Nizhny Tagil là một thành phố lớn thuộc tỉnh Sverdlovsk của Nga, được biết như là nơi đặt bản doanh của Sư đoàn tên lửa 42 với 36 tên lửa mang đầu đạn hạt nhân Topol. Ngoài ra, Nizhny Tagil còn một địa điểm đáng chú ý khác: Trại trừng giới số 13, nhà tù chuyên giam giữ các thành viên tha hóa của lực lượng cảnh sát và ngành tư pháp. Theo tờ The New York Times, khoảng 2.000 tù nhân tại đây từng là cảnh sát, công tố viên, nhân viên hải quan và cả thẩm phán. Bất chấp vị trí trong quá khứ, những người này không hề được hưởng đặc quyền đặc lợi nào. Một khi đã vào trại, cảnh sát hay quan tòa vẫn phải khoác áo tù, bị giam trong xà lim lạnh lẽo, phải lao động vất vả và đến bữa ăn cũng nuốt lúa mạch trộn cải bắp luộc như bao tù nhân khác.
Tổng cộng Nga có 10 nhà tù dành riêng cho những cảnh sát hoặc các công chức tư pháp phạm tội, từ tham nhũng đến đánh đập nghi can. Những trại giam này được thiết lập để tránh tình trạng nhân viên công lực và quan chức tư pháp phạm tội bị bạn tù, những người bị chính họ bắt giữ và tống giam trước đó, trả thù. Hiện các nhà tù đặc biệt này đang ngày càng đông đúc, bằng chứng cho thấy quyết tâm quét sạch nạn tham nhũng của Tổng thống Dmitry Medvedev.
|
Tính đến ngày 1.2.2011, có đến 9.023 tù nhân trong 10 trại giam, hơn gần 1.000 người so với năm 2008. Riêng Trại số 13 tại Nizhny Tagil đang chứa hơn 78 tù nhân so với thiết kế ban đầu là khoảng 1.600, và nhiều hơn 500 người so với cách đây 5 năm, The New York Times dẫn lời quản giáo Sergei Svalkin cho hay. Trong số này, 1.590 người là cảnh sát, 22 cựu chấp hành viên của tòa án, vài chục người từng là công tố viên, 15 cựu quan chức của Cơ quan An ninh liên bang (FSB) và 2 thẩm phán. Một số người, như cựu thanh tra Andrei V.Shumilov, phải vào trại do dùng nhục hình tra tấn can phạm trong lúc hỏi cung, trong khi đa số tù nhân còn lại bị kết tội tham nhũng và lạm dụng chức quyền.
Tham nhũng hoành hành
Cuối tháng 5, Bộ trưởng Nội vụ Nga Rashid G.Nurgaliyev thừa nhận trước quốc hội rằng rất nhiều quan chức cảnh sát cấp cao không giải thích được tại sao họ lại nắm trong tay vô số bất động sản từ trong nước lẫn nước ngoài. Báo Izvestia dẫn lời ông Nurgaliyev cho biết có đến 94 trong số 250 quan chức cao cấp không giải trình được trước ủy ban chống tham nhũng về nguồn gốc tài sản của mình. Hồi đầu năm, ông Nurgaliyev cho biết số tội phạm tham nhũng là giới chức cấp cao tăng 100% vào năm 2010 so với năm trước đó, theo RIA-Novosti. Vào năm 2010, báo cáo của Bộ Nội vụ ước tính giới chức Nga đã nhận hối lộ khoảng 33 tỉ USD trong năm 2009.
Georgi V.Azbarov từng là đại úy của FSB trước khi bị kết tội giết người vào năm 2003 và đang bị giam tại Trại trừng giới số 13. Trả lời phỏng vấn The New York Times, ông này nói một trong những lý do chính khiến giới công lực phạm tội là tiền lương thấp cộng với áp lực nghề nghiệp nặng nề. Cựu đại úy Dmitry Rusanov của Đồn cảnh sát Samara cho hay ông ta bị bắt vào tù sau khi nhận hối lộ 10.000 rúp hồi năm 2006 trong khi lương tháng của ông lúc đó chỉ có 8.000 rúp (khoảng 5,9 triệu đồng VN).
Trước tình trạng trên, để giảm bớt tình trạng tham nhũng, Tổng thống Medvedev đã thúc đẩy thông qua luật mới vào tháng 2 năm nay, theo đó tăng 20% lương cho lực lượng cảnh sát gồm khoảng 1 triệu người. Mỗi cảnh sát sẽ được lãnh ít nhất 33.000 rúp (khoảng 24,4 triệu đồng)/tháng. Ngoài ra, quốc hội cũng xem xét những dự luật khác, chẳng hạn như cấm xâm nhập nhà nếu không có giấy cho phép của tòa án hoặc cấm dùng dùi cui đánh phụ nữ.
Thụy Miên
Bình luận (0)