Nhùng nhằng chuyện kiện tụng kiểm lâm

Thái Sơn
Thái Sơn
27/10/2018 08:00 GMT+7

Chuyện xảy ra tại Tuyên Quang, trong một vụ án hành chính mà Chi cục Kiểm lâm tỉnh bị tuyên thua kiện.

Ông Nguyễn Bảo Anh, Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm (CCKL) tỉnh Tuyên Quang, vừa có Văn bản số 461, trả lời ông Đào Văn Phấn (55 tuổi, ngụ xã Kim Phú, H.Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang) về việc xử lý trách nhiệm những cán bộ làm trái pháp luật, gây phiền hà, gây thiệt hại về vật chất và tinh thần của nhân dân. Đáng chú ý, văn bản này nêu rõ: “Mặc dù bản án hành chính cấp phúc thẩm của TAND cấp cao tại Hà Nội đã có hiệu lực pháp luật nhưng đây là bản án không đúng quy định của pháp luật nên CCKL Tuyên Quang đã đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết lại vụ án theo trình tự quy định”.
Văn bản này cũng cho biết “quá trình thực hiện nhiệm vụ, các công chức kiểm lâm được giao nhiệm vụ đã tiến hành kiểm tra, lập hồ sơ vụ vi phạm đối với ông Đào Văn Phấn đảm bảo đúng trình tự, thủ tục; quyết định xử phạt vi phạm hành chính của CCKL đối với ông Đào Văn Phấn là đúng quy định của pháp luật. Do vậy, không có căn cứ để xác định công chức kiểm lâm có sai phạm trong xử lý vụ việc nêu trên”.
Nhùng nhằng chuyện kiện tụng kiểm lâm
Văn bản “chê” tòa xử trái luật của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tuyên Quang

Bao che cho cán bộ sai phạm ?
Trao đổi với PV Thanh Niên ngày 25.10, ông Đào Văn Phấn cho rằng văn bản của CCKL tỉnh Tuyên Quang trả lời ông đã phủ nhận phán quyết của tòa nhằm mục đích bao che cho sai phạm của cán bộ, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của ông.
Theo hồ sơ ông Phấn cung cấp, năm 2012, ông mua 18 đoạn gỗ nghiến tròn từ một người dân ở tỉnh Thái Nguyên rồi đem đến một xưởng gỗ để chế biến làm đồ trang trí. Sau khi ra thành phẩm và phun sơn PU xong thì bị Đội kiểm lâm cơ động - CCKL tỉnh Tuyên Quang tạm giữ vì cho rằng đây là số gỗ bất hợp pháp. Sau đó, CCKL tỉnh ra quyết định xử phạt hành chính 15 triệu đồng đối với ông Phấn về hành vi cất giữ lâm sản trái quy định nhà nước, ra quyết định bổ sung tịch thu tang vật gồm 1,192 m3 gỗ nghiến của ông Phấn.
Tháng 7.2013, ông Phấn kiện quyết định hành chính nói trên ra TAND tỉnh Tuyên Quang, nhưng bị xử thua. Ông Phấn có đơn kháng cáo gửi TAND cấp cao tại Hà Nội giải quyết vụ án theo trình tự phúc thẩm. Ngày 14.7.2017, TAND cấp cao tại Hà Nội mở phiên xét xử phúc thẩm vụ án hành chính về việc “kiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Chi cục trưởng CCKL tỉnh Tuyên Quang”, đã phán quyết chấp nhận kháng cáo của ông Phấn, đồng thời hủy cả hai quyết định xử phạt hành chính và phạt bổ sung của CCKL đối với ông Phấn, do số gỗ có giấy tờ hợp pháp (qua đấu giá).
Mặc dù bản án của TAND cấp cao có hiệu lực từ tháng 7.2017, song ông Phấn gặp rất nhiều khó khăn trong thi hành án, đòi lại quyền lợi của mình. Cụ thể, CCKL cho rằng bản án của TAND cấp cao không tuyên hình thức xử lý đối với tang vật 1,192 m3 gỗ nghiến đã tịch thu nên cơ quan này không có căn cứ để thi hành?
Đến tháng 1.2018, CCKL tỉnh Tuyên Quang cho rằng do thời hạn tạm giữ tang vật vi phạm hành chính đã hết nên mời ông Phấn đến để trả lại số gỗ đã tịch thu. Tuy nhiên, ông Phấn từ chối nhận tài sản bởi số gỗ của ông bị hư hỏng, biến dạng do sau khi bị tịch thu không được bảo quản. “CCKL giữ tài sản của tôi trái luật tới 5 năm trời, đến khi tòa tuyên họ còn nhây nhưa thêm nửa năm nữa không giải quyết. Thời điểm bị tịch thu, số gỗ trị giá cả tỉ đồng, giờ hư hỏng như vậy bán cho ai”, ông Phấn nói và cho biết dù ông không đồng ý nhận nhưng sau đó kiểm lâm cho người mang toàn bộ số gỗ đó đến để tại nhà ông. Vì vậy, ông gửi đơn đề nghị CCKL tỉnh “xem xét kỷ luật những cán bộ sai phạm làm trái pháp luật, gây phiền hà cho nhân dân; làm giảm niềm tin; gây thiệt hại tài sản vật chất, tinh thần của nhân dân”. Ngoài ra, ông cũng gửi đơn tới một số cơ quan chức năng tỉnh Tuyên Quang đề nghị đốc thúc, giám sát việc xử lý trách nhiệm của cán bộ CCKL.
Trao đổi với PV Thanh Niên ngày 26.10, ông Phạm Văn Hà, Chánh án TAND cấp cao tại Hà Nội, cho biết CCKL tỉnh Tuyên Quang vừa có văn bản kiến nghị xem xét lại bản án của TAND cấp cao. “Việc tòa phúc thẩm xử đúng sai ra sao thì TAND tối cao sẽ xem xét, nhưng CCKL tỉnh Tuyên Quang ra một văn bản với những văn phong từ ngữ như vậy là không đúng chuẩn mực”, ông Hà nói.
Có dấu hiệu của tội không chấp hành bản án
Theo luật sư Phạm Văn Phất (Đoàn luật sư TP.Hà Nội), pháp luật hiện hành quy định bản án phúc thẩm có hiệu lực kể từ ngày tuyên án và mọi cá nhân, tổ chức liên quan đến bản án bắt buộc phải chấp hành. Bản án của tòa phúc thẩm là nhân danh cho nhà nước, cho Hiến pháp, pháp luật chứ không phải câu chuyện của một cơ quan, do đó, việc CCKL tỉnh Tuyên Quang có văn bản phản đối bản án là không tôn trọng Hiến pháp, không tuân thủ nguyên tắc bộ máy nhà nước là thống nhất từ trên xuống dưới. Hành vi này còn có thể coi là có dấu hiệu của tội không chấp hành bản án theo quy định tại bộ luật Hình sự.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.