Những nhà sáng chế không bằng cấp: Nông dân sẽ không đơn độc

28/08/2009 08:21 GMT+7

Ông Triệu Văn Hùng - Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường (Bộ NN và PTNT) - đã có cuộc trao đổi với Thanh Niên về loạt bài “những nhà sáng chế không bằng cấp”. Ông Hùng nói:

Theo dõi loạt bài Những nhà sáng chế không bằng cấp đăng trên Báo Thanh Niên trong nhiều ngày qua, tôi thực sự khâm phục và trân trọng những thành quả lao động bền bỉ, sáng tạo của người nông dân. Đa số họ không được đào tạo bài bản, chưa có lý thuyết về cơ khí và chế tạo máy, nhưng từ bức xúc trong công việc hằng ngày của nhà nông mà đã mày mò, chế tạo thành công nhiều loại máy góp phần làm tăng năng suất lao động, giải phóng sức người.

Ngoài khả năng sáng tạo, đức tính cần cù, đôi bàn tay tài hoa, những “nhà tạo máy chân đất” này còn rất bền chí, dám “liều lĩnh” biết chấp nhận để vượt qua thành kiến của dư luận xung quanh, đôi khi là của chính vợ con mình. Bản thân họ phải có niềm tin mãnh liệt về sản phẩm sẽ tạo ra trong tương lai nên mới quyết tâm theo đuổi.
 
Ông Triệu Văn Hùng - Ảnh: Ngọc Thắng

Những “đứa con” mà người nông dân “đẻ” ra là một nguồn cung cấp các công cụ, máy, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp phong phú, đa dạng, có tính ứng dụng tốt cho từng địa phương, từng vùng. Các loại máy móc này thường tương đối đơn giản, dễ làm, giá rẻ nên phù hợp với túi tiền của bà con nông dân.

* Thưa ông, những người nông dân không bằng cấp khi chế tạo máy rất cần nhận được sự giúp đỡ của nhà khoa học. Nhưng thực tế họ vẫn đang đơn độc?

- Công bằng mà nói, trên thực tế, thỉnh thoảng chúng tôi vẫn được tiếp những “nhà khoa học chân đất” ngay tại phòng làm việc của mình để nghe họ nói về những ý tưởng táo bạo. Một số ý tưởng của nông dân đã được các nhà khoa học chỉnh sửa cho chuẩn mực về kỹ thuật, hoạt động rất hiệu quả. Tuy nhiên, máy móc, giải pháp khoa học của các nhà khoa học đến với nông dân chủ yếu thông qua kênh khuyến nông, khuyến công, nhưng sự đặt hàng của nông dân, bao gồm cả nhu cầu được giúp đỡ về mặt kỹ thuật khi chế tạo máy móc nông nghiệp đối với các nhà khoa học lại chưa đi theo con đường này một cách chính thức. Sự hợp tác giữa các nhà khoa học với nông dân có ý tưởng chế tạo máy, giải pháp khoa học, cách làm hay mới chỉ mang tính tự phát, chưa đem lại những kết quả như mong muốn. Thực tế thì nông dân thực sự cần sự giúp sức từ các nhà khoa học, trong khi đó một số nhà khoa học của ta lại chỉ muốn làm những cái gì họ mạnh. Vấn đề là phải chia sẻ thông tin, xác định người có nhu cầu thực sự và có cơ chế để kết nối đúng địa chỉ và phối hợp hiệu quả.

* Cụ thể, khi có ý tưởng, nhu cầu, nông dân cần liên hệ với ai, cơ quan nào để nhận được sự giúp đỡ?

- Nếu có ý tưởng cụ thể, bà con nông dân có thể gửi đến Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường (Bộ NN và PTNT, số 2 Ngọc Hà, Q.Ba Đình, Hà Nội), tùy từng ý tưởng, chúng tôi sẽ chuyển cho các chuyên gia xin ý kiến tư vấn, nếu ý tưởng là hợp lý và có triển vọng sẽ yêu cầu các nhà khoa học, các viện nghiên cứu (ví dụ như Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch) hoặc các đơn vị nghiên cứu khác của Bộ hỗ trợ, hoặc xây dựng thành các đề tài nghiên cứu chính thức. Nông dân cũng có thể gửi đến Sở Khoa học và Công nghệ của địa phương mình đang sinh sống. Cán bộ của Sở này sẽ biết đơn vị nào có thể hỗ trợ được nông dân. 

Nói vậy nghe có vẻ đơn giản nhưng thực tế, sự tiếp cận thông tin của người dân về những chủ trương, thậm chí cụ thể hơn là danh sách các đề tài, dự án chế tạo máy, hoặc danh sách các máy mới, công cụ mới vẫn được chúng tôi cập nhật trên mạng và các tạp chí khoa học là rất hạn chế. Đúng là sắp tới, chúng ta cần phải tạo ra cơ chế phù hợp để nông dân có cơ hội chuyển tải ý tưởng của mình đến được với cơ quan nhà nước, các nhà khoa học và họ sẽ không còn đơn độc trên con đường chế tạo máy đầy khó khăn nữa.

* Dư luận cho rằng, hiện các nhà khoa học còn nợ nông dân khi chưa chế tạo nhiều loại máy đáp ứng nhu cầu đa dạng của họ. Xin ông cho biết ý kiến của mình về vấn đề này?

- Tôi cho rằng, các nhà khoa học đã cố gắng rất nhiều và đã cho ra đời nhiều sản phẩm nhưng so với nhu cầu bức thiết của nông dân thì chưa thấm tháp vào đâu. Cũng cần phải nói rõ rằng, đối tượng của sản xuất nông nghiệp rất đa dạng, các vùng miền có điều kiện tự nhiên (địa hình, đất đai...), trình độ, tập quán canh tác khác nhau... nên yêu cầu về máy móc nông nghiệp cũng rất đa dạng, cần phải có thời gian thì nhu cầu về máy của nông dân mới dần dần được đáp ứng.

 
Nông dân Vũ Đình Phúc ở Lâm Đồng với máy xay phế phẩm nông nghiệp - Ảnh: G.Bình

Trong điều kiện hiện nay, một mặt các nhà khoa học phải nỗ lực hơn nữa, mặt khác, chúng tôi đã xác định ưu tiên cho các nhiệm vụ khoa học công nghệ của Bộ có sự tham gia ngay từ đầu trong quá trình nghiên cứu của nông dân, hộ gia đình, trang trại, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh các mặt hàng nông sản... Họ sẽ là những người “ra đề” thích hợp nhất, để sau này đầu ra của sản phẩm có địa chỉ rõ ràng. Nói cách khác máy móc, thiết bị đã được đặt hàng bởi chính bà con nông dân, những người đang gặp phải những bức xúc trong quá trình làm nghề nông.

Tiến sĩ Lê Xuân Hảo - Phó chủ tịch thường trực Quỹ Hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật VN (Vifotec): Cần tuyên dương các nông dân sáng chế

“Tôi theo dõi gần như đầy đủ loạt bài về Những nhà sáng chế không bằng cấp trên Báo Thanh Niên. Nội dung rất phong phú, thể hiện sức sáng tạo rất lớn của nhân dân mà những điển hình trên có thể chỉ là bề nổi. Loạt bài chứng minh rằng không chỉ những người có học thức mới có thể sáng tạo mà họ có thể dựa vào những kinh nghiệm trong cuộc sống để tạo ra những máy móc phục vụ cho hoạt động sản xuất của mình. Đây là những điển hình rất đáng tuyên dương, khuyến khích để nhiều người khác cùng học tập và làm theo.

Về phần Vifotec, chúng tôi nhận thấy những sáng tạo đã đăng trong loạt bài của Thanh Niên rất gần gũi, rất phù hợp với tiêu chí của Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam do Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp tổ chức. Đây là một giải thưởng lớn có uy tín quốc gia nhằm khuyến khích các nhà khoa học đi sâu nghiên cứu, áp dụng các thành tựu khoa học công nghệ hiện đại và công nghệ thích hợp với hoàn cảnh Việt Nam vào sản xuất và đời sống. Ngoài việc trao giải, các nhà sáng chế sẽ được hỗ trợ các giải pháp kỹ thuật và hỗ trợ đăng ký sở hữu trí tuệ”.

Q.Thuần - Mai Vọng (ghi)

TS Chu Văn Thiện - Phó viện trưởng Viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch (Bộ NN và PTNT): Nông dân đã tự đáp ứng một phần nhu cầu bức thiết của mình

Những năm qua, tại các miền quê từ Bắc vào Nam, nông dân đã chế tạo và cải tiến thành công nhiều loại máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp như máy gặt đập liên hoàn, máy tẽ ngô, bóc tách hành tỏi, hút bùn... Xuất phát từ những khó khăn gặp phải trong công việc hằng ngày, họ mày mò chế tạo ra các loại máy dựa trên mẫu máy của các viện nghiên cứu trong nước, hoặc mẫu máy nhập ngoại, hoặc tự nghĩ ra để cải tiến và chế tạo ra máy móc phù hợp với điều kiện sản xuất ở địa phương mình.

Thời gian qua, chúng tôi đã hỗ trợ một số nông dân chế tạo máy như Viện đã cử cán bộ cùng ăn, ở và chế tạo máy máy gặt đập liên hợp (của ông Chính Nghĩa ở ĐBSCL), máy sấy vải thiều ở Lục Ngạn (Bắc Giang), máy bóc tách hành tỏi ở Hải Dương...

Nhu cầu máy nông nghiệp của nông dân rất lớn và phong phú nhưng ngành cơ khí nông nghiệp trong nước chưa đáp ứng đầy đủ. Nguyên nhân chủ yếu là do sản xuất máy này không đem lại nhiều lợi nhuận, dẫn đến các nhà máy chế tạo không mặn mà lắm. Trên thực tế, có những nhà máy mang tên là chế tạo máy nông nghiệp nhưng lại không lấy việc sản xuất máy phục vụ nông dân là chính, thậm chí là không tổ chức sản xuất các loại máy này. Vì thế, máy móc do nông dân tự chế tạo ra đã phần nào đáp ứng được nhu cầu bức thiết của nhà nông.

Quang Duẩn (ghi)

Quang Duẩn (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.