Chữa bệnh thối rễ cho tiêu
Đào Hiền Nhân giờ đã có đến 2 bằng đại học nhưng lại chưa một ngày học nghề cơ khí, chế tạo máy. Sinh năm 1972, lớn lên ở vùng quê lúa Hòa Thắng, huyện Phú Hòa (Phú Yên), Nhân tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp II ngành trồng trọt, rồi học tiếp Quản trị kinh doanh. Mẹ mất sớm, vất vả mưu sinh, có thời gian, Nhân cùng người em sang tận Campuchia để mua phụ tùng xe máy về lắp ráp, bán buôn để thêm tiền “gánh” mấy đứa em từ quê vào Sài Gòn ăn học. Khi trở về quê nhà, chính cái “khúc” lắp ráp xe máy trước đó lại trở nên đắc dụng với chàng trai này.
Bắt tay vào chăm sóc vườn tiêu của gia đình, Nhân nghĩ ngay đến việc tại sao không chữa bệnh thối rễ cây tiêu ngay từ rễ bởi cách trị bệnh thối rễ lâu nay chỉ phun thuốc trên thân và lá, có nơi dùng nước phun xối để lộ rễ lên rồi phun thuốc vào trị bệnh... rất tốn kém, hiệu quả thấp. Giữa năm 2007, Nhân bắt tay vào mày mò thiết kế máy đưa thuốc trực tiếp xuống rễ để trị bệnh cho tiêu. Đầu tiên, anh dùng các ống kim loại vát nhọn xuyên xuống đất, rồi dùng bình bơm tay “tiêm” thuốc cho rễ tiêu; nhưng ngặt nỗi “kim tiêm” lại bị nghẽn do đất nhét vào. Nhân vắt óc suy nghĩ và thay đổi hàng loạt cách thức, tốn kém bộn tiền để mua vật liệu thử nghiệm nhiều lần; cuối cùng thì phương án dùng các ống kim loại nhỏ để đệm trong “mũi tiêm” tỏ ra ổn nhất. Và hình thức “tiêm rễ” này còn được Nhân áp dụng luôn cho việc bón phân thẳng cho rễ, tiết kiệm đến hơn một nửa lượng phân bón gốc. Bởi cách bón phân cho gốc tiêu lâu nay là dùng cuốc đào hào quanh rễ, bỏ phân, lấp đất lại; cách làm này thường bị đứt rễ, dễ bị sâu bệnh xâm nhập và lãng phí một lượng lớn phân bón cho... cỏ ăn trong khi phân sau khi bón một thời gian, đào lên xem thử thì vẫn còn nguyên hạt.
Một đúc kết “xương máu” nữa của Nhân là phải ngâm loãng phân trong các thùng kín nhiều ngày để phân “lên men dễ tiêu” cho cây và cùng với việc phun - chích thuốc trị bệnh đúng lúc, đúng liều. Thành công này đã giúp vườn tiêu của Nhân nhanh chóng “dứt điểm” bệnh thối rễ và rệp sáp, tiết kiệm lớn lượng vật tư nông nghiệp mỗi vụ.
Chưa dừng lại ở đó, trước nỗi vất vả của người làm công khi phải mang hết bình thuốc rồi đến bình phân trên vai để phun cho tiêu, Nhân lại tiếp tục nghiên cứu “độ” lắp các bình, ống phun thuốc -phân có phễu định hướng cho thân lá, ống “tiêm” phân - thuốc trực tiếp cho rễ... vào hệ thống áp lực của máy nổ, có bộ phận điều khiển cầm tay; tất cả đặt lên một chiếc xe gắn động cơ nhỏ để người làm công vừa lái xe vừa phun vừa “chích” phân, thuốc cho tiêu. Nhân lý giải: “Phải bám sát từng giai đoạn của cây tiêu, từng loại bệnh mà cho “ăn” phân-thuốc đúng lúc, vừa đủ liều lượng thì cây mới cho năng suất, chất lượng sản phẩm cao nhất. Cho “ăn” thiếu hay thừa cũng đều... mất ăn. Chiếc máy này hỗ trợ tối ưu cho chuyện đó...”.
Sáng tạo - đổi đời
Máy chăm sóc cây đa năng chính thức được Nhân hoàn chỉnh vào cuối năm 2007. Rất nhiều nông dân và chuyên gia nông nghiệp đã tìm đến Sơn Thành Tây để tận mắt xem chiếc máy này và đều tỏ ra vô cùng tâm đắc. Ông Võ Văn Hòa, một người trồng tiêu thâm niên ở Tây Hòa - Phú Yên, nhận xét: “Nhân sáng chế cái máy này rất đắc dụng với dân làm trang trại chúng tôi. Không chỉ với cây tiêu mà còn có thể áp dụng rộng rãi cho việc trồng các cây công nghiệp khác như cà phê, cao su,... hay cà chua, đu đủ, sắn, bắp, cây cảnh... đều hiệu quả tất. Làm nông nghiệp giai đoạn thứ gì cũng “lên” mà tiết kiệm được trên 90% vật tư, nhân công như vầy thì... quá đã”.
Theo tính toán sơ bộ của một cán bộ Viện Nghiên cứu cây công nghiệp Tây Nguyên, nếu chiếc máy này được đưa ra ứng dụng rộng rãi thì nước ta có thể giảm nhập khẩu mỗi năm hàng triệu tấn phân bón, góp phần nâng cao lợi nhuận đáng kể cho ngành sản xuất nông nghiệp...
Đào Hiền Nhân đang tiến hành đăng ký sở hữu trí tuệ đối với máy chăm sóc cây đa năng, và sẵn sàng chia sẻ sáng chế này với những ai quan tâm (ĐT:0913.823.252). |
Hùng Phiên
Bình luận (0)