Theo dõi loạt bài Những nhà sáng chế không bằng cấp đăng trên Báo Thanh Niên trong nhiều ngày qua, tôi thực sự khâm phục và trân trọng những thành quả lao động bền bỉ, sáng tạo của người nông dân. Đa số họ không được đào tạo bài bản, chưa có lý thuyết về cơ khí và chế tạo máy, nhưng từ bức xúc trong công việc hằng ngày của nhà nông mà đã mày mò, chế tạo thành công nhiều loại máy góp phần làm tăng năng suất lao động, giải phóng sức người.
Ông Triệu Văn Hùng - Ảnh: Ngọc Thắng |
Những “đứa con” mà người nông dân “đẻ” ra là một nguồn cung cấp các công cụ, máy, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp phong phú, đa dạng, có tính ứng dụng tốt cho từng địa phương, từng vùng. Các loại máy móc này thường tương đối đơn giản, dễ làm, giá rẻ nên phù hợp với túi tiền của bà con nông dân.
* Thưa ông, những người nông dân không bằng cấp khi chế tạo máy rất cần nhận được sự giúp đỡ của nhà khoa học. Nhưng thực tế họ vẫn đang đơn độc?
- Công bằng mà nói, trên thực tế, thỉnh thoảng chúng tôi vẫn được tiếp những “nhà khoa học chân đất” ngay tại phòng làm việc của mình để nghe họ nói về những ý tưởng táo bạo. Một số ý tưởng của nông dân đã được các nhà khoa học chỉnh sửa cho chuẩn mực về kỹ thuật, hoạt động rất hiệu quả. Tuy nhiên, máy móc, giải pháp khoa học của các nhà khoa học đến với nông dân chủ yếu thông qua kênh khuyến nông, khuyến công, nhưng sự đặt hàng của nông dân, bao gồm cả nhu cầu được giúp đỡ về mặt kỹ thuật khi chế tạo máy móc nông nghiệp đối với các nhà khoa học lại chưa đi theo con đường này một cách chính thức. Sự hợp tác giữa các nhà khoa học với nông dân có ý tưởng chế tạo máy, giải pháp khoa học, cách làm hay mới chỉ mang tính tự phát, chưa đem lại những kết quả như mong muốn. Thực tế thì nông dân thực sự cần sự giúp sức từ các nhà khoa học, trong khi đó một số nhà khoa học của ta lại chỉ muốn làm những cái gì họ mạnh. Vấn đề là phải chia sẻ thông tin, xác định người có nhu cầu thực sự và có cơ chế để kết nối đúng địa chỉ và phối hợp hiệu quả.
* Cụ thể, khi có ý tưởng, nhu cầu, nông dân cần liên hệ với ai, cơ quan nào để nhận được sự giúp đỡ?
- Nếu có ý tưởng cụ thể, bà con nông dân có thể gửi đến Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường (Bộ NN và PTNT, số 2 Ngọc Hà, Q.Ba Đình, Hà Nội), tùy từng ý tưởng, chúng tôi sẽ chuyển cho các chuyên gia xin ý kiến tư vấn, nếu ý tưởng là hợp lý và có triển vọng sẽ yêu cầu các nhà khoa học, các viện nghiên cứu (ví dụ như Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch) hoặc các đơn vị nghiên cứu khác của Bộ hỗ trợ, hoặc xây dựng thành các đề tài nghiên cứu chính thức. Nông dân cũng có thể gửi đến Sở Khoa học và Công nghệ của địa phương mình đang sinh sống. Cán bộ của Sở này sẽ biết đơn vị nào có thể hỗ trợ được nông dân.
Nói vậy nghe có vẻ đơn giản nhưng thực tế, sự tiếp cận thông tin của người dân về những chủ trương, thậm chí cụ thể hơn là danh sách các đề tài, dự án chế tạo máy, hoặc danh sách các máy mới, công cụ mới vẫn được chúng tôi cập nhật trên mạng và các tạp chí khoa học là rất hạn chế. Đúng là sắp tới, chúng ta cần phải tạo ra cơ chế phù hợp để nông dân có cơ hội chuyển tải ý tưởng của mình đến được với cơ quan nhà nước, các nhà khoa học và họ sẽ không còn đơn độc trên con đường chế tạo máy đầy khó khăn nữa.
* Dư luận cho rằng, hiện các nhà khoa học còn nợ nông dân khi chưa chế tạo nhiều loại máy đáp ứng nhu cầu đa dạng của họ. Xin ông cho biết ý kiến của mình về vấn đề này?
- Tôi cho rằng, các nhà khoa học đã cố gắng rất nhiều và đã cho ra đời nhiều sản phẩm nhưng so với nhu cầu bức thiết của nông dân thì chưa thấm tháp vào đâu. Cũng cần phải nói rõ rằng, đối tượng của sản xuất nông nghiệp rất đa dạng, các vùng miền có điều kiện tự nhiên (địa hình, đất đai...), trình độ, tập quán canh tác khác nhau... nên yêu cầu về máy móc nông nghiệp cũng rất đa dạng, cần phải có thời gian thì nhu cầu về máy của nông dân mới dần dần được đáp ứng.
Nông dân Vũ Đình Phúc ở Lâm Đồng với máy xay phế phẩm nông nghiệp - Ảnh: G.Bình |
Trong điều kiện hiện nay, một mặt các nhà khoa học phải nỗ lực hơn nữa, mặt khác, chúng tôi đã xác định ưu tiên cho các nhiệm vụ khoa học công nghệ của Bộ có sự tham gia ngay từ đầu trong quá trình nghiên cứu của nông dân, hộ gia đình, trang trại, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh các mặt hàng nông sản... Họ sẽ là những người “ra đề” thích hợp nhất, để sau này đầu ra của sản phẩm có địa chỉ rõ ràng. Nói cách khác máy móc, thiết bị đã được đặt hàng bởi chính bà con nông dân, những người đang gặp phải những bức xúc trong quá trình làm nghề nông.
Tiến sĩ Lê Xuân Hảo - Phó chủ tịch thường trực Quỹ Hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật VN (Vifotec): Cần tuyên dương các nông dân sáng chế Q.Thuần - Mai Vọng (ghi) TS Chu Văn Thiện - Phó viện trưởng Viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch (Bộ NN và PTNT): Nông dân đã tự đáp ứng một phần nhu cầu bức thiết của mình Quang Duẩn (ghi) |
Quang Duẩn (thực hiện)
Bình luận (0)