặc biệt, lần thử nghiệm này còn phát hiện ra tinh dầu ngò gai kháng được nấm C.albicans, loại nấm gây ra bệnh phụ khoa, có thể ứng dụng để sản xuất dung dịch vệ sinh phụ nữ. Để tăng thêm tính ứng dụng của đề tài, các em đã gửi tinh dầu ngò gai đến Xí nghiệp dược Hậu Giang nhờ tạo thành viên nén trị ho; đồng thời tự tiến hành pha dung dịch nước súc miệng tại phòng thí nghiệm của trường.
Đề tài “Trích ly tinh dầu từ lá cây ngò gai thuộc họ thực vật hoa tán” đã mang đến cho nhóm nghiên cứu này giải ba tại Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học năm 2014 khu vực phía Nam, vừa được tổ chức tại TP.Cần Thơ.
Hương Giang
Bình luận (0)